Bức thư trong chiếc ví
Cách đây đã lâu, vào một ngày giá rét, tôi đang đi trên đường thì tình cờ nhặt được chiếc ví. Trong ví không có giấy tờ cá nhân, chỉ có 3 đô la và một lá thư đã nhàu nát. Nhìn lá thư, có vẻ như được chủ nhân mang theo bên mình đã nhiều năm.
Dòng chữ còn rõ ràng và đọc được duy nhất trên chiếc phong bì là địa chỉ người gửi. Tôi mở bức thư ra. Bức thư được viết cách đó gần 60 năm, từ năm 1924. Tôi đọc bức thư thật kỹ, hy vọng tìm được chút manh mối có thể xác định danh tính người chủ chiếc ví.
Đó là một bức thư chia tay. Với nét chữ mảnh mai thanh thoát, người viết thông báo cho người nhận có tên “Michael” rằng mẹ cô không đồng ý cho cô gặp anh nữa. Mặc dù vậy, cô vẫn mãi yêu anh. Thư ký tên Hannah.
Bức thư thật xúc động, nhưng không có cách nào có thể xác định được người nhận lá thư ngoài cái tên “Michael”. Tôi nghĩ nếu gọi cho tổng đài bưu chính có lẽ sẽ tìm được số điện thoại của người gửi thông qua địa chỉ ghi trên bức thư.
Tôi bấm máy: “Nhân viên tổng đài phải không? Tôi có một đề nghị đặc biệt. Tôi nhặt được một chiếc ví và đang tìm cách trả lại cho chủ nhân của nó. Có cách nào cho tôi biết số điện thoại của người có địa chỉ ghi trên bức thư tôi tìm được trong chiếc ví này không?”.
Nhân viên tổng đài kết nối cho tôi gặp người phụ trách. Người này cho tôi biết có một số điện thoại đi kèm địa chỉ tôi thông báo, nhưng cô ta không được phép cung cấp số điện thoại đó cho tôi. Tuy nhiên, cô ta sẽ gọi tới số điện thoại đó, giải thích câu chuyện và nếu bên kia đồng ý, cô sẽ kết nối cho tôi nói chuyện. Chỉ một phút sau, người phụ trách tổng đài gọi lại cho tôi và thông báo: “Có một người phụ nữ ở địa chỉ đó. Bà ấy có thể nói chuyện với anh”.
Khi được hỏi có biết người có tên Hannah hay không, người phụ nữ ở đầu dây bên kia bảo: “Có, có chứ! Chúng tôi mua lại ngôi nhà này từ gia đình Hannah cách đây ba mươi năm”.
Tôi lại hỏi: “Bà có biết họ chuyển đi đâu không?”.
Đầu dây bên kia trả lời: “Cách đây nhiều năm, Hannah phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Có lẽ ở đó người ta biết Hannah và còn lưu giữ thông tin của cô ấy”.
Nói rồi người phụ nữ ở đầu dây bên kia đọc cho tôi tên của viện dưỡng lão. Tôi gọi tới và được biết mẹ Hannah đã mất. Nhân viên viện dưỡng lão cho tôi một địa chỉ mà họ nghĩ qua đó tôi sẽ tìm được Hannah.
Tôi lại nhấc máy. Đầu dây đằng kia báo lại rằng bà Hannah hiện đã vào một viện dưỡng lão nào đó và cho tôi số điện thoại liên hệ. Tôi gọi và nhận được câu trả lời từ giám đốc viện dưỡng lão: “Đúng, bà Hannah đang ở cùng chúng tôi”.
Lúc đó đã gần 10 giờ tối. Tôi hỏi xem liệu mình có thể tới gặp bà Hannah được không. Giám đốc viện dưỡng lão giải thích: “Giờ này nhiều người đã đi ngủ. Nhưng nếu cậu muốn gặp ngay thì cứ đến, có thể bà Hannah vẫn còn xem ti vi trong phòng cộng đồng”.
Tôi tới viện dưỡng lão. Đợi tôi ở cổng là giám đốc và bảo vệ của viện. Chúng tôi lên tầng ba và được điều dưỡng viên thông báo rằng bà Hannah vẫn còn thức và đúng là đang xem ti vi ở phòng cộng đồng.
Tôi bước vào phòng. Một người đàn bà đẹp với mái tóc bạc trắng cùng nụ cười ấm áp và ánh mắt thân thiện. Tôi kể cho bà nghe về chiếc ví và cho bà xem bức thư. Ngay khi nhìn thấy bức thư, bà đã lặng đi: “Chàng trai trẻ của tôi ơi! Đây là bức thư cuối cùng tôi viết, và đó là lần cuối tôi còn liên hệ được với Michael”. Bà Hannah quay đi một chốc trước khi trầm ngâm kể tiếp: “Tôi yêu Michael biết nhường nào, nhưng lúc đó tôi mới chỉ mười sáu tuổi. Mẹ tôi sợ rằng tôi còn quá trẻ. Michael rất đẹp trai, cậu biết không, như diễn viên Sean Connery ấy”.
Chúng tôi phá lên cười vui vẻ rồi viên giám đốc viện dưỡng lão rời khỏi phòng cộng đồng. Bà Hannah nói tiếp, nước đã bắt đầu dâng lên khóe mắt: “Đúng thế, tên ông ấy là Michael Goldstein. Nếu cậu gặp được Mike (cách gọi thân mật của Michael), hãy bảo rằng tôi vẫn nghĩ tới ông ấy và tôi còn chưa lập gia đình. Với tôi, chẳng ai có thể sánh được với Mike”.
Tôi cảm ơn Hannah, tạm biệt bà và đi xuống tầng một. Người bảo vệ hỏi: “Bà Hannah có giúp được manh mối nào không?”
