Bức tranh dân số Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất
Sau 50 năm thống nhất đất nước, tỷ lệ dân số Việt Nam tăng cao đã tiến đến thời kỳ dân số già hóa, cần các chính sách dân số linh hoạt để đầu tư duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số.

Sau 50 năm đất nước thống nhất, chất lượng dân số đã được nâng cao. Ảnh minh họa: TTXVN
Chính sách linh hoạt theo từng thời kỳ
Sau 50 năm đất nước thống nhất, dân số Việt Nam đã đạt những thành tựu ấn tượng: Dân số vượt mốc 100 triệu dân; đã kiểm soát được tốc độ gia tăng nhanh quy mô, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực; nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện sức khỏe nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế...
Việt Nam đã bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ 2007, tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Đặc biệt, chỉ số phát triển con người tăng nhanh và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao; phân bố dân cư hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Để có được những thành tựu trên là sự thích ứng linh hoạt của các chính sách dân số phù hợp với từng thời kỳ. Ngay sau khi đất nước thống nhất năm 1975, quy mô số dân của nước ta xấp xỉ 48 triệu người. Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), tổng điều tra dân số năm 1979 cho thấy mức sinh nước ta vẫn cao (trung bình 4,8 con/phụ nữ), tỷ lệ tăng dân số là 2,1%. Trong thời kỳ này, cuộc vận động sinh đẻ kế hoạch tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, phong trào vẫn chưa mạnh và ổn định; tốc độ phát triển dân số cao không cân đối với tốc độ phát triển kinh tế.
Trong giai đoạn này, công tác sinh đẻ kế hoạch được triển khai với mục tiêu xác định tại Đại hội Đảng lần thứ IV (năm 1976) là “Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hàng năm, phấn đấu đến năm 1980 tỷ lệ tăng dân số là trên 2% một ít”; tại Đại hội Đảng lần thứ V (năm 1982) mục tiêu tiếp tục đặt ra là “giảm tốc độ tăng dân số bình quân của cả nước từ 2,4% hàng năm xuống 1,7% vào năm 1985”; mục tiêu tại Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) là giảm tỷ lệ phát triển dân số từ 2,2% xuống 1,7% vào năm 1990 và tại Đại hội VII (năm 1991) “Giảm tốc độ tăng dân số là quốc sách, trở thành cuộc vận động rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc trong toàn dân”…
Việc vận động sinh đẻ kế hoạch đã mở rộng đối tượng vận động ra toàn bộ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và cả nam giới có vợ trong tuổi sinh đẻ trên toàn quốc; cả khu vực thành thị, nông thôn và đồng bằng đông dân; nhấn mạnh đối với các đối tượng công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang…
Nhờ vậy, trong các năm 1976-1990, dân số Việt Nam tăng trung bình mỗi năm 1,13 triệu người, lên 66 triệu người vào năm 1990; tỷ lệ tăng dân số tiếp tục giảm từ 2,5% xuống 1,9%; tỷ lệ sinh giảm từ 33,2% (năm 1975) xuống 30,04% (năm 1992); số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 5,25 con (năm 1975) xuống còn 3,8 con (năm 1992).
Theo Cục Dân số, chương trình Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là chương trình có ý nghĩa lớn đối với chiến lược con người và chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nhưng trong giai đoạn này, tình hình kinh tế của đất nước đang ở trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, chưa có sự đầu tư tương xứng.
Đến năm 2006, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế; tốc độ tăng dân số quá nhanh đã được kiểm soát có kết quả. Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007 với nhiều cơ hội; các chính sách và chương trình thu hút tối đa các nguồn vốn, đầu tư có hiệu quả, tăng trưởng việc làm cao, nhanh chóng mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, chủ động tính toán để thu hẹp đầu tư, xây dựng trường lớp, đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng...
Đặc biệt, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Việt Nam chuyển trọng tâm chính sách dân số từ tập trung vào KHHGĐ và giảm sinh sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số về quy mô, cơ cấu, phân bố... Việc nâng cao chất lượng dân số, đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an sinh là yêu cầu vừa cấp thiết vừa lâu dài; duy trì vững chắc mức sinh thay thế...
Theo dự báo, đến năm 2036, số người từ 65 tuổi trở lên có thể lên tới 15,4 triệu người (chiếm 14% tổng dân số); Việt Nam sẽ chính thức trở thành nước có dân số già. Sau đó, vào năm 2057, con số này tương ứng là 24,9 triệu người và chiếm 21,3% tổng dân số; Việt Nam sẽ bước qua ngưỡng dân số siêu già. Già hóa dân số được cho là cơ hội cho phát triển kinh tế xã hội với đóng góp của người cao tuổi cho xã hội, gia đình, nhưng cũng là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế xã hội, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong công tác dân số, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thời gian qua.
Ứng phó với già hóa dân số
Theo các chuyên gia, công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều vấn đề dân số phát sinh trong thực tiễn đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững đất nước hiện tại và tương lai.
GS. Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng: “Xã hội toàn người già tức là lực lượng lao động giảm, kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người già; xã hội sẽ thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, thu ít, chi nhiều. Trong khi đó, hiện nay số lượng người cao tuổi tăng nhanh, tuy tuổi thọ của người dân tăng cao, nhưng chất lượng đời sống của người cao tuổi Việt Nam còn thấp; đa số sống ở nông thôn, không có thu nhập cố định. Bên cạnh đó, người già nhiều bệnh tật, trung bình mỗi người cao tuổi có 3-4 bệnh nền…”
Để kéo dài thời gian tiến đến dân số già, mức sinh giảm hiện nay cũng đang là vấn đề đáng lo ngại. Theo rà soát của Bộ Y tế, việc duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp. Năm 2023, mức sinh của Việt Nam ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Tốc độ già hóa dân số nhanh, Việt Nam sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng.
Các chuyên gia cho rằng, sự chuyển đổi từ một xã hội trẻ thành một xã hội già có nhiều tác động sâu rộng và cần sự chuẩn bị cho những thay đổi dân số này ngay từ bây giờ. Các giải pháp cần được chú ý như: Tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm bền vững; tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là đối với dân số cao tuổi; hỗ trợ phụ nữ duy trì tham gia thị trường lao động; đầu tư vào y tế và giáo dục.
Đặc biệt về chính sách khuyến sinh để hạn chế việc giảm sinh, vừa qua, nhiều chính sách đã được ban hành như: Bộ Chính trị yêu cầu không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3; miễn giảm học phí; Bộ Y tế đề xuất trao quyền cho mỗi cặp vợ chồng và cá nhân tự quyết định số con, thời gian sinh con phù hợp với điều kiện; kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng đối với phụ nữ sinh con thứ hai và hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội…
Theo GS. Nguyễn Đình Cử, việc không kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba trở lên sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng, góp phần làm chậm lại xu hướng suy giảm tỷ lệ sinh hiện nay. Nhà nước cần sớm điều chỉnh chính sách, hỗ trợ phụ nữ và các gia đình trẻ, nhằm khuyến khích sinh con và nuôi dạy thế hệ tương lai. Để chính sách khuyến khích sinh con thực sự hiệu quả, cần có cách tiếp cận toàn diện, kết hợp hỗ trợ tài chính, phúc lợi xã hội và cải thiện môi trường lao động, cùng với các biện pháp bảo đảm thu nhập và quyền lợi việc làm cho phụ nữ…
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) khẳng định, để ứng phó với già hóa dân số, ngành Y tế nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, củng cố và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội cho người lao động, đặc biệt bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là một trong những biện pháp "lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ".