Bức ảnh phơi bày thảm cảnh mùa dịch ở Indonesia
Indonesia đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất sau nhiều tháng. Các chuyên gia cảnh báo nước này có nguy cơ rơi vào thảm cảnh tương tự Ấn Độ thời gian qua.
Ngày 16/6, tấm ảnh nhân viên nghĩa trang ở Indonesia nằm nghỉ ngay trên một ngôi mộ sau khi chôn cất bệnh nhân Covid-19 được Reuters đưa vào mục ảnh thời sự nổi bật trong ngày. Tấm ảnh cũng phản ánh diễn biến dịch ngày càng đáng lo ngại ở Indonesia.
Trong Đông Nam Á, Indonesia là nước có diễn biến dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất. Ngày 18/6, Indonesia báo cáo 12.990 ca nhiễm mới - con số cao nhất kể từ cuối tháng 1.
Cùng ngày, nước này ghi nhận thêm 290 bệnh nhân tử vong vì mắc Covid-19. Đây tiếp tục là con số kỷ lục trong ngày kể từ hôm 4/4, theo Reuters.
Số ca tử vong tăng nhanh khiến các nhân viên nghĩa trang ở Indonesia phải làm việc vất vả hơn để chôn cất người bệnh. Đến ngày 18/6, Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này có hơn 54.000 bệnh nhân tử vong trong gần 2 triệu người mắc Covid-19.
Giới chức y tế Indonesia cho biết sự xuất hiện của biến chủng Delta, lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ, là nguyên nhân làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới đang hoành hành tại nước này.
Thế nhưng, các chuyên gia dịch tễ học tin rằng biến chủng Delta chỉ là "con dê tế thần" trong bối cảnh dịch bệnh một lần nữa bùng lên vượt ngoài tầm kiểm soát, theo Al Jazeera.
Đổ lỗi cho biến chủng
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết biến chủng Delta với khả năng lây lan nhanh chóng đã xâm nhập vào Indonesia thông qua hệ thống cảng biển.
"Bởi nhiều cảng biển ở Indonesia đón hàng hóa và người đến từ Ấn Độ, virus cũng qua đó mà xâm nhập đất nước", Bộ trưởng Sadikin nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định biến chủng Delta không phải là nguyên nhân chính của làn sóng dịch bệnh hiện nay.
Thay vào đó, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh những tuần qua là hậu quả trực tiếp việc người dân đi lại dọc khắp đất nước khi tháng lễ Ramadan kết thúc.
Thiếu ý thức tuân thủ quy định cấm di chuyển, không có một chính sách y tế đồng bộ, những thông điệp lộn xộn của chính phủ, chiến lược truy vết kém hiệu quả, tư nhân hóa hệ thống xét nghiệm... là các nguyên nhân của làn sóng dịch bệnh hiện nay.
Nhà chức trách Indonesia đã cấm đi lại tại các sân bay nội địa và bến phà trong giai đoạn 22/4-24/5.
Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ lễ, ước tính khoảng 5-6 triệu người vẫn di chuyển giữa các thành phố lớn trên hai hòn đảo đông dân cư nhất của Indonesia là Java và Sumatra.
"Mọi biến chủng đều đáng lo ngại. Nhưng biến chủng Delta hiện chỉ đứng thứ hai, lây lan mạnh nhất ở Indonesia lúc này vẫn là biến chủng Alpha. Tôi tin rằng biến chủng Delta đang trở thành 'con dê tế thần' bởi sự bất lực của chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh", Gusti Ngurah Mahardika, giáo sư hàng đầu về virus tại Đại học Udayana, nói.
Hậu quả do bất tuân quy định
Giáo sư Mahardika cho biết gần như không thể chỉ ra chính xác lý do số ca mắc bệnh tăng nhanh những ngày qua, bởi quá nhiều ca mắc Covid-19 không được khai báo. Tuy nhiên, ông Mahardika khẳng định có một số yếu tố rất hiển nhiên.
"Người dân đi lại trong tháng lễ Ramadan là một nguyên nhân, không có gì cần bàn cãi", giáo sư Đại học Udayana cho biết.
Ông Mahardika cho biết thêm Indonesia đang trả giá vì quá ưu tiên duy trì phát triển kinh tế mà bỏ qua cơ hội kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
"Chúng ta là một đất nước vô tổ chức, mọi ưu tiên đều dành cho kinh tế. Ở Denpasar (thủ phủ của Bali), các quán cà phê và nhà hàng luôn kín chỗ mỗi buổi tối", ông Mahardika cho biết.
Ahmad Utomo, một chuyên gia về sinh học phân tử ở thủ đô Jakarta, cũng đồng ý rằng biến chủng Delta đang được viện dẫn như cái cớ để đổ vấy trách nhiệm khi dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát.
"Tôi tuyệt đối nhất trí với nhận định ấy. Dù là biến chủng nào đi nữa, nó vẫn cần con người để tự nhân bản", ông Utomo nói.
