Bức tranh đầu tư nước ngoài của ASEAN trong năm 2024
Bức tranh đầu tư nước ngoài (FDI) ở ASEAN có nhiều xáo động hai năm qua, tiếp tục biến động trong năm mới với sự tập trung vào xe điện, công nghệ và hàng tiêu dùng.
Năm 2022, cam kết vốn đầu tư nước ngoài vào Singapore, Malaysia và Việt Nam tăng kỷ lục, với Singapore dẫn đầu về tăng trưởng. Thế nhưng, năm 2023 đã có sự thay đổi lớn FDI vào ASEAN giảm 16%. Có sự thay đổi trong top đầu. Cam kết FDI giảm 44% ở Singapore, tăng 62% ở Việt Nam. Trong khi đó, Malaysia đạt kỷ lục 48 tỉ đô la Mỹ trong chín tháng đầu năm, hơn 51% số này dự kiến được giải ngân trong năm ngoái.
Singapore ”không tập trung vào những biến động hàng năm”
Theo Bloomberg, cam kết đầu tư của Singapore năm ngoái chỉ đạt 12,7 tỉ đô la Singapore (9,5 tỉ đô la Mỹ), giảm 44% từ mức kỷ lục 22,5 tỉ đô la Singapore của năm 2022. Ủy ban Phát triển kinh tế (EDB) xem kết quả này là sự thể hiện niềm tin vào Singapore giữa bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu trở nên khắc nghiệt.
Năm 2023, Mỹ tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 51,9% tổng vốn đầu tư, tương đương hơn 6,5 tỉ đô la Singapore, tiếp theo là các công ty châu Âu với 24,8%. Nhưng xét về giá trị đầu tư tuyệt đối, các con số này giảm lần lượt trên 40% và 30% kể từ năm 2022.
Cam kết đầu tư từ các công ty Trung Quốc giảm đáng kể, hơn 80%. Vốn từ Trung Quốc chỉ chiếm 2,9%, tương đương khoảng 368 triệu đô la Singapore vào năm 2023, giảm hơn 80% so với con số 1,9 tỉ đô la Singapore (tỷ trọng 8,5%) trong năm 2022.
Tính theo lĩnh vực, năm ngoái các nhà sản xuất toàn cầu ở lĩnh vực hóa chất đã thúc đẩy hiệu suất, đạt 35,6% tổng cam kết. Ngành điện tử xếp thứ hai với 24,2%, giảm từ tỷ trọng 2/3 của năm trước đó.
Phát biểu tại buổi họp báo hôm 30-1, theo Nikkei Asia, Giám đốc điều hành Jacqueline Poh của EDB nhận định năm 2023 là “một năm rất thử thách”. Bà Poh nói rằng nhu cầu bên ngoài chậm chạp, căng thẳng địa chính trị gia tăng và lãi suất tăng cao là một trong những yếu tố đè nặng lên tổng cam kết đầu tư vào Singapore.
Trung Quốc vốn là đối tác thương hàng đầu của Singapore. Nền kinh tế trì trệ ở Trung Quốc đè nặng lên Singapore. Dữ liệu của EDB cho thấy tăng trưởng kinh tế của hòn đảo chậm lại ở mức 1,2% do nhu cầu bên ngoài chậm lại từ các đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Chủ tịch EDB PNG Cheong Boon cho biết cơ quan này không tập trung vào những biến động hàng năm, vì các khoản đầu tư thường mất hơn một năm mới thành hiện thực.
Theo EDB, các cam kết đầu tư năm 2023 dự kiến sẽ tạo ra hơn 20.000 việc làm trong năm năm tới. Khoảng 58% trong số những công việc đó có thể là lĩnh vực dịch vụ, 26% ở nghiên cứu và phát triển và 16% còn lại trong lĩnh vực sản xuất.
“Dòng cam kết đầu tư thể hiện niềm tin vào Singapore như một trung tâm đáng tin cậy cho doanh nghiệp, đổi mới và tài năng, đồng thời là cửa ngõ dẫn đến một khu vực châu Á đang phát triển”, EDB nhấn mạnh. Cơ quan này nói các cam kết năm 2023 vẫn tốt hơn các mục tiêu trung và dài hạn, vốn khoảng 8-10 tỉ đô la Singapore mỗi năm.
