Bức tranh mới ở Afghanistan khiến Mỹ tính toán lại cách tiếp cận chính trị và quân sự
Vụ đánh bom sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul do IS-K tiến hành đã định hình lại bức tranh ghép về Afghanistan và đang thúc đẩy Mỹ cùng các đồng minh phương Tây tính phải toán lại cách tiếp cận chính trị và quân sự.
Cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Afghanistan không chỉ đơn giản là về việc Taliban chống chính phủ Afghanistan, hay “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ dẫn đầu. Bởi bức tranh về Afghanistan là một bức tranh ghép với nhiều phe phái từ các địa phương, trong đó có Taliban, đều đang tìm kiếm quyền cai trị và lợi ích riêng.
Vụ đánh bom liều chết vào đám đông bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K) tiến hành ngày 26/8 khiến 170 người Afghanistan và 13 lính Mỹ thiệt mạng, đã cho thấy rõ những mối đe dọa từ nhóm vũ trang này.
Taliban đang nỗ lực thành lập một chính phủ quốc gia. Với quan điểm cực đoan về Hồi giáo và chính trị, nhiều người dự đoán về bạo lực, sự đàn áp và bác bỏ nhiều quyền lợi đối với một số thành phần trong xã hội Afghanistan.
Dù vậy, vụ đánh bom của IS-K là bằng chứng cho thấy, sự kiểm soát của Taliban đối với Kabul và các khu vực khác ở Afghanistan không được đảm bảo hoàn toàn.
Sự trở lại của IS-K
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Nhà nước Hồi giáo (IS) trên khắp Iraq và Syria năm 2014 cùng tuyên bố thành lập một nhà nước cai trị của tổ chức này đã làm sinh ra các chi nhánh khác nhau. Các chi nhánh đều đi theo đường lối tư tưởng của lực lượng IS nòng cốt và cũng nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức chính, nhưng được phát triển dựa trên các điều kiện địa phương.
Một trong số các nhóm này là IS-K, thành lập vào tháng 1/2015 và tự đặt tên theo “Khorasan”, một phần của đế chế Hồi giáo trải dài từ Iran đến phía Tây dãy Himalaya thế kỷ thứ 6. Nhóm này bao gồm các chiến binh địa phương, các cựu thành viên Taliban ở Afghanistan và Pakistan, cũng như một số cựu thành viên Al-Qaeda, có thệ tư tưởng và áp dụng thực tiễn còn cực đoan hơn.
IS-K hoạt động khắp khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan, nhưng trung tâm chính là ở các tỉnh Nangarhar và Kunar phía Đông Afghanistan.
Trong khi Taliban tìm cách giành quyền kiểm soát Afghanistan thông qua các hoạt động quân sự và sau đó là các cuộc đàm phán chính trị, IS-K đã tìm cách tuyển mộ thành viên thông qua việc công khai thừa nhận tiến hành các cuộc tấn công chết người nhằm vào các mục tiêu dân sự.
Mục tiêu của nhóm này là các cuộc biểu tình, các trường học dành cho trẻ em gái và một nhà hộ sinh ở Kabul.
Chiến dịch không kích của lực lượng an ninh Afghanistan và lực lượng Mỹ hồi tháng 4/2017 đã làm tê liệt IS-K. Bên ngoài Afghanistan, việc Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ở miền Bắc Syria tháng 10/2019 cũng là một đòn giáng mạnh vào IS-K.
Đến năm 2020, số thành viên ước tính của IS-K giảm xuống chỉ còn khoảng 1.500-2.200.
Tuy nhiên nhóm này vẫn tiến hành nhiều chiến dịch khác, dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh mới Shahab al-Muhajir, trong đó có cuộc tấn công hồi tháng 8/2020 vào một nhà tù ở Jalalabad, cách thủ đô Kabul khoảng 100km về phía Tây, thả hàng trăm chiến binh.
Ngoài ra nhóm này cũng từng tiến hành vụ ám sát nhằm vào Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh khiến 10 người thiệt mạng.
Mạng lưới Haqqani và Taliban
Khi đưa tin về việc Taliban tiếp quản Afghanistan, các phương tiện truyền thông cũng như các chuyên gia phương Tây thường nhắc lại bóng ma của Al-Qaeda và điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 6/2021 cho biết các thành viên al-Qaeda đang hoạt động tại 15 trong số 34 tỉnh của Afghanistan. Nhưng trên thực tế cả về hoạt động và thế lực chính trị, tổ chức này chỉ còn là một lớp vỏ của phiên bản năm 2001.
Không lâu sau vụ 11/9/2001, Al-Qaeda bị đẩy vào phía Tây Bắc Pakistan. Osama bin Laden bị lực lượng đặc biệt của Mỹ tiêu diệt vào năm 2011. Các thủ lĩnh cấp cao khác đã bị giết hoặc bị bắt. Trong khi người kế nhiệm của Osama bin Laden là Ayman al-Zawahiri được cho là đang ở Afghanistan nhưng gần như không xuất hiện.
