'Bức tường lửa' giúp trẻ an toàn trên môi trường mạng
Làm sao để con an toàn trên môi trường mạng, tránh được những trò chơi bạo lực, clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí là 'xấu, độc'…?
Đó là điều không phải phụ huynh nào cũng quan tâm, suy nghĩ trước khi trao điện thoại cho con. Sự việc youtuber Thơ Nguyễn đăng tải một đoạn clip ngắn trên mạng xã hội với nội dung cho búp bê giống Kumanthong uống nước ngọt để “xin vía học giỏi” được hàng ngàn người theo dõi là ví dụ điển hình.
Đừng để hài lòng trước mắt, hậu quả… về sau
Có thể thấy, trên mạng xã hội có nhiều clip vô bổ, nhảm nhí, trẻ ở độ tuổi chưa ý thức được đúng - sai, thế giới mạng ra sao, chỉ cần một cú click là dễ dàng bắt chước, làm theo. Những thử thách, những clip là… thế giới ảo, nhưng hậu quả là thật.
Tháng 10/2020, bé gái 5 tuổi tại TPHCM bắt chước trò chơi treo cổ trên YouTube, dù được gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng bé không qua khỏi. Trước đó, học theo một thử thách trên mạng, bé trai 10 tuổi phải nhập viện vì bị vẹo cổ do thử nhào lộn trên giường xuống sàn… Đây chỉ là hai trong số nhiều sự việc đau lòng khác của con trẻ do bị “nhiễm độc” từ những trào lưu, trò chơi, clip trên mạng.
Theo ông Lý Đức Thanh, Phó Giám đốc chuyên môn, Trung tâm kỹ năng sống Tinh Anh Việt (TPHCM), không ít phụ huynh giao điện thoại cho con trẻ chỉ để con hài lòng trước mắt. Nó có thể giúp con giải trí, giữ yên lặng khi ba mẹ làm việc hay là đôi khi nó giúp con ăn nhanh, đỡ lèo nhèo. Lâu dần trẻ sẽ bị… “nghiện”. Hài lòng trước mắt là thế, nhưng đôi khi hậu quả là sự việc thương tâm được các phương tiện truyền thông đưa tin.
Ông Lý Đức Thanh khẳng định: Nhiều phụ huynh không thể tin được rằng các thiết bị điện tử là “vũ khí ngầm” có thể hại trẻ bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể, theo các nghiên cứu của giới y khoa, việc sử dụng các thiết bị này nhiều sẽ ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ như tăng nguy cơ béo phì, mất ngủ, tính bạo lực, giảm sự tập trung, ảnh hưởng đến cột sống, gặp các tật về mắt…
Chuyên gia Lý Đức Thanh chia sẻ: Các clip, youtuber làm những nội dung không phù hợp, cơ quan chức năng sẽ thực hiện công tác liên quan để rà soát, kiểm duyệt hay vào cuộc xử lý.
Về phía phụ huynh, cha mẹ cần quản lý con khi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh bằng chương trình, phần mềm hỗ trợ quản lý, cài đặt chế độ hạn chế, hẹn giờ… Tuy nhiên, ở lứa tuổi nhỏ tốt nhất cha mẹ vẫn phải dành thời gian chơi cùng con, xem chương trình cùng con. Bên cạnh đó, cha mẹ cần quy định rõ thời gian cũng như chương trình con nên xem, không áp đặt nhưng định hướng, giúp trẻ lựa chọn kênh phù hợp.
Đặc biệt, cha mẹ cũng dành thời gian cùng con rèn luyện các hoạt động dã ngoại, thể dục thể thao nhằm phát triển thể lực; Động viên, khuyến khích, khen ngợi khi trẻ thực hiện tốt yêu cầu cũng như có những ý kiến hay.
“Cùng chơi với con, thường xuyên trò chuyện và cùng đọc sách là giải pháp tốt để giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử sớm. Những cuốn sách phù hợp với trẻ. Những câu chuyện cổ tích nhiều hình ảnh thú vị sẽ kích thích và tạo thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ”, ông Thanh nói.
Đồng hành cùng trẻ
Chia sẻ về việc cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử thông minh, anh Lê Phong (ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) làm việc ở khu công nghệ cao TP cho biết: Tôi không con trai học lớp 2 xem một số chương trình trên mạng. Nhưng tôi quy định thời gian, không quá 30 phút/ngày và không cho mượn điện thoại của bố mẹ, chỉ cho sử dụng máy tính bảng. Theo anh Phong, một thiết bị có thể cài đặt các phần mềm như YouTubeKids, chặn một số trang và không cung cấp cho con mật khẩu đăng nhập. Trên màn hình tải một video ngắn bổ ích, trò chơi tiếng Anh, nếu cần con vẫn có thể giải trí.
Theo cử nhân tâm lý Trịnh Đức (mạng lưới giáo viên tâm lý TPHCM), ở lứa tuổi lớn hơn, việc cấm đoán, phán xét con trẻ là phương pháp lạc hậu. Bảo vệ con trên môi trường mạng không phải là cấm đoán, kiểm soát mà là cha mẹ phải có kỹ năng, kiến thức để định hướng cho con những trang phục vụ học tập, tìm kiếm thông tin phù hợp. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải bắt kịp “trend” với con để đồng hành, tránh những nguy hại luôn rình rập trên thế giới ảo.
Cha mẹ hãy làm gương cho con trẻ, bỏ điện thoại xuống khi không cần thiết, lựa chọn những chương trình phù hợp có thể cùng con xem, trao đổi. Hãy trò chuyện nhiều hơn với con, để con coi cha mẹ là người bạn, có thể cùng chia sẻ trao đổi. Phụ huynh cần giúp trẻ hiểu được những tác hại của thế giới ảo ra sao, trao đổi về các hiện tượng trên mạng xã hội, hướng dẫn cài đặt tính năng bảo mật, giới hạn truy cập…
Để giúp trẻ an toàn trên môi trường mạng, ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng: Gia đình đóng vai trò tiên quyết nhưng sự đồng hành của giáo viên cũng rất quan trọng. Theo đó, thầy cô cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho con trẻ để tham gia môi trường Internet. Cùng với phụ huynh, giáo viên cũng hướng dẫn kĩ năng chọn lọc thông tin, hướng các em đến với vấn đề đã được khoa học chứng minh. Các tiết sinh hoạt lớp cần giáo dục kĩ năng xử lí thông tin cho học sinh. Nhà trường cần thường xuyên mời các chuyên gia để tổ chức buổi nói chuyện về kĩ năng giao tiếp, sử dụng mạng an toàn…
Quan trọng nhất vẫn là gia đình. Cha mẹ cần quản lí chặt chẽ việc sử dụng điện thoại, các phương tiện thông tin và giải trí, dành thời gian nhiều hơn cho con cái, trò chuyện để uốn nắn kịp thời. Đặc biệt, cha mẹ phải là người làm gương cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày. - ThS Vũ Hoàng Sơn