Yếu tố tiên quyết là sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư
Trên thực tế, chưa có những báo cáo tổng thể về dòng FDI đổ vào khối ASEAN thay đổi như thế nào trong năm 2023. Tuy nhiên, Báo cáo đầu tư nước ngoài ở ASEAN (AIR 2023) phát hành tháng 12-2023 nói rằng dòng vốn FDI vào ASEAN đã đạt mức kỷ lục 224 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022. Đây là một thành tựu quan trọng đối với ASEAN, mặc dù dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm 12% xuống còn 1.300 tỉ đô la do vô số khủng hoảng địa chính trị, giá lương thực, năng lượng tăng cao, nguy cơ suy thoái và áp lực nợ ngày càng gia tăng ở nhiều nước.
AIR 2023 cũng nói rằng FDI nội khối ASEAN cũng tiếp tục tăng lên 28 tỉ đô la trong năm 2022, đánh dấu vị thế là nguồn đầu tư lớn thứ hai sau dòng vốn của Mỹ. Tỷ trọng FDI của ASEAN so với FDI toàn cầu cũng đã tăng lên 17% từ mức 15% vào năm 2021.
AIR 2023 ghi nhận sáu quốc gia thành viên có dòng vốn đầu tư năm 2022 cao hơn 2021. Singapore chứng kiến mức tăng cao nhất, chiếm hơn 60% mức tăng vốn FDI trong khu vực, trong khi đó Malaysia và Myanmar ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng cao nhất. FDI đạt mức kỷ lục ở Malaysia, Singapore và Việt Nam, trong khi tăng trưởng FDI không đổi ở Campuchia và Indonesia nhưng mức độ đầu tư vẫn ở mức cao. Tổng nguồn FDI khu vực lên tới 3.600 tỉ đô la, gấp đôi mức của năm 2015.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của UNCTAD (Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển) công bố hôm 22-1 ghi nhận: “Một số nền kinh tế đang phát triển lớn ở châu Á chứng kiến dòng vốn FDI sụt giảm đáng kể trong năm 2023. Nhưng họ vẫn là điểm đến hấp dẫn cho các dự án mới”.
Theo UNCTAD, Trung Quốc báo cáo dòng vốn FDI giảm 6% một cách hiếm hoi, nhưng lại chứng kiến mức tăng trưởng 8% số dự án mới. Tương tự, Ấn Độ chứng kiến dòng vốn FDI giảm 47% nhưng vẫn nằm trong top 5 điểm đến hàng đầu trên toàn cầu cho các dự án mới.
Dòng vốn FDI chảy vào ASEAN đã giảm 16%. Tuy nhiên, khu vực này vẫn hấp dẫn đối với các khoản đầu tư sản xuất với mức tăng đáng kể 37% trong các thông báo về dự án mới ở các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Campuchia.
James Cheo, trưởng bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của HSBC nhận định rằng Indonesia và Thái Lan là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ dòng FDI vào mảng xe điện trong năm 2024. Ông nói Việt Nam, Singapore và Malaysia có cơ hội giành được lợi ích từ dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào các ngành điện tử tiêu dùng và công nghệ.
ICAEW (Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales) và Oxford Economics cùng ghi nhận, FDI tăng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sẽ tạo đòn bẩy cho Đông Nam Á trong quá trình phục hồi thương mại toàn cầu. Việc giải ngân sẽ tăng tốc khi nhu cầu bên ngoài càng tăng, nhất là những nước có khối lượng FDI cam kết lớn, nền sản xuất và xuất khẩu lớn. Sự phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ sẽ giúp mở rộng thặng dư thương mại, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tiền tệ vào năm 2024. Các ngân hàng trung ương Đông Nam Á sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát giảm bớt vào năm 2024.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/buc-tranh-dau-tu-nuoc-ngoai-cua-asean-trong-nam-2024/