Bức tranh hiện thực muôn màu trong 'Tuyển tập truyện ngắn và ký' của nữ nhà báo
Là một nhà báo, đi nhiều, lăn lộn cùng trang viết, tác giả Nguyễn Thị Vân Anh tiếp xúc nhiều với mảng đời, sướng vui có, buồn khổ có.
Là một nhà báo kỳ cựu, nguyên Tổng Biên tập các báo Nhi đồng, Họa mi, Nhà báo và Công luận cùng với những năm tháng cần cù xông xáo đi và viết, Nguyễn Thị Vân Anh là cây bút khá sắc sảo, thâm nhập vào nhiều góc khuất của cuộc sống. Đọc truyện ngắn của chị nhiều khi cảm thấy ngộp thở và rất ám ảnh.
Mới đây, tôi nhận được “Tuyển tập truyện ngắn và ký” của chị, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tuyển tập gồm gần 500 trang viết của 25 truyện ngắn và 3 truyện ký, trong đó có một số truyện ngắn được tuyển từ các tác phẩm đã xuất bản từ nhiều năm trước như: “Trái tim thú dữ”, “Ảo ảnh thiên đường” và “Viên kim cương bị bỏ rơi”.
Có thể thấy, tuyển tập này là bức tranh muôn màu của cuộc sống đương đại. Đó là mảnh đời cơ cực của những đứa trẻ lỡ sa chân vào vòng lao lý hay số phận nổi chìm của những người đàn bà. Dù hạnh phúc thật mong manh vậy mà họ vẫn phải vươn lên để mà sống, giống như cây xương rồng vẫn phải vượt qua sự khắc nghiệt của hoàn cảnh để nở hoa và làm đẹp cho đời.
Từ những nghịch cảnh
Truyện “Trái tim dã thú” kể về nỗi buồn của bác sĩ đã cấy ghép thành công trái tim của khỉ đột cho một đứa trẻ. Đứa trẻ đó sinh ra bởi người phụ nữ đẹp, nó đã từng có một trái tim yếu đuối và sự sống rất là mong manh. Vậy mà khi mang trái tim khỏe mạnh của dã thú trong người nó đã trở nên độc ác và vô lương tâm, kẻ đã gây ra cái chết tức tưởi của cô hoa hậu vừa mới bước vào đời vì đã không đáp lại tình yêu của nó.
Cuối cùng, nó cũng đã bị chết oan nghiệt trong một tai nạn giao thông. Người bác sĩ đã thở phào khi cái sản phẩm lỗi do ông tạo ra đã không còn tồn tại bởi ông đã từng cứu được một sự sống nhưng đã giết chết một con người, để trái tim dã thú đó chen chúc giữa loài người gây hại.
Truyện “Nước mắt chảy xuôi” kể về một người con mà để sinh ra cậu ta người mẹ đã hy sinh cả tính mạng của mình. Người bố đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi dạy cậu trưởng thành và đi tu nghiệp ở nước ngoài. Và cậu ta đã trả ơn nuôi dưỡng và sinh thành đó bằng tiền gửi về hàng năm để có cuộc sống sang giàu với người vợ Tây.
Cậu ta cũng mang bố sang Tây nhưng để bố ở một mình không giao lưu, không hàng xóm láng giềng, muốn đến thăm con cũng phải hẹn trước làm cụ buồn bã phải trở về Việt Nam. Đỉnh điểm là đến khi bố mất, tang lễ xong xuôi: “Anh Phúc ơi, nhà xác bệnh viện nhắn là anh đến ngay mà nhận xác bố anh. Anh chôn nhầm người khác rồi”.
Thì ra, cái kẻ tên là Phúc đó chỉ thuê người khâm liệm mà không nỡ vào nhìn mặt người bố mà anh ta đã bỏ rơi trong tuổi già đơn độc lấy một lần cuối cùng trước khi vào quan.
Một người có ăn có học mà bất hiếu đến mức người hàng xóm vốn hiền lành đã nổi giận lôi đình tát cho anh ta hai cái nảy lửa. Anh ta đã rời bỏ quê hương và nguồn cội, sống vương giả ở trời Tây và quên đi đạo lý làm người.
