Bức điện trước giờ G
Trong cuộc đời binh nghiệp, dẫu có rất nhiều kỷ niệm nhưng đối với Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam (trú tại Q. Hải Châu, Đà Nẵng), nhận được bức điện trước giờ G của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là niềm vinh dự, tự hào trong thời khắc thiêng liêng của quê hương, đất nước.
Trong cuộc đời binh nghiệp, dẫu có rất nhiều kỷ niệm nhưng đối với Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam (trú tại Q. Hải Châu, Đà Nẵng), nhận được bức điện trước giờ G của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là niềm vinh dự, tự hào trong thời khắc thiêng liêng của quê hương, đất nước.
Chiều 20-3-1975, Thiếu tá Lê Hải Lý nhận được bức điện tối khẩn của đồng chí Văn, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, gửi từ Hà Nội vào với nội dung: "Điện tối khẩn điện cho đồng chí Lê Hải Lý - Tỉnh đội trưởng Quảng Nam chuẩn bị tấn công thần tốc, chỉ đồng chí và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy biết. Ký tên Văn". Đây là bức điện quan trọng nên đích thân Chủ nhiệm thông tin Tỉnh đội Đặng Vân trực tiếp trao tận tay anh. Cầm bức điện trong tay, Lê Hải Lý vô cùng xúc động, nước mắt tự dâng trào, anh thầm nhủ: "Thế là cuộc chiến đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã sắp đến ngày toàn thắng thật rồi". Anh nhanh chóng cho cơ động Sở chỉ huy tỉnh đội chuyển về thôn Trà Đỏa (Bình Đào, Thăng Bình) để thuận lợi cho việc chỉ huy thần tốc.
Lúc này, tình hình chiến sự trên mặt trận của Quân khu 5 cũng chuyển biến mau lẹ. 5 giờ 30 phút ngày 21-3, Sư đoàn 2 tấn công tuyến phòng thủ Suối Đá, địch chống trả yếu ớt dần. 12 giờ trưa cùng ngày, tuyến phòng thủ che chở cho thị xã Tam Kỳ bị vỡ một mảng lớn. Chuẩn tướng Nhựt vội rút trung đoàn 4 từ Quảng Ngãi ra lấp lỗ hổng. Cánh quân phòng thủ Quảng Ngãi đã suy yếu càng yếu thêm. Nắm chắc thời cơ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lập tức điều Lữ đoàn 52, do đồng chí Đỗ Sa làm lữ trưởng, vào phối hợp với Trung đoàn 94 tấn công Quảng Ngãi. 7 giờ ngày 24-3, cả Tam Kỳ và Quảng Ngãi cùng lúc bị tấn công. Trên hướng thị xã Tam Kỳ, trung đoàn 4 và phần còn lại của trung đoàn 5 của sư đoàn 2 ngụy đã bị thất bại sau hơn hai giờ giao chiến. Ở hướng thứ yếu tại Cẩm Khê, Khánh Thọ và Đức Tân, hai tiểu đoàn 37 và 39 của liên đoàn 12 biệt động cũng vội vàng tháo chạy.
Trưa 23- 3-1975, quyền Tỉnh đội trưởng Lê Hải Lý giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 72 và công binh, ngay trong đêm phải đánh sập cầu Kỳ Phú, chiếm trận địa pháo Vu Hồi ở đông Tam Kỳ và địa bàn các xã Bình Nam, Kỳ Phú và Kỳ Anh. Ở mỗi xã, địch bố trí từ 5 đến 6 chốt điểm nên quân ta phải vừa đi, vừa đánh địch để trong đêm 23 rạng 24 phải đánh sập cầu Kỳ Phú. Theo đúng kế hoạch, Tiểu đoàn 72 đã đánh sập cầu Kỳ Phú, chiếm trận địa pháo, thu 3 khẩu 155 ly, 4 khẩu 105 ly của địch và bắt hàng trăm tù binh, đồng thời cắt đứt liên lạc và khóa chặt phía đông Tam Kỳ, làm cho quân địch ở thị xã rối loạn.
