'Bức xúc không làm ta vô can'

Câu chuyện tân Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi với những phát ngôn 'vạ miệng' gần đây khiến cộng đồng mạng dậy sóng làm tôi nhớ đến cuốn sách 'Bức xúc không làm ta vô can' của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Bởi lẽ, đằng sau câu chuyện ấy không chỉ là vấn đề tri thức văn hóa của người đẹp đăng quang hoa hậu hay vấn đề của Ban tổ chức cuộc thi mà còn là thái độ, phản ứng của cộng đồng trước sự việc trên.

Không thể phủ nhận rằng, Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đã có những phát ngôn “kém duyên”, “thiếu khiêm tốn” ngay khi vừa đăng quang. Và, một cuộc tấn công tập thể đã xảy ra, hàng trăm ngàn người tham gia nhóm anti người đẹp. Không nói thì chúng ta cũng có thể hình dung cơn bão ấy khủng khiếp đến mức nào khi những ảnh chế, clip nhạo báng xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội cùng với cơn sóng cuồng nộ đòi tước vương miện của người đẹp đất Bình Định.

Vì sao Hoa hậu Ý Nhi lại khiến hơn nửa triệu cộng đồng mạng phẫn nộ đến mức như vậy? Xét một cách công bằng, những lời cô ấy nói không xúc phạm hay gây tổn thương cho một người nào cụ thể, kể cả khi cô đặt mình ngang hàng với Hoàng đế Quang Trung hay so sánh mình với bạn bè đồng trang lứa. Nó chỉ chứng tỏ cô nông cạn mà thôi chứ không hề có ý mạo phạm nhân vật lịch sử hay coi thường bạn bè. Cô cũng chưa làm gì vi phạm đạo đức hay thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Hoa hậu Ý Nhi (thứ 2 từ phải sang) có nhiều phát ngôn gây tranh cãi. Ảnh: VTC News

Hoa hậu Ý Nhi (thứ 2 từ phải sang) có nhiều phát ngôn gây tranh cãi. Ảnh: VTC News

Nhưng, tại sao dư luận xã hội vẫn không buông tha kể cả khi cô lên sóng trực tiếp công khai xin lỗi mọi người? Nhất là với phát ngôn gần nhất, Ý Nhi cho rằng cô mong “xóa được nạn đói, nạn dốt” ở vùng sâu, vùng xa. Phát ngôn này thêm một lần nữa thổi bùng ngọn lửa tẩy chay và gây nên sự thất vọng không vãn hồi. Có vẻ sau “vạ miệng” mới nhất này, Ý Nhi càng khó có cơ hội tìm được chỗ đứng trong lòng người hâm mộ sắc đẹp.

Nhìn sâu vào câu chuyện này có thể thấy nổi lên mấy vấn đề. Một là, sự nở rộ của phong trào thi hoa hậu dẫn đến “loạn” hoa hậu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa là, nhan nhản hoa hậu nhưng rất ít người thực sự có nhan sắc, trí tuệ, sự duyên dáng, thông minh, đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Dù có đại diện cho sắc đẹp Việt Nam tham gia một cuộc thi quốc tế thì cũng rất hiếm gương mặt mang vinh quang về cho Tổ quốc, chưa kể vinh quang ấy đôi khi chỉ giúp cá nhân họ phát triển sự nghiệp, danh tiếng mà ít mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Thứ hai, dù biết hoa hậu chỉ là người chiến thắng một cuộc thi sắc đẹp nhưng người hâm mộ lại đang đặt lên vai họ những sứ mệnh, trọng trách cao cả. Nghĩa là, hoa hậu ngoài việc phải đẹp còn phải nhân hậu, phải khéo léo, tinh tế, phải tài năng, phải tỏa sáng để giúp người, giúp đời. Những yếu tố ấy hoàn toàn không có sẵn mà cần phải được đào luyện. Xin nói thêm, sự đào luyện nhân cách, trí tuệ không phải là chuyện ngày một ngày hai, càng không phải qua một cuộc thi mà có được. Sự đào luyện ấy phải dựa trên nền tảng đạo đức, học vấn nhất định của một con người. Khó có ai đang từ người vô tâm, vô cảm, vụng về trong lời ăn tiếng nói thoắt trở thành người nhân hậu hiền lương, biết nói lời khôn khéo ý nhị. Mà nếu có tạo ra được thì e rằng đó là sản phẩm của nền công nghiệp sản xuất hoa hậu, nhất quyết không phải từ đạo đức, nhân tâm của cá nhân người ấy.

Trong hoàn cảnh như vậy, sự nôn nóng lăng xê, đánh bóng tên tuổi hoa hậu dễ dẫn đến tác dụng ngược, thay vì nổi tiếng bởi lan tỏa những giá trị tích cực, họ lại trở thành người gây tai tiếng bởi những lời nói hay hành vi chưa vừa mắt, vừa lòng công chúng.

Đừng chỉ đổ lỗi cho Ý Nhi hay Ban tổ chức cuộc thi khi bản thân chúng ta cũng có lỗi trong câu chuyện này. Lỗi của chúng ta là tôn vinh vượt tầm giá trị, dẫn đến sự vênh lệch giữa hình mẫu và thực tế. Hình mẫu hoa hậu trong lòng người hâm mộ là phải đẹp cả hình thể lẫn tâm hồn, phải tỏa hào quang văn hóa tri thức và sự tử tế, thậm chí là biểu tượng cho nhan sắc và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Trong khi thực tế có hoa hậu nào đáp ứng được những đòi hỏi ấy, khi mỗi năm có hàng trăm cuộc thi người đẹp, hoa khôi… khắp các vùng miền?

Thiết nghĩ, nên trả hoa hậu về đúng vị trí của họ-là người đẹp đăng quang một cuộc thi nhan sắc. Không có phép màu nào có thể khiến hoa hậu lột xác chỉ sau một cuộc thi, từ một người bình thường trở thành người ở một “tầm cao mới”, ngoại trừ… người hâm mộ! Chính chúng ta với sự tung hô, tôn vinh hoa hậu mới khiến họ ảo tưởng về chính mình mà quên mất rằng: Hào quang của một hoa hậu không chỉ nằm ở nhan sắc mà ở chính vẻ đẹp của trí tuệ tâm hồn, là vẻ đẹp mang tính chiều sâu và được khẳng định bằng cả quá trình cống hiến từ tâm không mệt mỏi.

Trách móc, lên án, chê bai hay giận dữ đòi tước vương miện hoa hậu không có nghĩa là chúng ta vô can khi đang vô tình hay cố ý góp phần đẩy các cuộc thi sắc đẹp lên thành trào lưu, thành cơ hội đổi đời của các cô gái. Chưa kể, “thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội đồ nào cũng có tương lai”. Lên tiếng để góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội khác hoàn toàn với sự “lên đồng tập thể” đầy tính nhạo báng, thù hằn.

Chừng nào còn… loạn thi hoa hậu, còn công nghệ sản xuất hàng loạt hoa hậu, chừng nào chúng ta còn khoác cho hoa hậu những tấm áo “rộng, dài” hơn con người thật của họ, chừng đó chúng ta sẽ còn thất vọng với người đẹp hậu đăng quang. Chừng nào chúng ta nhận ra, bức xúc không làm ta vô can, chừng đó sự phản ứng với những vấn đề xã hội mới thực sự có văn minh, chừng mực và hiệu quả.

HÀ HOÀI PHƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/buc-xuc-khong-lam-ta-vo-can-post245918.html