Ở một nghịch cảnh khác, đằng sau song sắt, một cậu bé đã gom những vỏ kẹo mà mỗi lần mẹ vào thăm nuôi cho cậu dán lên tường thành hai chữ “Mẹ ơi”. Tiếng gọi như xé lòng tất cả những ai đọc câu chuyện này. Cậu bé phạm tội chỉ vì yêu mẹ, đã lỡ tay đâm chết tay bố dượng tham lam độc ác.
Có những đứa trẻ đã phải vào nhà đá, thậm chí bị kết án oan vì sự bỏ rơi của những kẻ làm cha, làm mẹ chỉ ích kỷ xây dựng hạnh phúc của riêng mình. May sao vẫn còn có những bàn tay nhân ái vực chúng đứng dậy làm lại cuộc đời.
Đến ảo ảnh về hạnh phúc
Phần 2 của tuyển tập nói nhiều về thân phận phụ nữ và những ảo ảnh về hạnh phúc.
“Ảo ảnh thiên đường” là một câu chuyện về cô biệt động quân giải phóng. Khi chiến tranh kết thúc, cô về xây dựng nông trường mong sao có một cuộc sống tốt đẹp cho dân. Ảo vọng về một tương lai tươi sáng như tranh vẽ, cô đã hy sinh cả tình yêu, tuổi xuân của mình.
Rồi một ngày người ta thu hồi đất nông trường để làm sân golf cho các đại gia. Mồ hôi nước mắt và niềm tin của cô đã đổ xuống mảnh đất này. Cô không nỡ để người ta lấy đất và rồi chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra, cô bị ra tòa vì tội lập quỹ sai quy định để lấy tiền khuyến học cho con em nông dân.
Đây là cái cách mà người ta vẫn làm như xưa nay. Và thế là, 50 tuổi đầu khi đứng trước vành móng ngựa người đàn bà không còn xuân thì mới nhận ra rằng không có thiên đường nào hết, cái mà người đàn bà cần là một gia đình và những đứa trẻ, một bờ vai để ngả mái đầu.
Là một nhà báo, đi nhiều, lăn lộn cùng trang viết, tác giả Nguyễn Thị Vân Anh tiếp xúc nhiều với mảng đời, những cuộc người, sướng vui có, buồn khổ có. Hạnh phúc trong mỗi mái nhà không phải là một giấc mơ mà nó là những hiện thực phũ phàng hơn ta tưởng.
Rất nhiều người đã từng hạnh phúc với ngôi nhà đơn sơ và những đứa trẻ, nhưng guồng quay của cuộc mưu sinh cuốn họ vào vòng xoáy kinh tế; những bếp lửa gia đình, những bữa cơm quây quần dần nguội. Những đứa trẻ đâu có cần nhà lầu xe hơi của bố, của mẹ, chúng cần được yêu thương, cần những bữa cơm chiều cả nhà vui vẻ bên nhau.
Đến lúc nhận ra thì hạnh phúc đã tuột khỏi tầm tay và Sơn của “Mơ về ngày ấy” đã phải thốt lên rằng: “Ôi, ước gì ta quay ngược được thời gian. Nếu hóa phép được cho mùa Xuân của cuộc đời quay trở lại nhất định ta sẽ chẳng ngu ngốc dại khờ…”.
Và những trang văn đẹp
Mỗi trang viết của Vân Anh có cái nhìn cảm thông, có tấm lòng nhân ái; có cái sắc sảo, quyết liệt của một nhà báo nhưng đôi khi lại có những trang văn rất đẹp như những mảnh trăng trong rừng đêm vắng.
“Khoảng lặng giữa chiến trường” là một câu chuyện đẹp trong chiến tranh. Nó kể lại cuộc gặp gỡ hy hữu giữa một nhiếp ảnh gia người Mỹ và một người lính cụ Hồ vô tình đã lọt vào bức ảnh của anh.
Hai người lúc đó đang ở hai chiến tuyến và họ bắt buộc phải nổ súng khi đối diện nhau. Nhưng lạ kỳ là cả hai đều không làm điều đó. Nhiếp ảnh gia người Mỹ đã ghi lại hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ đang vừa vẽ, vừa hát bên bờ suối, một khoảnh khắc quá đỗi yên bình trong chiến trường đang kỳ ác liệt.
