Bức tranh Lebanon sau một năm vụ nổ khiến hơn 200 người chết ở Beirut

Một năm sau thảm họa nổ kho chứa hóa chất ở cảng Beirut, người dân Lebanon đang phải chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế và mâu thuẫn chính trị.

Trong một phòng học nhỏ ở ngôi trường phổ thông, Georgette Abushahla cất giữ tất cả tài sản của gia đình, bao gồm hai chiếc ghế sofa làm giường ngủ cho hai vợ chồng cô.

“Bây giờ, tôi không có nhà. Nhà tôi bị phá hủy trong vụ nổ ở cảng”, cô nói. Vụ nổ kho hóa chất ở cảng Beirut ngày 4/8/2020 khiến 207 người thiệt mạng, hơn 7.500 người bị thương và khoảng 300.000 người bị mất nhà cửa.

Nồi niêu xoong chảo của gia đình chất đầy giá sách của học sinh. Tuy vậy, cô không có một căn bếp riêng và phải phụ thuộc vào tổ chức từ thiện Nation Station để có ba bữa thức ăn nóng mỗi tuần.

Nation Station bao gồm những người trẻ sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn nhất, dễ bị tổn thương nhất trong khu vực. Họ là đại diện của một thế hệ nhà hoạt động xã hội mới, với mong muốn xây dựng đất nước Lebanon tốt đẹp hơn.

Tổ chức thiện nguyện trẻ

Bà Izzo, 78 tuổi, đón những tình nguyện viên bằng nụ cười và sự hồ hởi của một người chủ nhà hiếu khách.

“Tôi xin lỗi. Chúng tôi không có điện. Tôi không có máy phát. Xin mời mọi người vào nhà”, bà niềm nở. Hệ thống điện của Lebanon đang sụp đổ, khiến người nghèo bị mất điện hàng giờ mỗi ngày.

“Tôi nói với họ rằng Chúa sẽ cho họ sức mạnh. Hy vọng vậy”, bà Izzo vừa nói, vừa gõ lên bàn. “Tôi sẽ không ăn nếu không có họ”.

 Căn bếp của tổ chức Nation Station ở Beirut, Lebanon. Ảnh: Nation Station.

Căn bếp của tổ chức Nation Station ở Beirut, Lebanon. Ảnh: Nation Station.

Theo Josephine Abou Abdo, người sáng lập Nation Station, tổ chức này được thành lập khi cô và một số người bạn bắt đầu phân phát hàng cứu trợ trong một trạm nhiên liệu bỏ không. Đó là hai ngày sau vụ nổ. Giờ đây, trạm nhiên liệu này trở thành một bếp ăn cộng đồng, hỗ trợ khoảng 1.000 gia đình.

“Chúng tôi từng nghĩ nhu cầu sẽ dần suy giảm sau vụ nổ. Hóa ra, nhu cầu còn đang gia tăng dưới tác động của tình hình kinh tế”, Abou Abdo nói.

Nền kinh tế Lebanon đang trên đà sụp đổ. Từ cuối năm 2019, đồng tiền của nước này mất hơn 90% giá trị.Người dân không thể rút tiền tiết kiệm ở các ngân hàng bị kiểm soát vốn. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc khủng hoảng tài chính khiến trên một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo khổ.

Sự mất ổn định về chính trị làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế. Sau vụ nổ kho hóa chất ở cảng Beirut, chính phủ Lebanon từ chức. Hàng tháng tranh chấp giữa các cá nhân và phe phái không giúp chính giới Lebanon thành lập được một chính phủ mới.

Nhiều người coi nguyên nhân bế tắc nằm ở hệ thống chia sẻ quyền lực của Lebanon, trong đó số ghế trong quốc hội được phân chia cho các phe phái tôn giáo.

Mâu thuẫn chính trị giữa cựu Thủ tướng Saad Hariri và Tổng thống Michel Aoun góp phần vào bế tắc chính trị đang diễn ra ở Lebanon. Ông Hariri cam kết sẽ chấm dứt đà sụp đổ của kinh tế Lebanon một khi quay trở lại ghế thủ tướng, cũng như khởi động lại đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói cứu trợ mà nước này đang cần.

 Người biểu tình trên đường phố Lebanon tháng 10/2019. Ảnh: PBS.

Người biểu tình trên đường phố Lebanon tháng 10/2019. Ảnh: PBS.

Nguyên nhân đơn giản

Theo các nhà phân tích, dù vấn đề của Lebanon có vẻ phức tạp, nguyên nhân sâu xa của chúng là sự tham nhũng. Sau vụ nổ ở cảng Beirut, ông Hassan Diab, người đang giữ cương vị thủ tướng tạm quyền, chỉ trích giới tinh hoa chính trị Lebanon tạo nên “cơ cấu tham nhũng vượt lên trên nhà nước”.

Sự tham nhũng và một hệ thống không phải chịu trách nhiệm đã gây nên thảm họa, theo những người chỉ trích chính phủ.

“Vụ việc xảy ra vào ngày 4/8 (tức vụ nổ ở cảng Beirut) là sự bùng nổ của tham nhũng lên chính chúng ta”, Riad Kobaissi, nhà báo điều tra hàng đầu Lebanon, nói.

“Cảng Beirut là hình ảnh thu nhỏ của cả hệ thống xã hội Lebanon dựa trên hối lộ và các mối quan hệ đỡ đầu. Tôi coi đây như một nơi được vận hành bởi mafia”, ông nhận xét.

Theo bộ chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Lebanon chỉ xếp thứ 149 trên 180 quốc gia. Điều này cho thấy Lebanon có mức độ tham nhũng cao. Ngân hàng Thế giới từng chỉ ra “sự thiếu sót cố ý trong thực thi có hiệu quả chính sách” của chính quyền như nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế.

Tham nhũng tại Lebanon tồn tại dưới nhiều hình thức, từ nhận hối lộ vặt cho đến các phương pháp tinh vi hơn. Một số chính trị gia có cổ phần trong các ngân hàng cung cấp gói vay lãi suất cao cho chính phủ để xây dựng lại đất nước sau cuộc nội chiến.

 Vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut tháng 8/2020 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Ảnh: Financial Times.

Vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut tháng 8/2020 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Ảnh: Financial Times.

Sự tức giận của người dân đối với hệ thống chính trị được thể hiện qua những bức họa graffiti trên các chướng ngại vật xung quanh tòa nhà quốc hội Lebanon. Những chướng ngại vật này vốn được lập ra để ngăn chặn người biểu tình tiếp cận tòa nhà.

“Tôi mong người dân sẽ dần buộc tầng lớp chính trị gia phải chịu trách nhiệm”, nhà báo Kobaissi nói. “Tôi không kỳ vọng một sự thay đổi triệt để. Tôi mong đợi thay đổi đến dần dần, mang tính cấu trúc. Có thể mất nhiều thập kỷ, nhưng những thay đổi này sẽ đến.

Làn sóng biểu tình năm 2019 sản sinh ra một thế hệ các nhà hoạt động xã hội mới. Thế hệ này mong muốn xóa bỏ nền chính trị bị chia cắt bởi tôn giáo và giúp các cộng đồng đoàn kết với nhau.

“Chúng tôi khác biệt vì chúng tôi không có liên hệ với bất cứ chính trị gia nào. Chúng tôi giúp đỡ mọi người, không phân biệt đối xử”, Abou Abdo nói. “Chúng tôi giúp đỡ mọi người trong cộng đồng vì đây là cách xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn”.

Việt Hà

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-tranh-lebanon-sau-mot-nam-vu-no-khien-hon-200-nguoi-chet-o-beirut-post1221148.html