Bức tranh nền kinh tế toàn cầu
Quý 1/2023 sắp kết thúc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2023. Trước đó, vào tháng 11/2022, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức 2,2%. Tuy nhiên lạm phát vẫn tiếp diễn ở nhiều quốc gia.
Báo cáo của OECD nêu rõ: "Các dấu hiệu tích cực hơn đã bắt đầu xuất hiện khi tâm lý của giới kinh doanh và người tiêu dùng bắt đầu cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm và Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn".
OECD cũng dự báo lạm phát tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ giảm từ 8,1% trong năm 2022 xuống 5,9% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống 4,5% vào năm 2024, song vẫn cao hơn mục tiêu đề ra từ 2,1% đến 2,5% của nhiều ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng cũng không diễn ra đều giữa các quốc gia, giữa các châu lục.
Vào tuần thứ 3 tháng 3, Cơ quan thống kê của Chính phủ Ba Lan cho biết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và giá năng lượng leo thang đã đẩy tỷ lệ lạm phát tại nước này chạm mức cao nhất trong vòng 26 năm qua. Số liệu thống kê chính thức cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Ba Lan trong tháng 2 đã tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Anh Patryk - một người dân Warszawa nói: "Tôi có cảm giác lạm phát thực tế còn cao hơn các số liệu được công bố. Giá cả đang tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là thực phẩm. Ví dụ đối với cà chua, hiện tại tôi phải trả khoảng 20 Zloty/kg thay vì 12 như trước đây. Giá ớt cũng tăng mạnh. Tôi chưa từng chứng kiến điều này trước đây".
Chị Kinga - sống ở thành phố Krakow cho biết, thực sự rất khó để thanh toán các hóa đơn năng lượng trong khi giá thực phẩm đã ở mức “rất khó chịu”.
Cũng tại châu Âu, giá lương thực ở Phần Lan đã tăng kỷ lục 16,3% ở thời điểm ngày 26/3. Cơ quan thống kê Phần Lan cho biết con số này đã thể hiện mức tăng giá cao nhất kể từ năm 1964. Theo Jukka Appelqvist - nhà kinh tế trưởng của Phòng Thương mại trung ương Phần Lan, mặc dù giá cả có thể không tiếp tục tăng nhưng áp lực lạm phát kéo dài vẫn là một rủi ro kinh tế lớn.
Trong khi đó tại châu Mỹ, người dân Argentina đang phải vật lộn với lạm phát lên quá 100%. Truyền thông Argentina nhận xét tình trạng lạm phát khủng khiếp này đang "hành hạ ví tiền” của người dân từ nhà ra đến chợ. Mỗi khi phải chi tiền thì người dân lại choáng váng. Bà Irene Devita, ở thành phố San Fernando, nói: "Giá cả tăng gần như hàng tuần. Hệ quả là túi đựng đồ đi chợ nhẹ đi và đồ ăn trên bàn ít hơn. Hôm trước, tôi hỏi giá 3 quả quýt, 2 quả cam, 2 quả chuối và nửa cân cà chua, người bán nói 650 Peso. Tôi bảo ông ta bỏ hết đi, tôi chỉ lấy cà chua thôi, vì tôi không đủ tiền".
Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ lạm phát của Argentina thuộc hàng cao nhất thế giới. Lần cuối tỷ lệ lạm phát đạt 3 con số ở nước này là thời kỳ siêu lạm phát năm 1991. Hơn 3 thập kỷ sau, tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng đạt 102,5% vào tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa cho rằng lạm phát sẽ giảm xuống từ tháng 4 tới. Nhưng nói với truyền thông nước này, Aurelio Narvaja - một giáo viên 41 tuổi, cho biết: "Đó chỉ là yếu tố tâm lý mà thôi, vì lương không tăng giống như lạm phát tăng".
Còn tại Trung Đông, người dân Liban cũng đang chật vật trong bão lạm phát. Chị Caroline Sadaka sống ở Beirut, cho biết mỗi lần đi chợ chị phải cầm lăm lăm điện thoại trong tay. Không phải để nhìn danh sách đồ muốn mua mà để tính tiền mỗi khi mua món gì. Kinh tế Liban bắt đầu tuột dốc từ mấy thập kỷ trước, tới năm 2022 lại càng căng thẳng và dự báo còn kéo dài. Nói như chị Sadaka thì “những cơn đau đầu vì các con tính của cả người mua lẫn người bán” vẫn chưa thể dứt.
Tại châu Phi, từng là “ngôi sao” của Lục địa Đen, tới nay kinh tế Zimbabwe cũng đã tụt dốc. Tuy nhiên, “cùng chung cảnh ngộ”, Ghana, Nigeria, Nam Phi, Kenya... được Bloomberg dự báo sẽ tiếp tục lạm phát; trong khi Angola là quốc gia duy nhất trong số 34 quốc gia châu Phi được dự báo lạm phát hạ nhiệt.
Virag Forizs - nhà kinh tế châu Phi tại Capital Economics, nhận định năm 2023 một nửa châu Phi vẫn lạm phát với mức 2 con số; “nửa còn lại” hy vọng ở mức từ 6,75% đến 9%.
Tuy nhiên, theo OECD, các nền kinh tế lớn của thế giới sẽ tốt hơn trong năm 2023. Cụ thể, dự báo tăng trưởng của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều khả quan. “Khi các nền kinh tế đầu tàu kiềm chế được lạm phát, không rơi vào suy thoái thì nhìn chung kinh tế toàn cầu cũng sẽ “vượt cạn” thành công vào những tháng cuối năm” - nhận định trên Blooberg.
Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch chi thêm hơn 2.000 tỷ Yen (gần 15,3 tỷ USD) từ quỹ dự phòng để tài trợ cho các biện pháp bổ sung, nhằm giảm bớt tác động của lạm phát đối với nền kinh tế nước này. Dự kiến một phần số tiền trên sẽ được sử dụng để trợ cấp trực tiếp một lần bằng tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, với mức hỗ trợ 30.000 Yen tương đương 230 USD/hộ. Số tiền trợ cấp cho các hộ gia đình đang nuôi con nhỏ là khoảng 380 USD/trẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ thêm 9,2 tỷ USD cho các chính quyền địa phương để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/buc-tranh-nen-kinh-te-toan-cau-5713294.html