Bức xúc vì người dân bị 'ép' thu các khoản phí nông thôn mới

Nhiều hộ dân ở xã Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận hiện nay không được chính quyền cấp thẻ bảo hiểm y tế vì...nợ phí. Người dân lo lắng, khi bệnh bất ngờ xảy ra, không có thẻ để đi khám, chữa bệnh…!?

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, về việc phê duyệt các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, trong đó xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được xét là một trong các xã có người dân tộc thiểu số và được hưởng lợi từ BHYT miễn phí.

Tuy nhiên, hiện nay tại xã Phước Hữu đang xảy ra thực trạng, người dân muốn lấy thẻ bảo hiểm y tế phải đóng 200.000 đồng, gọi là tiền nợ phí.

Kì kèo thẻ bảo hiểm y tế

PV báo điện tử Người Đưa Tin làm việc với người dân tại thôn Tân Đức. (Ảnh: Duy Quan).

PV báo điện tử Người Đưa Tin làm việc với người dân tại thôn Tân Đức. (Ảnh: Duy Quan).

Ghi nhận tại thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, PV Người Đưa Tin được nhiều người dân phản ánh thời gian qua, muốn lấy được thẻ BHYT người dân phải đóng các khoản phí như: môi trường, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, bê tông, điện thắp sáng,… Nếu ai không đóng thì sẽ không cho lấy bảo hiểm y tế. Thậm chí, những hộ nghèo hay cận nghèo cũng bắt buộc phải đóng.

Chị Hán Thị Saly, ngụ thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước cho biết: “Nhà tôi lâu nay có mua BHYT tự nguyện cho ba tôi, mỗi khi đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm này vẫn bình thường. Nhưng, ngày 14/5, tôi chở ba tôi là ông Hán Đực đến trạm y tế xã Phước Hữu để khám bệnh cao huyết áp, thì nhân viên y tế ở đây từ chối khám với lý do là gia đình tôi thuộc diện người đồng bào Chăm có thẻ bảo hiểm riêng do Nhà nước cấp (còn gọi là thẻ DT). Thế là tôi phải đưa bố tôi về nhà và lên xã để xin nhận thẻ BHYT dành cho đồng bào Chăm. Khi đến xã từ chối không cho nhận, bắt tôi phải đóng 200.000 đồng rồi mới lấy thẻ”.

Tương tự, gia đình anh Hán Hoàng Kim Huy, ngụ thôn Tân Đức cũng trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” vì thẻ BHYT.

Anh Huy có người con gái tên Hán Thị Hồng Hạnh (20 tuổi) hiện đang là sinh viên trường cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Thời gian vừa qua, Hạnh đang bị bệnh nên về nhà lấy thẻ BHYT để đi khám.

Nhưng, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên gia đình anh Huy chưa có đủ 200.000 đồng để lấy thẻ bảo hiểm cho con gái và gia đình. Do không có thẻ, nên Hạnh cũng chưa được đến khám bệnh tại các trung tâm y tế hay bệnh viện.

Cụ Sử Thị Thủy làm việc với PV. (Ảnh: Duy Quan)

Cụ Sử Thị Thủy làm việc với PV. (Ảnh: Duy Quan)

Xót xa hơn khi PV báo điện tử Người Đưa Tin tình cờ gặp cụ Sử Thị Thủy, 76 tuổi, ngụ thôn Thành Đức, xã Phước Hữu. Cụ hiện đang sống một mình, được UBND xã Phước Hữu đưa vào danh sách hộ cận nghèo của thôn.

Cụ Thủy cũng được nhận thẻ BHYT miễn phí, nhưng vẫn bắt buộc đóng 200.000 đồng tiền nợ phí. Cụ Thủy buồn bã kể: “Cách đây 3 – 4 ngày có chị Đăng làm bên hội phụ nữ thôn đem thẻ bảo hiểm vào nhà tôi và nói tôi đóng 200 ngàn (200.000 đồng - PV) rồi mới nhận được thẻ. Tôi có nói giờ sống một mình làm gì có đủ 200 ngàn”.

Nói đến đây cụ nghèn nghẹn, im lặng một hồi rồi nói tiếp: “Khi thấy tôi không đủ 200 ngàn thì chị Đăng nói đóng 100 ngàn cũng được. Tôi có nói giờ chưa đủ tiền đóng, thì chị Đăng cũng ra về và không đưa tôi thẻ BHYT. Giờ trong người tôi đủ thứ bệnh tuổi già như: tim, đau khớp, bao tử,… chỉ mong có cái thẻ BHYT để đi khám rồi nhận thuốc về uống thôi”.