Khi người lính cụ Hồ phát hiện ra liền giơ súng lên nhưng không bắn khi nhìn cái máy ảnh lúc lắc bên hông người lính Mỹ, bởi anh hiểu rằng người lính Mỹ khi đó là một người yêu cái đẹp. Người lính Mỹ ấy đã có thể bắn vào anh trước nhưng thay vì giơ khẩu súng, anh ấy đã giơ cái máy ảnh lên. Từ đó, nhà văn nhận định rằng: “những ai biết yêu cái đẹp thì nhất định không thể là kẻ xấu”.
Phải thú thật là tôi vừa đọc vừa nín thở đoạn văn này. Tất nhiên đó chỉ là câu chuyện trong tiểu thuyết và chiến trường có lẽ khốc liệt hơn nhiều. Nhưng thông điệp của tác giả đã quá rõ ràng, nếu tất cả chúng ta biết yêu những cái đẹp trên đời thì sẽ không có tiếng súng, chiến tranh sẽ không tồn tại nữa.
Lướt qua phần ký của tác giả tôi dừng lại trước bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười khi đó:
“Anh Đỗ Mười thân,
Không biết có lần nào Ban Bí thư nhận được một báo cáo của ngành đường sắt như bài báo này không? Tôi đề nghị:
1- Có dịp họp Ban Bí thư, anh cho đọc bài này để nghe chung.
2- Ban Bí thư nên bàn có lãnh đạo giúp ngành đường sắt khắc phục khó khăn và nhất là có những hình thức như toàn dân và đảng bộ dọc đường sắt bảo vệ tàu đường và nghiêm trị những kẻ phá hoại”.
31/03/87
Thân
Linh”.
Bức thư đó khởi nguồn từ bài phóng sự “Tiếng hú của con tàu” được nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh đăng trên Báo Văn nghệ năm đó. Tôi còn nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thời đó thường có bài trên các báo và ký dưới là NVL và dân ta hồi đó thường gọi là “Nói và Làm”.
Từ bài phóng sự này, ngành đường sắt Việt Nam được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn và đã có những bước tiến đáng kể như ngày nay. Bây giờ đi tàu đã có những toa tàu hạng sang điều hòa mát lạnh, ga gối sạch sẽ thơm tho.
Nhưng nếu ngược về khoảng thời gian trước 1987 thì quả thật là không tin nổi. Tôi nhớ đến nhưng toa tàu chen chúc hôi hám ngày xưa, kinh hãi nhất là cảnh ném đá đường tàu mà bây giờ nghĩ lại vẫn sởn hết cả da gà.
Rồi trên ga nhan nhản những phe vé, thường là những tay anh chị khét tiếng. Đọc lại phóng sự của chị cả một thời bao cấp ùa về, câu châm ngôn: “ăn rau má, phá đường tàu” chắc cũng từ thời đó. Có xã còn được đảng ủy chỉ đạo đi tháo bu lông đường tàu để bắt vì kèo trường học.
Phóng sự “Tiếng hú của con tàu” đã đến được tay Tổng Bí thư như tiếng trống kêu oan vọng cửa thiên đình và nhà văn đã dùng ngòi bút của mình để “xoay chế độ”. Đó cũng là một thời ký đổi mới vẻ vang của báo Văn nghệ, dám nói những mặt trái, những tiêu cực của xã hội để giúp đất nước ngày một phát triển trên nhiều mặt. Thời đó, độc giả mong từng ngày để đón đọc Báo Văn nghệ, trong đó có tôi.
Nhà báo, nhà văn Vân Anh là thế đấy, chị dám viết và là một trong những nhà báo tiên phong trong việc chống tiêu cực từ những năm đầu thế kỷ 19, khi đó việc nói trái chiều là cả một vấn đề mà không phải ai cũng dám làm.
Chị là người giỏi trong nhiều lĩnh vực, từ viết cho thiếu nhi đến truyện và ký và có cả những phóng sự có những tiếng vang “vua biết mặt, chúa biết tên”.