Bức ảnh đặc biệt

Có một tấm ảnh chụp ngay sau ngày giải phóng sân bay Đà Nẵng được các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 1 (Ba Gia) Sư đoàn 2- Quân khu 5 cất giữ như báu vật. Người còn, người mất sau 45 năm nhưng sự kiện đặc biệt ấy thì vẫn còn lưu dấu mãi.

Có một tấm ảnh chụp ngay sau ngày giải phóng sân bay Đà Nẵng được các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 1 (Ba Gia) Sư đoàn 2- Quân khu 5 cất giữ như báu vật. Người còn, người mất sau 45 năm nhưng sự kiện đặc biệt ấy thì vẫn còn lưu dấu mãi.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Đà Nẵng sáng 29-3-1975.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Đà Nẵng sáng 29-3-1975.

Sư đoàn 2, đơn vị 2 lần Anh hùng LLVTND, được mệnh danh “Sư đoàn thép” thành lập năm 1965 với những trận đánh làm nên lịch sử như Ba Gia, Vạn Tường, Đường 9 Nam Lào, Nông Sơn- Trung Phước… Hành trình chống Mỹ cứu nước 10 năm gian khổ, ác liệt ấy được nở hoa bằng các chiến dịch giải phóng Tam Kỳ, Đà Nẵng. Trong ký ức những người lính Sư đoàn thì đó thực sự là những ngày thiêng liêng, hùng tráng.

Theo CCB Nguyễn Văn Huật, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn Ba Gia), sau khi giải phóng Tam Kỳ (24-3-1975), cả Sư đoàn hành tiến vào Đà Nẵng. Ngày 28-3, địch dùng máy bay ném bom đánh sập cầu Bà Rén. Đêm hôm đó, nhân dân dùng thuyền đưa bộ đội vượt qua sông và dẫn đường về phía đông thị trấn Nam Phước, tiến ra Lai Nghi, Vĩnh Điện. Ở đây nhân dân đã chuẩn bị hàng trăm chiếc xuồng đưa bộ đội sang sông an toàn và nhanh chóng. Từ Cẩm Hà, Trung đoàn vòng qua QL1, tiếp tục tiến công theo hướng chính. Các đơn vị bỏ lại mọi trang bị cá nhân và gạo, chỉ mang theo vũ khí chiến đấu, thần tốc tiến về Đà Nẵng theo ba mũi: Sân bay Đà Nẵng, Tòa thị chính và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy.

“Khi qua quốc lộ, chúng tôi chia ra nhỏ lẻ, bắt xe vào thành phố, gặp xe gì đi xe nấy, hầu hết là của nhân dân. Tôi phụ trách đại đội 9, cùng đại đội hỏa lực của tiểu đoàn gồm cối, đại liên, ĐKZ thẳng tiến về hướng sân bay theo kế hoạch. Mũi của tôi đi trước tiên trên những chiếc xe GMC, đến xưởng dệt Ngã ba Cẩm Lệ, thấy hai chiếc máy bay địch đang rời sân bay, tôi lệnh đại đội hỏa lực cho bộc phá nổ uy hiếp, chúng sợ bay vút lên không. Sau đó không có chiếc máy bay nào dám cất cánh nữa. Chúng tôi vào sân bay lúc này là 9 giờ 30 phút. Bọn địch đã bỏ chạy. Quân phục cởi bỏ vương vãi. Đơn vị chiếm sân bay tương đối nhẹ nhàng, khác với trận đánh ác liệt ở sân bay Kỳ Tích, Tam Kỳ mấy ngày trước đó. Qua thông tin, cả đơn vị sung sướng khi biết Sư đoàn và các lực lượng đã chiếm lĩnh Đà Nẵng trước 12 giờ ngày 29-3. Không khí hân hoan tràn ngập. Tối đó tôi cùng anh em ngủ và chốt giữ tại sân bay. Tờ mờ sáng, mọi người bỗng nghe tiếng lao xao ở tầng trên. Thì ra hơn một trăm tên ngụy mặc đồ thường phục lục tục đi xuống, tay giơ quá đầu. Thì ra bọn họ trốn trên đó nghe ngóng tình hình nhưng không dám manh động. Tôi bảo trợ lý chính trị viết giấy, trao tự do cho họ. Tôi nói, các anh trước đây là kẻ thù nhưng bây giờ hòa bình rồi, lo mà về làm ăn…”, ông Huật kể.

Các CCB Nguyễn Văn Huật (ngoài cùng bên trái), Trần Như Tiếp (chính giữa), Nguyễn Thế Trạch (thứ ba từ phải sang). Ảnh T.L

Các CCB Nguyễn Văn Huật (ngoài cùng bên trái), Trần Như Tiếp (chính giữa), Nguyễn Thế Trạch (thứ ba từ phải sang). Ảnh T.L

CCB Nguyễn Thế Trạch, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, hiện là Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu Đoàn Ba Gia tại Hà Nội giải thích vì sao có tấm ảnh đặc biệt tại sân bay Đà Nẵng.

“Hai ngày sau khi Tiểu đoàn chiếm giữ sân bay thì đoàn cán bộ của Quân khu và Trung đoàn đến thăm. Đó là Trung đoàn phó Trương Hồng Anh, sau này là Đại tá Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Anh Trần Như Tiếp, là phái viên tác chiến của Quân khu đi theo Sư đoàn. Anh Trụ, trưởng tiểu ban trinh sát Trung đoàn. Anh Châu Vũ là cán bộ của trường huấn luyện Quân khu đi thực tế. Như vậy, bức ảnh ấy ngoài các vị khách, “chủ nhà” có tôi, Huật và Chiến, chính trị viên phó Tiểu đoàn. Lúc ấy có cậu Thôi (quê Hải Phòng), Tuyên huấn Trung đoàn đi cùng đem theo máy ảnh. Chúng tôi bảo cậu ấy chụp một tấm hình có 7 anh em bên chiếc máy bay Mỹ để làm kỷ niệm dịp hội ngộ. Vậy là chỉ vài ngày sau, cậu ấy rửa và tặng cho mỗi người một tấm. Ai cũng coi như phần thưởng của mình trong ngày chiến thắng. Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh sau này cũng hay nhắc đến dịp gặp gỡ ấy. Ngày anh hy sinh ở chiến trường K năm 1984, chúng tôi vô cùng đau xót, ai nấy đem tấm ảnh có anh ra nhìn mà thấy thương vô cùng. Sau này, anh Châu Vũ, Trụ, Chiến cũng lần lượt từ trần. Người còn sống chỉ còn có 3…”.

Đại tá Trần Như Tiếp, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 5, hiện sống tại Đà Nẵng, giờ đã tuổi trên 80. Ông vẫn say sưa viết sử. Tấm ảnh chụp tại sân bay Đà Nẵng được ông đưa vào trong nhiều bài viết. Tại buổi giao lưu nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Trung đoàn Ba Gia 3 lần AHLLVTND (20-11-2013), trước hàng ngàn chiến sĩ, ông lại kể về ngày thần tốc 29-3; đưa cho mọi người xem tấm ảnh 7 anh em trong ngày giải phóng và nhận tràng pháo tay dài không ngớt.

Gắn bó với Sư đoàn 2 từ ngày mới thành lập, đi qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh để đến ngày khải hoàn, những người lính trong tấm ảnh năm xưa lại rưng rưng khi nghĩ về hành trình của chiến thắng của đơn vị mình và toàn dân tộc.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_223545_buc-anh-dac-biet.aspx