Ngược lại, mạng lưới Haqqani lại nằm ở trung tâm của cuộc tranh giành quyền lực ở Afghanistan. Đến từ Đông Nam Afghanistan, Jalaluddin Haqqani thành lập tổ chức riêng vào những năm 1980, nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Reagan (Mỹ) và tình báo Pakistan để chống lại lực lượng Liên Xô.
Sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 1996, Haqqani có mặt trong nội các, đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng phụ trách các vấn đề bộ lạc.
Cuộc lật đổ Taliban do Mỹ hậu thuẫn vào năm 2001 đã buộc Haqqani chạy sang Pakistan, nhưng ngay sau đó mạng lưới này bắt đầu tiến hành các hoạt động xuyên biên giới. Mạng lưới Haqqani có một số nét tương đồng với Al-Qaeda, cả về định vị ý thức hệ cũng như cách huấn luyện.
Ngày nay, con trai của Jalaluddin Haqqani, Sirajuddin, là một phó thủ lĩnh của Taliban, đồng thời là người đứng đầu mạng lưới Haqqani. Mỹ đã treo thưởng lên tới 10 triệu USD cho việc bắt được Sirajuddin Haqqani.
Sirajuddin vẫn chưa xuất hiện ở Kabul. Nhưng 4 ngày sau khi Taliban tiến vào thủ đô, em trai Sirajuddin là Anas đã gặp cựu Tổng thống Hamid Karzai, cùng với Abdallah Abdallah – cựu Chủ tịch Hội đồng hòa giải quốc gia tối cao, cùng cựu Thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar.
Bức tranh mới cần những tính toán mới
Vụ đánh bom của IS-K vào ngày 26/8 không chỉ là một cuộc tấn công vào lực lượng Hoa Kỳ. Đó cũng là một thách thức đối với Taliban.
Theo ông Scott Lucas, Giáo sư Chính trị Quốc tế tại Đại học Birmingham (Anh), vụ việc đã định hình lại bức tranh nhiều mảnh ghép về Afghanistan, thúc đẩy Mỹ và các quốc gia khác phải tính toán lại cách tiếp cận chính trị và quân sự của mình.
Tuyên bố của Tổng thống Biden rằng Mỹ “chưa xong việc” với IS-K, sẽ truy lùng và buộc nhóm này phải trả giá, đã cho thấy tính cấp bách của việc cần phải tính toán lại.
Sự đáp trả của Mỹ là các cuộc không kích từ căn cứ Al-Udeid ở Qatar và một tàu sân bay ở Biển Arab. Trong vòng 36 giờ, Lầu Năm Góc đã thông báo về các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào IS-K.
Dù vậy, để các hoạt động trên không diễn ra hiệu quả, cần phải có các tài sản địa phương để xác định và theo dõi các mục tiêu.
Năm 2001, CIA đã nhanh chóng thiết lập liên kết với phe Liên minh phương Bắc ở Afghanistan khi đó. Nhưng chính quyền Mỹ hiện nay chưa chắc đã làm điều tương tự với “phong trào kháng chiến” do Ahmad Massoud (là con trai của lãnh chúa Liên minh phương Bắc Ahmad Shah Massoud) và cựu Phó Tổng thống Saleh dẫn đầu ở Thung lũng Panjshir, Đông Bắc Afghanistan.
Mỹ đã có các cuộc tiếp xúc với Taliban, không chỉ là các cuộc đàm phán chính trị mà còn về các vấn đề quân sự. Các cuộc thảo luận từ trước khi Taliban tiến vào Kabul đã giúp Mỹ thiết lập “hàng rào” bảo vệ đối với đại sứ quán cũng như khu vực sơ tán tại sân bay.
Một ngày sau cuộc tấn công của IS-K, Tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cũng cho biết các lực lượng Mỹ sẽ làm việc với Taliban để mở rộng vành đai an ninh tại sân bay Kabul trong thời gian sơ tán.
Vậy liệu chính quyền Biden với việc đưa nhóm khủng bố IS-K vào trọng tâm trong chính sách Afghanistan sau khi rút quân, có tiếp tục hợp tác với Taliban và do cả mạng lưới Haqqani hay không? Liệu điều đó có thể đi được bao xa và Mỹ có giải phóng tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan và đảo ngược áp lực lên IMF vốn đã dẫn đến việc đình chỉ viện trợ cho Kabul hay không? Theo giáo sư Đại học Birmingham, Scott Lucas, nếu câu trả lời là có, điều này có thể mở ra con đường công nhận Taliban về mặt ngoại giao./.