“Việc xã thu tiền, chúng tôi sẵn sàng đóng cho xã để được lấy thẻ BHYT. Nhưng các khoản thu phải rõ ràng và minh bạch để bà con chúng tôi còn biết chứ cứ nói chung chung phí này, phí nọ bà con chúng tôi biết đường nào mà lần?”, bà Vạn Thị Cộng, ngụ thôn Tân Đức bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của PV, đến thời điểm hiện nay toàn xã Phước Hữu đã cấp phát được 5.464 thẻ/8.394 thẻ ở 4 thôn là Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức và Hậu Sanh, còn 2.930 thẻ, còn lại xã Phước Hữu cũng đang cấp phát cho người dân.

Riêng thôn Tân Đức có 3.232 khẩu, hiện thôn đã nhận và phát được 2.380 thẻ BHYT, số còn lại sẽ được cấp phát cho người dân trong thời gian tới.

Sẽ ngưng thu nợ phí của người dân…!

Theo tìm hiểu của PV, các khoản phí mà ở xã Phước Hữu thu của người dân cụ thể là: phí môi trường là 12.000 đồng/hộ/tháng, quỹ vì người nghèo là 15.000 đồng/hộ/năm (tự nguyện), quỹ đền ơn đáp nghĩa là 20.000 đồng/hộ/năm (tự nguyện), bê tông là 25.000 đồng/hộ/năm và cuối cùng điện thắp sáng là 20.000 đồng/hộ/năm.

Tổng tất cả các loại phí là 92.000 đồng. Nhiều người đặt nghi vấn số tiền thừa còn lại ai quản lý ?

Phiếu thu tiền địa phương đưa cho người dân. (Ảnh: Duy Quan).

Phiếu thu tiền địa phương đưa cho người dân. (Ảnh: Duy Quan).

Điều đáng nói là nhiều phiếu thu tiền mà địa phương đưa cho các hộ dân khi thu nợ phí thể hiện nội dung qua loa, như: “Hộ dân đóng góp các khoản”; “các khoản dân đóng góp”, trên phiếu thu không đóng dấu mộc đỏ; một số phiếu thu có chữ ký người lập phiếu thu nhưng lại không ghi rõ họ tên…

Ngày 21/5, PV báo điện tử Người Đưa Tin cũng đã có buổi làm việc với ông Huỳnh Kiều Minh, Chủ tịch UBND xã Phước Hữu. Tại buổi làm việc, ông Minh cũng thừa nhận ở xã Phước Hữu có xảy ra tình trạng thu tiền phí 200.000 đồng rồi mới đưa thẻ BHYT. Đặc biệt sự việc xảy ra chủ yếu ở thôn Tân Đức.

Ông Minh cho biết: “Về vấn đề thu tiền này ở xã không chỉ đạo mà do thôn tự thu. Sau khi nhận quyết định về việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho đồng bào người Chăm, thì xã cũng đã chuyển tất cả các thẻ này xuống 7 thôn để các thôn này quản lý và cấp cho người dân”.

Ngoài ra, ông Minh cũng chia sẻ, hiện nay, các thôn gặp nhiều khó khăn trong việc thu các khoản phí như: đóng góp làm đường bê tông, phí môi trường, phí thắp sáng đường quê…. Nhiều hộ không chịu đóng tiền, cho nên các thôn đã áp dụng cách thu phí trước rồi mới đưa thẻ BHYT, mục đích là để cân đối nguồn thu cho địa phương.

Nhưng, do thôn không có thông báo trên loa, hay tổ chức họp dân để triển khai, đã làm cho người dân hiểu nhầm việc muốn nhận thẻ BHYT miễn phí phải đóng tiền, dẫn đến bức xúc.

"Hiện tại, xã đã chỉ đạo thôn Tân Đức dừng ngay việc thu tiền và cấp phát đầy đủ thẻ BHYT cho người dân. Sắp tới, xã sẽ mời các hộ dân mà thôn đã thu tiền lên trụ sở để làm việc. Nếu người dân không đồng ý thì địa phương sẽ trả tiền lại và cử cán bộ chuyên trách xuống từng hộ để thu các khoản phí mà địa phương đã quy định, và người dân đã thỏa thuận trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới", ông Minh nhấn mạnh

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: "Việc thu các khoản phí ở nông thôn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là đúng. Tuy nhiên, cán bộ thôn Tân Đức lấy việc này để tận thu cho việc khác là một việc làm thiếu minh bạch, khiến dư luận bức xúc. Huyện đã có chỉ đạo chấm dứt ngay, triển khai thực hiện cái nào ra cái đó, để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi được thụ hưởng chính sách quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Sắp tới, huyện sẽ làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý".

PV báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Duy Quan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/buc-xuc-vi-muon-nhan-the-bhyt-mien-phi-phai-dong-200-nghin-dong-no-phi-a434740.html