Bức thư đề nghị 40 trường không thả bóng bay ngày khai giảng của cô bé lớp 5 khiến người lớn phải suy nghĩ
Em Nguyễn Nguyệt Linh viết thư gửi hơn 40 trường, đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng, vì tác hại chúng gây ra cho các loài động vật.
Bức thư mang thông điệp bảo vệ môi trường của Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5, trường Marie Curie (Hà Nội) viết dưới dạng thư điện tử, gửi tới hơn 40 trường học, đang được dân mạng lan truyền nhanh chóng.
Trong thư, Nguyệt Linh đề nghị các trường không thả bóng bay trong ngày lễ khai giảng sắp đến. Sự diễn giải hồn nhiên của cô bé 11 tuổi khiến người lớn phải suy nghĩ.
"Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon tức là nhựa, và khi thả bóng bay các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói.
Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các sinh vật biển sẽ bị nhầm với sứa. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ", Nguyệt Linh viết.
Quan tâm đến sự sống còn của các loài động vật trong thiên nhiên phải chịu hậu quả trực tiếp từ việc "thả bóng bay" tưởng chừng như vô hại, Nguyệt Linh đưa ra thông điệp được in đậm, viết hoa rất rõ ràng: "Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển".
Trước bức thư đầy tính nhân văn của cô học trò nhỏ, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ đó là "một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc".
Trong bức thư trả lời Nguyệt Linh, thầy Khang khẳng định: "Chắc chắn thầy và tất cả các thầy cô trường Marie Curie ủng hộ đề nghị của con. Lễ khai giảng năm học sắp đến sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều".
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyệt Linh kêu gọi hành động vì môi trường. Trước đó, em từng dự thi chương trình mang tên Green Leader với bài viết "Trẻ em nói không với rác thải nhựa".
Trong đó, Linh sử dụng những hình ảnh phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Những con số thống kê như Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới; mỗi gia đình Việt thải ra môi trường hàng chục triệu túi nilon mỗi ngày, hay Hà Nội chính là nơi "dẫn đầu" cả nước về rác thải...thực sự khiến người xem phải suy nghĩ.
Video: "Trẻ em nói không với rác thải nhựa" của Nguyệt Linh (Nguồn: Trường ngoại khóa Dream&Do)
Theo bác sĩ Thống, những quả bóng tưởng như vô hại này chỉ cần có tia lửa như hút thuốc hay dòng điện đi qua là bóng có thể cháy nổ. Ngay cả khi thả bóng bay lên trời trúng vào các dây điện cao thế, hoặc vô tình mang vào bếp cũng có thể gây cháy nổ.
Không chỉ vậy, thả bóng bay rất lãng phí tiền của.
Ngoài ra một quả bóng bay được thả lên không trung đang giết chết những con chim biển và rùa biển vì chúng đang làm tắc nghẽn bên trong đường tiêu hóa của chúng, một nghiên cứu mới cảnh báo. Nghiên cứu của tiến sỹ Lauren Roman và Nhà nghiên cứu khoa học cao cấp Tiến sĩ Chris Wilcox cho thấy mặc dù nhựa cứng chiếm phần lớn các mảnh vụn ăn vào nhưng nó ít có khả năng gây chết hơn so với nhựa mềm.
Mặc dù nhựa mềm chỉ chiếm năm phần trăm trong số các thứ ăn vào nhưng chúng gây ra cho hơn 40% tỷ lệ thiệt mạng. Bong bóng hoặc mảnh vỡ bóng bay là những mảnh vỡ có khả năng gây thiệt mạng cao nhất và chúng giết chết gần một phần năm số chim biển ăn chúng. Đó là kết quả nghiên cứu của Đại học Tasmania".
(Theo Save Our Seas)