Bức tranh lạm phát trái ngược của Mỹ và Trung Quốc

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang muốn kìm hãm tăng trưởng kinh tế để hạ nhiệt lạm phát. Trong khi đó, lạm phát quá thấp đã trở thành vấn đề với kinh tế Trung Quốc.

Theo dữ liệu chính thức, trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng chậm nhất kể từ đầu năm 2021.

So với tháng 3, CPI tháng 4 giảm 0,1%. Trước đó, các chuyên gia được Reuters khảo sát dự đoán chỉ số này sẽ đi ngang trong tháng 4.

CPI cốt lõi - không bao gồm giá lương thực và thực phẩm biến động - chỉ tăng 0,1% so với một tháng trước đó và 0,7% so với một năm trước đó.

 Trong tháng trước, CPI của Trung Quốc đã giảm nhẹ so với tháng 3. Ảnh: Reuters.

Trong tháng trước, CPI của Trung Quốc đã giảm nhẹ so với tháng 3. Ảnh: Reuters.

Phục hồi không đồng đều

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, so với một năm trước đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ của đất nước 1,4 tỷ dân đã tăng 1%. Con số này cao hơn tốc độ 0,8% của tháng 3.

Chỉ số giá của nhóm dịch vụ tăng vượt trội so với CPI chung do du lịch nội địa phục hồi, nhất là trong các hoạt động vận tải và giải trí trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua.

Dù vậy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc lao dốc 3,6%, cao hơn mức giảm 3,2% do các nhà kinh tế dự đoán. Trong tháng 3, PPI của nước này sụt giảm 2,5%.

Sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu. Bởi nền kinh tế đã suy yếu trong một thời gian quá dài, và mức thu nhập của người tiêu dùng vẫn chưa tăng mạnh

Ông Vincent Chan - chiến lược gia tại Aletheia Capital

Báo cáo lạm phát của đất nước tỷ dân hoàn toàn trái ngược với tình hình của Mỹ. Theo dữ liệu mới nhất, CPI của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 4, sát với ước tính trước đó của giới quan sát.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 4,9%, thấp hơn ước tính 5% và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Dù vậy, con số này vẫn vượt xa mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Lạm phát tại Mỹ vẫn cao bất chất những nỗ lực kìm hãm của Fed. Ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất điều hành 10 lần liên tiếp trong vòng một năm qua.

"Sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu. Bởi nền kinh tế đã suy yếu trong một thời gian quá dài, và mức thu nhập của người tiêu dùng vẫn chưa tăng mạnh", ông Vincent Chan - chiến lược gia tại Aletheia Capital - nhận định.

Ông tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ "hành động nhiều hơn" để thúc đẩy sức mạnh tiêu dùng của đất nước. Theo vị chuyên gia, nước này vẫn còn nhiều dư địa kích thích tài khóa. "Có lẽ đây là điều mà thị trường mong muốn", ông Vincent bình luận.

Bức tranh trái ngược

"Trong khi các ngân hàng trung ương lớn đều chật vật đối phó với lạm phát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang nằm trong nhóm đầu bảng về khả năng chế ngự lạm phát", chuyên gia Helen Qiao tại BofA bình luận.

Lạm phát CPI cốt lõi của Trung Quốc cũng thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Dù chưa ở mức giảm phát, tình trạng lạm phát thấp một phần do nhu cầu vẫn bị đè nặng.

Trên thực tế, lạm phát thấp cũng là một vấn đề với Trung Quốc trong quá trình vực dậy nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm Covid-19 về 0.

Theo giới quan sát, các dữ liệu mới nhất cho thấy quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc vẫn không đồng đều. Lĩnh vực dịch vụ đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất bị mất đi động lực vì số đơn hàng xuất khẩu còn yếu.

Ở chiều ngược lại, để hạ nhiệt lạm phát từ mức cao nhất nhiều thập kỷ, Fed buộc phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm. Nhiều người lo ngại rằng với các đợt tăng lãi suất dồn dập, Fed có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-tranh-lam-phat-trai-nguoc-cua-my-va-trung-quoc-post1430341.html