Bức ảnh gần nhất của bề mặt Mặt Trời lần đầu chụp được
Các hình ảnh bề mặt của Mặt Trời do tàu vũ trụ Solar Orbiter thu thập từ vị trí giữa quỹ đạo của sao Kim và sao Thủy hé lộ những đám cháy nhỏ như 'lửa trại'.
Theo Guardian, những đám cháy này là phiên bản thu nhỏ của các vệt lửa Mặt Trời, hiện tượng có thể quan sát được bằng khí viễn vọng từ Trái Đất. Hình ảnh được gửi về từ tàu vũ trụ Solar Orbiter, sứ mệnh nghiên cứu được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) phối hợp.
Đây là những hình ảnh chụp được từ vị trí gần Mặt Trời nhất từ trước đến nay. Sứ mệnh Solar Orbiter có thể giúp các nhà khoa học lý giải vì sao khí quyển của ngôi sao lại nóng hơn rất nhiều so với nhiệt độ bề mặt - một nghịch lý trong khoa học vật lý Hệ Mặt Trời.
Các vệt lửa thu nhỏ là giả thuyết lý giải nghịch lý này, nhưng đến nay Trái Đất chưa có kính viễn vọng nào có độ phân giải đủ cao để quan sát chi tiết khí quyển Mặt Trời.
Những hình ảnh mới nhất về bề mặt ngôi sao trung tâm Hệ Mặt Trời được ghi nhận từ khoảng cách 77 triệu km, giữa quỹ đạo của sao Kim và sao Thủy. Các hình ảnh cho thấy những điểm sáng nhấp nháy, mỗi điểm trải rộng vài trăm km và kéo dài trong vài phút trước khi biến mất.
"Các đám cháy lửa trại này là họ hàng phiên bản nhỏ của vệt lửa Mặt Trời mà chúng ta quan sát được từ Trái Đất, nhỏ hơn từ vài triệu đến vài tỷ lần", David Berghmans, thành viên Đài quan sát Hoàng gia Bỉ, một trong các nhà khoa học chính của sứ mệnh nghiên cứu, chia sẻ.
"Mặt Trời nhìn sơ qua có vẻ trầm lặng, nhưng nếu chúng ta quan sát chi tiết, có thể thấy những điểm lóa nhỏ xuất hiện mọi nơi", ông mô tả.
Tàu vũ trụ Solar Orbiter có kinh phí phát triển đến 1,3 tỷ USD. Tàu được phóng vào vũ trụ vào tháng 2/2020 với sứ mệnh cung cấp những góc nhìn cận cảnh đầu tiên của cực bắc và cực nam Mặt Trời. Tàu sẽ đạt được điểm quan sát tối ưu vào cuối năm 2021.
Càng tiến đến gần ngôi sao, nhiệt độ mà tàu vũ trụ phải chịu đựng sẽ càng lớn. Do đó, máy chụp ảnh và các thiết bị khác của Solar Orbiter được đặt trong hộp chịu nhiệt đặc biệt, làm từ titanium. Bề mặt được phủ bởi một hợp chất đặc biệt, làm từ xương động vật đã cháy thành than. Các nhà khoa học gọi hợp chất này là SolarBlack.
Những hình ảnh mới nhất chỉ mới thể hiện diễn biến tại tầng thấp của khí quyển Mặt Trời, còn được gọi là tầng corona (tầng hào quang), trải rộng hàng triệu km vào vũ trụ.
Nhiệt độ tại tầng hào quang có thể lên đến hàng triệu độ C, lớn hơn rất nhiều so với bề mặt của ngôi sao vốn "chỉ có" 5.500 độ C.
Các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm liệu các vệt lửa Mặt Trời tạo ra năng lượng đủ lớn để tầng hào quang nóng hơn bề mặt của ngôi sao.