"Biến chủng Delta giống như một chiếc xe thể thao. Nó có thể đi rất nhanh. Nhưng ngay cả xe thể thao cũng chỉ có thể đi nhanh ở mức mà con đường nó đang đi cho phép. Để làm chậm sự lây lan của virus, cần giải quyết vấn đề di chuyển của người dân", ông Utomo nhận xét.
Tại Indonesia, quá nhiều người bất tuân các quy định về y tế cũng như lệnh cấm di chuyển. Trong khi đó, chính phủ Indonesia đã không đầu tư đúng mức cho xét nghiệm và truy vết, ông Utomo đánh giá.
"Nếu muốn di chuyển bằng tàu hoặc máy bay, người dân phải trả tiền xét nghiệm, vì thế một ngành công nghiệp xét nghiệm khổng lồ của tư nhân đã mọc lên. Nhưng tiền lại không được chi cho công tác truy vết, công đoạn này hoàn toàn bị bỏ qua", ông Utomo cho biết.
Thảm kịch phía trước
Bác sĩ Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ học từng giúp Bộ Y tế Indonesia xây dựng chiến lược kiểm soát dịch bệnh trong suốt 20 năm, cho biết biến chủng Alpha đang là nguyên nhân chính của đợt bùng phát Covid-19 hiện nay.
"Lúc này, biến chủng Delta đang lây lan nhưng còn hạn chế, trong khi biến chủng Alpha lan rộng khắp cả nước bởi những người bất tuân lệnh cấm di chuyển. Đã hơn một năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ cho thấy họ không có năng lực kiểm soát Covid-19", ông Budiman nói.
Tuy nhiên, ông Budiman cũng cảnh báo sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi biến chủng Delta trở thành chủng virus thống trị ở Indonesia, và rằng nước này có thể sẽ rơi vào thảm kịch tương tự Ấn Độ.
"Biến chủng Delta sẽ là loại lây nhiễm mạnh nhất trong tháng tới. Tôi dự đoán sẽ có lượng lớn ca mắc bệnh trong cộng đồng và số người chết cũng tăng nhanh trong tháng 7 ở đảo Java, bởi 40% dân số Indonesia sống ở đó. Mật độ dân cư đông đúc là một hiểm họa", ông Budiman nhận xét.
"Tình hình sẽ rất tồi tệ, số người chết sẽ cao hơn nhiều, những gì chúng ta chứng kiến ở Ấn Độ là một minh họa rõ ràng. Biến chủng Delta tác động rất mạnh ở các nước không thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hay không có đủ xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng", ông Budiman nói.
Chưa quá muộn?
Indonesia là nơi thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine Sinovac của Trung Quốc. Dù đã khởi động chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1, Indonesia tới nay mới chỉ tiêm chủng đủ liều vaccine cho 4,3% dân số, tương đương 11,8 triệu người.
Từ khi đại dịch bùng phát, kinh tế là nỗi lo thường trực của chính phủ Indonesia, bởi Jakarta lo ngại không thể bảo đảm an ninh xã hội, chưa kể an ninh lương thực, cho 276 triệu cư dân. Khoảng 10% dân số Indonesia sống dưới chuẩn nghèo.
Nadia Wiweko, người phát ngôn Bộ Y tế, cho biết chính phủ Indonesia đang xem xét áp dụng chiến lược phong tỏa hạn chế nhắm vào các khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh cao.
"Chúng tôi đã ban hành các quy định hạn chế hoạt động của cộng đồng ở quy mô nhỏ hơn, áp dụng tại tất cả tỉnh, thành phố. Chiến lược này giống với giãn cách xã hội quy mô lớn, nhưng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của các địa phương", bà Wiweko cho biết.
Chiến lược mới của chính phủ Indonesia bao gồm cách ly và điều trị có chọn lọc, làm việc tại nhà, hạn chế giờ mở cửa của siêu thị. Truy vết cũng được mở rộng từ 5-10 đối tượng trên mỗi ca dương tính lên 20-30 đối tượng.
"Chúng tôi biết người dân đang lo lắng, nhưng vẫn chưa muộn để ngăn chặn dịch bệnh", bà Wiweko nói.
Bất chấp số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, Indonesia vẫn đang xem xét cho du khách nước ngoài nhập cảnh từ đầu tháng 7 tại các địa điểm du lịch như Bali, nhằm khởi động lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Budiman cảnh báo chiến lược phong tỏa quy mô hạn chế sẽ không có hiệu quả.
"Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy chỉ có phong tỏa hoàn toàn, kết hợp cùng tăng cường xét nghiệm, truy vết, cách ly, cùng một chương trình tiêm chủng diện rộng, mới có thể kiềm chế biến chủng Delta", ông Budiman nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-anh-phoi-bay-tham-canh-mua-dich-o-indonesia-post1228889.html