Bức tranh lạm phát toàn cầu đang thế nào?
Lạm phát toàn cầu giảm nhanh hơn so với dự báo và giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ đang đi tới giai đoạn bước ngoặt.
Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt các nền kinh tế phát triển đã giảm nhanh thời gian gần đây. Thực tế này khiến giới quan sát lạc quan rằng lạm phát đã trong tầm kiểm soát và các ngân hàng trung ương có thể sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất trong năm tới.
Bức tranh lạm phát toàn cầu đã sáng hơn
Theo WSJ, lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế lớn đã giảm đáng kể gần đây, tiến đến gần mức mà các ngân hàng trung ương đề ra (2%). Đây được xem là dấu hiệu tích cực, cho thấy biện pháp “thắt chặt chính sách tiền tệ” mà các ngân hàng trung ương áp dụng trong thời gian qua đã phát huy tác dụng.
Trước khi thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào, các ngân hàng trung ương cần phân tích kỹ dữ liệu từ thị trường để chắc chắn rằng lạm phát đã hoàn toàn bị đẩy lùi.
Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ LARRY SUMMERS
Tại Mỹ, từ đỉnh lạm phát 9,1% (ghi nhận hồi tháng 6-2022), mức lạm phát nước này trong tháng 10 năm nay đã giảm xuống còn 3,2%. Cũng trên đà giảm, Mexico - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Mỹ Latinh - từ đỉnh lạm phát 8,7% (ghi nhận vào tháng 12-2022) đã giảm còn 4,26% trong tháng 10 năm nay. Theo WSJ, những kết quả này một phần lớn đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) áp dụng chính sách tăng lãi suất trong năm qua.
Cũng nhờ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, các nền kinh tế lớn ở châu Âu như Anh và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng ghi nhận mức giảm lạm phát đáng kể. Từ đỉnh lạm phát 10,6% (ghi nhận vào tháng 10-2022), lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 11 năm nay giảm còn 2,4%. Ở Anh, từ đỉnh lạm phát 11,1% (ghi nhận vào tháng 10-2022) đã giảm còn 4,6% trong tháng 10 năm nay.
Ở các nền kinh tế lớn khác, lạm phát cũng trên đà giảm mạnh nhờ áp dụng chính sách lãi suất hợp lý, theo kênh CNBC. Tại Úc, đỉnh lạm phát trong vòng 30 qua được ghi nhận là 8% (tháng 12-2022) đã giảm còn 4,9% trong tháng 10 năm nay.
Giới quan sát đồng tình rằng việc các ngân hàng trung ương áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ trong gần hai năm qua đã giúp kìm hãm lạm phát hiệu quả. Cụ thể, lãi suất cao đã giúp điều tiết giá cả tiêu dùng, ổn định cung cầu, bảo vệ đồng tiền không bị mất giá, thúc đẩy thị trường lao động tăng trưởng.
“Giới hoạch định chính sách tiền tệ đã dùng lãi suất như một công cụ kìm hãm lạm phát một cách hiệu quả. Dù cuộc chiến lạm phát vẫn chưa tới hồi kết, song chúng ta giờ đây có thể thở phào nhẹ nhõm rằng thời kỳ đen tối nhất của lạm phát đã qua đi” - ông Pietro Galeone, nhà nghiên cứu tài chính tại ĐH Bocconi (Ý), nhận định.
Ở diễn biến khác, trong khi phần lớn thế giới đang vật lộn với lạm phát, hai nền kinh tế lớn ở châu Á là Nhật và Trung Quốc (TQ) lại đang đối mặt giảm phát. Cụ thể, mức giảm phát ở Nhật và TQ đang lần lượt là 0,2% và 0,8%. Theo giới quan sát, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu tiêu dùng của người dân hai nước thấp, có xu hướng tiết kiệm. Theo giới quan sát, để thoát giảm phát, các ngân hàng trung ương và giới hoạch định chính sách tiền tệ của Nhật và TQ cần điều chỉnh chính sách tiền tệ hợp lý và thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng.
Chuyên gia dự đoán thời điểm các nước giảm lãi suất
Công ty tài chính CME (Chicago, Mỹ) dự đoán rằng với những dấu hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cao tới cuối năm nay hầu hết các ngân hàng trung ương, trong đó có FED và ECB, sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại thay vì tăng thêm. CME dự đoán rằng nhiều khả năng FED, ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) và BoE (Ngân hàng Trung ương Anh) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất nhẹ từ năm sau. Cụ thể, FED sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5, tiếp theo là ECB vào mùa xuân và BoE vào mùa hè.
Cùng quan điểm trên, ông Michael Saunders, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Oxford Economics (Anh), dự đoán rằng trong năm 2024 tỉ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ giảm trên quy mô lớn. Tuy nhiên, theo ông thì tới giữa năm sau thì các ngân hàng trung ương mới đồng loạt giảm lãi suất.
Cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Iceland Stefan Gerlach nhận định rằng thực tế lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế lớn giảm mạnh càng thêm củng cố niềm tin rằng đã tới lúc các ngân hàng trung ương chuyển hướng chính sách lãi suất của mình.
“Việc duy trì lãi suất cao trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng khả năng phát triển kinh tế của các nước. Lãi suất cao đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và giới đầu tư ngại vay vốn, vì họ phải trả lãi suất cao cho các khoản vay của mình. Điều này trước hết sẽ ảnh hưởng khả năng sinh lời và xa hơn là ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Gerlach giải thích tác động tiêu cực của chính sách tăng lãi suất đến nền kinh tế.
Theo WSJ, dù triển vọng các ngân hàng trung ương hạ lãi suất đã sáng sủa hơn song vẫn còn khá sớm để chắc chắn rằng giới hoạch định chính sách tiền tệ sẽ quay đầu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu biến động từ nhiều yếu tố. Dễ thấy nhất là hai cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas. Chỉ cần giá năng lượng bị đẩy cao do xung đột thì tốc độ kìm hãm lạm phát cũng sẽ bị ảnh hưởng.•
Các nền kinh tế lớn sẽ ra sao trong năm 2024?
Theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế các nước phát triển trong năm 2024 sẽ có xu hướng chững lại, theo tờ The Financial Times.
OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay và sẽ tăng 1,5% trong năm tới. Sở dĩ kinh tế Mỹ có bước thụt lùi vì thị trường bất động sản và thị trường năng lượng chưa hoàn toàn ổn định.
OECD dự đoán kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,6% trong năm nay và 0,9% trong năm 2024. Đức - đầu tàu kinh tế châu Âu sẽ thoát suy thoái trong năm sau.
Đà tăng trưởng của TQ - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng được dự báo sẽ chững lại vì người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm, ở mức 5,2% trong năm nay và 4,7% trong năm sau.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đánh giá rằng trong năm 2024 các nền kinh tế sẽ có nhiều cơ hội để phát triển vì chính sách tiền tệ có khả năng được nới lỏng. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được khôi phục sau thời gian dài tắc nghẽn vì đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và vận chuyển.
Nguồn PLO: https://plo.vn/buc-tranh-lam-phat-toan-cau-dang-the-nao-post766429.html