Tôi bảo rằng cũng có chút thông tin: “Ít nhất tôi biết thêm được họ của người có tên là Michael. Nhưng có lẽ trước mắt tôi sẽ không tìm hiểu xa hơn nữa”. Tôi giải thích rằng mình đã dành cả một ngày để đi tìm chủ nhân của chiếc ví.
Trong khi chúng tôi nói chuyện, tôi rút chiếc ví da màu nâu với chiếc dây đeo màu đỏ ra giơ lên cho người bảo vệ xem. Anh ta ngắm nghía chiếc ví một lúc rồi la lên: “Này, tôi nghĩ là mình đã nhìn thấy nó ở đâu rồi. Đúng thế, đây là ví của ông Goldstein. Ông ấy rất hay để quên nó. Tôi đã thấy ông ấy để quên ở hội trường ít nhất ba lần rồi”.
Tôi hỏi: “Ông Goldstein là ai?”
“Đó là một ông lão ở tầng 8 ở đây. Đây đúng là chiếc ví của ông Mike Goldstein. Ông ấy thường xuyên ra ngoài đi dạo”.
Tôi cảm ơn người bảo vệ và chạy vội trở vào phòng giám đốc viện dưỡng lão, kể lại những gì người bảo vệ vừa nói với tôi. Ông giám đốc cũng vội vã cùng tôi lên tầng 8. Tôi vừa đi vừa cầu Chúa, mong sao ông Goldstein vẫn còn thức.
Người điều dưỡng bảo: “Tôi nghĩ là ông ấy vẫn còn thức. Ông ấy thích đọc sách vào ban đêm. Thật là một ông lão đáng mến”.
Cả tầng 8 lúc đó chỉ còn một phòng sáng điện. Ở đó, ông Goldstein đang đọc sách. Khi viên giám đốc hỏi xem ông có bị mất ví hay không, ông Goldstein mới ngẩng lên, tay rờ lên túi quần sau và thảng thốt trả lời: “Trời, tôi bị mất ví thật rồi!”.
“Chàng trai này đã nhặt được một chiếc ví. Rất có thể đó là ví của ông”.
Ngay khi nhìn thấy chiếc ví, ông Goldstein thở phào: “Đúng. Đây là ví của tôi. Chắc là tôi đã đánh rơi nó lúc chiều nay. Tôi muốn tặng anh bạn đây một món quà”.
Tôi đáp: “Không, không, cháu không nhận đâu. Nhưng cháu phải nói với ông chuyện này. Cháu đã đọc lá thư trong ví của ông để tìm manh mối trả lại chiếc ví”.
Nụ cười trên môi ông Goldstein vụt tắt: “Cậu đọc lá thư đó rồi ư?”.
“Vâng. Không chỉ đọc mà cháu còn biết bà Hannah hiện đang ở đâu”.
Mặt ông Goldstein đột nhiên tái đi, giục giã: “Hannah ư? Cậu biết cô ấy ở đâu sao? Cô ấy thế nào rồi? Có còn xinh đẹp như ngày trước hay không? Hãy cho tôi biết đi”.
“Bà Hannah vẫn khỏe mạnh và xinh đẹp như khi ngày ông mới gặp”.
Ông Goldstein níu chặt tay tôi: “Cậu có thể cho tôi biết Hannah đang ở đâu không? Sáng mai tôi muốn gặp cô ấy. Cậu biết không? Khi lá thư đó tới tay tôi, cuộc sống với tôi như đã chấm dứt. Tôi chưa bao giờ lấy vợ. Tôi luôn yêu cô ấy!”.
Tôi bảo: “Hãy đi cùng cháu”.
Ba người chúng tôi đi xuống tầng ba. Bà Hannah vẫn đang xem ti vi ở phòng cộng đồng. Viên giám đốc nhẹ nhàng gọi: “Bà Hannah, bà có nhận ra ai đây không?”.
Khi đó tôi và ông Goldstein còn đứng ngoài cửa phòng. Bà Hannah chỉnh lại cặp kính, chăm chú nhìn ra nhưng không nói lời nào.
- Hannah, là Michael đây. Michael Goldstein. Em còn nhớ không?
- Michael ư? Michael đó sao? Phải anh đó không?
Ông Goldstein chầm chậm đi tới. Bà Hannah vụt đứng dậy, ôm chầm lấy ông. Cả hai ngồi xuống ghế, tay trong tay và bắt đầu kể lại những ngày tháng đã qua.
Tôi và viên giám đốc viện dưỡng lão vội bước ra ngoài, nước mắt đã dâng mờ từ khi nào. Tôi bảo: “Anh thấy không? Chúa thật nhân từ! Đúng thế! Luôn là thế!”.
* * *
Ba tuần sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ viên giám đốc viện dưỡng lão. Ông bảo: “Anh có thể dành chút thời gian vào chủ nhật này để tới dự đám cưới được không?”. Rồi không để tôi kịp trả lời, ông nói tiếp: “Đúng thế! Ông Michael và bà Hannah sẽ tổ chức đám cưới!”.
Đó là một đám cưới tuyệt vời và khách mời là tất cả mọi người trong viện dưỡng lão. Bà Hannah rạng ngời trong chiếc váy màu be. Ông Michael mặc bộ vét xanh đen nghiêm trang và tự hào. Viện dưỡng lão đã dành ra một phòng riêng cho họ.
Chuyện là thế, đám cưới tuyệt vời của cô dâu 76 tuổi và chú rể 78 tuổi: Một cái kết hoàn hảo cho câu chuyện tình yêu kéo dài gần 60 năm!
Truyện ngắn của Arnold Fine (Mỹ) THỤY CHI (dịch)
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/buc-thu-trong-chiec-vi-592646