Bức tranh màu xám

Bất ổn, xung đột ở một số nước châu Phi đẩy nhiều người vào cảnh 'màn trời chiếu đất' và nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều khu vực thuộc 'lục địa đen'.

Bất ổn, xung đột ở một số nước châu Phi đẩy nhiều người vào cảnh “màn trời chiếu đất” và nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều khu vực thuộc “lục địa đen”.

Trước diễn biến nghiêm trọng của tình hình nhân đạo ở châu Phi, Hội đồng Bảo an (HÐBA) Liên hợp quốc (LHQ) vừa họp trực tuyến, thảo luận về một số cuộc khủng hoảng, trong đó có tình hình Xu-đăng. Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đứng trước nhiều thách thức trong thực hiện sứ mệnh nhân đạo.

Là một trong những “điểm nóng” bạo lực ở châu Phi hiện nay, Xu-đăng được các tổ chức cứu trợ quốc tế, các cơ quan LHQ quan tâm về tình hình viện trợ nhân đạo, trong bối cảnh xung đột giữa các cộng đồng có xu hướng gia tăng ở khu vực Ða-phơ của nước này. Trong ba tháng qua, giao tranh sắc tộc khiến ít nhất 178 người chết và hơn 3.000 người mất nhà ở. Bất ổn ở Xu-đăng khiến khoảng 20.000 người bị ảnh hưởng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Theo Cơ quan Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), hơn 2.500 người Xu-đăng đã vượt biên sang tị nạn ở nước láng giềng Sát, do các cuộc đụng độ ở khu vực Tây Ða-phơ những ngày gần đây. UNHCR phải phối hợp giới chức Sát và các đối tác nhân đạo đưa người tị nạn từ khu vực biên giới Xu-đăng - Sát đến các trại tị nạn Cu-sa-ghin Mu-ra nằm sâu bên trong lãnh thổ Sát.

Trong “bức tranh nhân đạo” màu xám ở châu Phi, Xô-ma-li-a hay Ni-giê-ri-a cũng được nhắc đến như một “điểm đen” về nguy cơ mất an ninh lương thực. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, ba mối đe dọa cùng một lúc là lũ lụt, châu chấu sa mạc và đại dịch Covid-19 khiến khoảng 5,2 triệu người Xô-ma-li-a, trong đó có khoảng ba triệu trẻ em, cần được hỗ trợ nhân đạo. UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhanh chóng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Sừng châu Phi, vốn được coi là một trong những đất nước dễ bị tổn thương nhất thế giới. Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) của các nước Ðông Phi cũng cảnh báo, khoảng 50,6 triệu người, tương đương 20% dân số, ở vùng Sừng châu Phi đối mặt nguy cơ đói ăn và cần cứu trợ lương thực trước cuối năm nay. Bên cạnh đó, các cú sốc về kinh tế vĩ mô được xem là một trong những tác nhân làm tình trạng thiếu lương thực thêm trầm trọng, khiến Ðông Phi được xem là một trong những khu vực mất an ninh lương thực nhất trên thế giới.

Khu vực phía nam châu Phi cũng đứng bên bờ vực nạn đói, khi gần 45 triệu người mất an ninh lương thực do bị ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và dịch Covid-19. Theo Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi (SADC), số người thiếu ăn từ đầu năm đến nay ở khu vực này tăng gần 10% so cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khó khăn kinh tế, cùng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. SADC dự báo số người thiếu ăn tiếp tục tăng và khoảng 8,4 triệu trẻ em ở phía nam châu Phi trong năm 2020 có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Trong bối cảnh số người bị xếp vào diện nghèo cùng cực trên toàn thế giới năm nay ước tính sẽ tăng lần đầu sau 22 năm, các tổ chức, cơ quan cứu trợ quốc tế và LHQ đứng trước những thách thức về huy động tài chính cũng như nỗ lực đưa hàng cứu trợ tới các “điểm nóng” xung đột. LHQ mới đây cho biết đã phải đóng cửa hai trại tị nạn ở Ni-giê do tình trạng mất an ninh. Hoạt động của các nhân viên làm công tác nhân đạo cũng đối mặt nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Tháng 7 vừa qua, tổ chức từ thiện ACF có trụ sở tại Pháp cho biết, các phần tử thánh chiến đã giết hại năm nhân viên cứu trợ nhân đạo tại khu vực đông-bắc đầy bất ổn của Ni-giê-ri-a. Việc này cho thấy sự nguy hiểm mà những người làm công tác nhân đạo tại các khu vực xảy ra xung đột phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình.

Các nước thành viên HÐBA LHQ cũng như cộng đồng quốc tế tiếp tục hướng sự quan tâm về tình hình an ninh ở Xu-đăng nói riêng, các nước châu Phi nói chung. “Lục địa đen” vẫn là điểm đáng chú ý và được ưu tiên trong các chương trình cứu trợ. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các nước trong khu vực giải quyết tận gốc những vấn đề được cho là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng nhân đạo. Tuy nhiên, việc đi tìm “phương thuốc” điều trị căn bệnh trầm kha “đói nghèo, xung đột” của châu Phi còn là chặng đường dài đầy chông gai.

ANH THƯ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/buc-tranh-mau-xam-612807/