Bức tranh 'Đám cưới chuột' ẩn chứa nhiều hàm ý

Không chỉ phản ánh nét đẹp trong văn hóa tranh, bức tranh 'Đám cưới chuột' còn là cả một bài học phản ánh thực tế cuộc sống.

Và dù với ý nghĩa nào thì bức tranh cũng đều hướng con người đến những phương châm sống tốt đẹp.

"Đám cưới chuột" thuộc dòng tranh dân gian của làng Đông Hồ (Bắc Ninh). Bức tranh ra đời cách đây chừng sáu trăm năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị về nghệ thuật tranh khắc gỗ dân gian, nét đẹp văn hóa của người Việt và tính thời sự sâu sắc của nó.

Người xem tranh thấy rõ cảnh đám cưới chuột với ô lọng, ngựa hồng lộng lẫy trong buổi rước dâu của quan chuột. Bức tranh bố cục gọn, màu sắc rực rỡ, chia làm hai hàng với mười hai con chuột và một con mèo.

Hàng trên là cảnh chuột dâng lễ cho mèo. Con mèo được vẽ to, màu vàng tượng trưng cho quyền lực, oai vệ đang đưa tay ra nhận lễ vật. Con chuột đi đầu dâng lễ một con chim vẻ cung kính, sợ sệt.

Con thứ hai xách biếu một con cá. Hai con chuột đi sau thổi kèn nhưng ở tư thế cảnh giác, đề phòng sự biến là vọt ngay. Hàng dưới bức tranh là cảnh rước dâu với tám con chuột.

Dẫn đầu là con chuột đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng xanh, chân đi hia, ngồi trên lưng con ngựa hồng quay nhìn về phía sau, vẻ mặt vênh lên, kiêu hãnh, tự đắc vì đỗ tiến sĩ vinh quy lại cưới vợ đẹp, không thấy xấu hổ vì mình là phận tôi đòi, cống nạp.

Theo hầu phía sau là con chuột lông đen cầm lọng và một con chuột nửa đen, nửa trắng cầm biển đề chữ "Nghinh hôn". Cô dâu chuột ngồi trong kiệu, đầu vấn khăn, mặc áo gấm xanh, nét mặt hớn hở.

Bức tranh "Đám cưới chuột" không rõ tác giả là ai, chỉ biết là tranh khắc gỗ dân gian làng Đông Hồ, nhưng để lại trong lòng người xem nhiều suy ngẫm, kể cả một tiếng cười chua chát.

Song, trước hết đây là một bức tranh dân gian đẹp, giàu ý tưởng, hàm ý sâu sắc, bố cục gọn, nét khắc tinh xảo, màu sắc rực rỡ tả được không khí vui tươi, phấn khởi của buổi lễ.

Cũng cần nói đến chiều sâu của bức tranh. Trong thế giới động vật, mèo với chuột là hai địch thủ đối kháng, một mất một còn, không đội trời chung. Chuột luôn làm mồi cho mèo; mèo luôn rình mò, lùng sục tìm chuột để diệt, ăn. Có mèo thì không có chuột và ngược lại, thế mà trong đám cưới của một vị quan chuột, hai bên đều vui vẻ. Điều không thể lại có thể xảy ra.

Chuột mang lễ vật đến biếu mèo nào chim, cá, cũng có cờ lọng, áo mão cân đai, kèn rước dâu vui vẻ. Để có cảnh vui vẻ ấy họ hàng nhà chuột phải dâng lễ, đút lót cho mèo.

Hình ảnh chuột mang lễ đến dâng tặng cho mèo thể hiện một "chiến lược": Cùng chung sống và cùng tồn tại. Tôi hạnh phúc thì anh cũng sung sướng. Một giáo sư ở Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian nhận xét: Đây như là một giao ước ngầm về sự sinh sôi giữa hai mặt đối lập, mà đó là đích cuối cùng của sự cam kết cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển.

Nhìn lại quá khứ, lịch sử người dân nước Việt hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến hà khắc, cuộc sống bị đọa đầy, áp bức bóc lột. Bức tranh này phản ánh thực trạng của xã hội đương thời để người xem tranh rút ra kết luận.

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, bức tranh "Đám cưới chuột" còn có ý nghĩa châm biếm rất sâu xa. Nó ăn thịt mình đấy mà mình vẫn phải biếu nó, cống nạp cho nó, cung kính nó. Bức tranh phản ánh thói hư tật xấu của quan lại xưa.

Chuyện xưa lại ngẫm đến tệ hối lộ, đút lót nay. Bức tranh có ý nghĩa mỉa mai, cảnh tỉnh, giáo dục con người hướng đến làm điều thiện, trừ bỏ điều ác để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì thế bức tranh "Đám cưới chuột" còn nguyên giá trị thời sự và sẽ sống mãi với thời gian.

VŨ HOÀNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tac-gia---tac-pham/buc-tranh-dam-cuoi-chuot-an-chua-nhieu-ham-y-125522