Cùng thời điểm, Tiểu đoàn 70, do đồng chí Ngô Hữu Đãi làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Chu - chính trị viên, vừa đánh, vừa tiến thọc sâu xuống Tam Tiến, đánh chiếm cứ điểm Mụ Đợi, thu 2 khẩu ĐKZ 175 ly và bắt sống hàng trăm tù binh. Trên hướng tây, Tiểu đoàn 11 tiếp tục đánh xuống quận lỵ Thăng Bình. Khí thế tiến công dồn dập trên địa bàn toàn tỉnh. Tại huyện Nam Tam Kỳ (Quảng Nam), các lực lượng đã thọc sâu xuống đông đường 1, đánh xuống cửa Lỡ, tấn công cảng Kỳ Hà, cùng với chủ lực quân khu đánh chiếm sân bay Chu Lai. Các đơn vị của Huyện đội Quế Sơn cũng bám đánh xung quanh quận lỵ, cắt đường 105, sau đó chuyển hướng tiến công xuống Hương An, Bà Rén. Trên hướng tây, sáng 24-3-1975, xe tăng và bộ binh của chủ lực quân khu đã tiêu diệt chiến đoàn biệt động tây sân bay Ngọc Bích. Cũng ngay trong sáng 24- 3-1975, Tỉnh trưởng Đào Mộng Xuân đã cởi quần áo tháo chạy. Địch ở thị xã Tam Kỳ rối loạn.
Đến 10 giờ ngày 24-3, Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), Sư đoàn 2, do đồng chí Phạm Xưởng làm Trung đoàn trưởng và đồng chí Lê Lung (còn gọi là Vấn) làm chính ủy, tổ chức đội hình đơn vị thành 3 cánh: Cánh thứ nhất qua Kỳ Bích, Kỳ Hưng đánh chiếm đầu cầu Tam Kỳ, đánh ra quốc lộ; cánh thứ hai đánh qua sân bay Ngọc Bích phát triển xuống trung tâm thị xã; cánh thứ ba đánh dọc đường Tam Kỳ, Tiên Phước qua ga đường sắt xuống trung tâm thị xã. Còn Trung đoàn 31 đánh qua Kỳ Lý, Quán Rường ra Tuần Dưỡng. Chưa đầy một giờ chiến đấu, ta đã làm chủ toàn bộ thị xã Tam Kỳ. Đúng 10 giờ 30 ngày 24-3-1975, thị xã Tam Kỳ hoàn toàn giải phóng, một thời khắc lịch sử hào hùng oanh liệt là niềm hãnh diện của Đảng bộ và quân dân Quảng Nam.
Thị xã Tam Kỳ được giải phóng, quân khu lệnh cho lực lượng của tỉnh Quảng Nam vận động ra đông đường 1 đánh cắt cầu Bà Rén. Chỉ huy tỉnh đội điều ngay các Tiểu đoàn 70, 72 và 74 từ phía đông H. Quế Xuân đánh lên đường 1 và cắt cầu Bà Rén. Đồng thời, Tiểu đoàn 11 đánh xuống núi Quế tiêu diệt một bộ phận lính ngụy, quân số còn lại vội vàng bỏ cứ điểm tháo chạy. Trái ngược với tinh thần hăng say chiến đấu của bộ đội, quân địch rất hoảng loạn, hầu như không còn dám chống cự khi bị ta tấn công. Kết quả sau 14 ngày chiến đấu liên tục, dũng cảm ngoan cường, bắt đầu từ ngày 10-3 đến ngày 24-3-1975, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam trong đội hình Quân khu 5 đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã toàn bộ quân ngụy và chính quyền Sài Gòn của tỉnh Quảng Tín, thu hàng vạn vũ khí các loại và phương tiện chiến tranh.
Chuỗi ngày chiến đấu quyết liệt, quân ta vừa hành tiến, vừa chiến đấu đạp bằng gian khó giành thắng lợi trọn vẹn của 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là kết quả chiến đấu của quân và dân Quảng Nam trong 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đối với Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý, bức điện trước giờ G của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một lời hiệu triệu mang niềm tin chiến thắng.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_222195_buc-dien-truoc-gio-g.aspx