Bức xúc vì trại lợn xã bên gây ô nhiễm
Nhiều năm nay, người dân xã An Thượng (TP Hải Dương) bức xúc vì một trang trại nuôi lợn ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân.
Ô nhiễm kéo dài
Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Công nằm cạnh sông Đồng Thụa, nơi cung cấp nước tưới cho hơn 20 ha đất nông nghiệp ở khu đồng Bãi Dông của thôn Tiền (xã An Thượng) và các khu vực lân cận. Từ khi trại lợn của ông Công đi vào hoạt động, người dân rất ngại sử dụng nguồn nước này tưới cho lúa, rau màu vì tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Một người dân ở thôn Tiền cho hay, nước sông Đồng Thụa quanh năm đen kịt, mặt nước nếu không nổi bọt trắng xóa thì cũng có váng đục nổi lên. Vào mùa mưa, dù có nguồn nước bổ sung song đoạn sông cạnh trang trại vẫn đục ngầu. Có thời điểm, cá chết nổi lềnh phềnh trên mặt sông khiến ai cũng thở dài, lắc đầu ngán ngẩm. Không chỉ bức tử dòng sông, mùi hôi thối từ trang trại cũng làm cho cuộc sống người dân gần đó trở nên bí bách, ngột ngạt. Mỗi khi có gió đông bắc là bà con thôn Tiền lại thấy khó chịu, nhà nào nhà nấy phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi.
Theo ghi nhận của phóng viên trong các ngày 17 và 20.12, nước sông Đồng Thụa đoạn gần trang trại nuôi lợn của ông Công đen kịt, mùi hôi từ trang trại bốc lên rất khó chịu. Ông Vương Văn Bột, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tiền luôn trăn trở về tình trạng ô nhiễm do trang trại nuôi lợn ở xã Đồng Lạc gây ra làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong thôn, đe dọa nguồn nước phục vụ sản xuất. Ông đã nhiều lần ý kiến tại những cuộc tiếp xúc cử tri các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ông Bột cho hay để có căn cứ xác thực, ông thường xuyên theo dõi tình hình xả thải của trang trại. Trang trại nuôi lợn này có 2 cống xả lớn, xả trực tiếp vào sông Đồng Thụa. Mỗi lần xả, nước đen chảy lan ra hàng mấy cây số. Ông đi men theo dòng nước thì thấy nước bẩn chảy tới cả cống Thạc, cống Thượng Đạt rồi ra sông Thái Bình. Đoạn này lại là nơi cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân xã An Thượng. “Tôi rất lo lắng nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ sản xuất mà sức khỏe của bà con cũng bị ảnh hưởng. Trại lợn quy mô lớn, cách xa khu dân cư ở xã Đồng Lạc nhưng lại tương đối gần với người dân thôn Tiền. Chăn nuôi thì sẽ phát sinh chất thải, song không thể vì thế mà đánh đổi môi trường sống. Thời điểm đổ ải sắp tới, nếu nước sông không được cải thiện thì e là sẽ có hộ phải bỏ ruộng”, ông Bột nói.
Kiên quyết xử lý
Trang trại nuôi lợn của ông Công xây dựng trên đất 03 của xã Đồng Lạc từ năm 2008 với diện tích 3,4 ha. Trong đó diện tích chuồng trại là 1,3ha với tổng đàn ổn định khoảng 4.000 con. Để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi, ông Công xây hầm biogas có thể tích 5.000 m3 và làm ao chứa nước thải rộng 5.000m2. Ông Công khẳng định trang trại của ông có đầy đủ thủ tục, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp phép để được hoạt động. Khu vực này trước đây là ruộng trũng, lại ở xa, người dân không gieo cấy nên ông đã gom ruộng xây trang trại nuôi lợn. Trong thời gian thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xuống kiểm tra, giám sát và trang trại cũng bảo đảm đánh giá tác động môi trường. Ông Công cho biết: “Toàn bộ chất thải tôi đều thu gom, xử lý hoai mục, bể chứa nước thải cũng để lắng cặn rồi mới xả ra bên ngoài. Có chăng trang trại lắp đặt hệ thống quạt thông gió công nghiệp nên có thể phát tán mùi ra các khu vực lân cận”.
Mặc dù ông Công cho rằng trang trại nuôi lợn của gia đình không xả thải gây ô nhiễm nguồn nước nhưng tháng 11 vừa qua, sau khi nhận được phản ánh từ người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương đã phối hợp UBND xã An Thượng kiểm tra thực tế. Kết quả cho thấy có tình trạng nước thải, chất thải từ trang trại nhà ông Công chảy xuống sông giáp cánh đồng thôn Tiền. Do nguồn gây ô nhiễm không thuộc địa bàn quản lý nên UBND TP Hải Dương đã có công văn đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nam Sách có phương án giải quyết, xử lý ô nhiễm do trang trại nuôi lợn ở xã Đồng Lạc gây ra.
Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc, tiếp nhận ý kiến phản ánh của chính quyền và người dân xã An Thượng, địa phương đã chỉ đạo công chức phụ trách làm việc với chủ trang trại, yêu cầu ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường trước khi xả thải ra bên ngoài; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở chủ trang trại thực hiện theo đúng cam kết. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trang trại vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các điều kiện về xử lý chất thải, nước thải. Thời gian tới, UBND xã sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu trang trại nghiêm túc thực hiện xử lý nước thải, chất thải, nếu cố tình sai phạm sẽ xử lý theo quy định.
Như vậy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp đã xác minh và đưa ra kết luận khẳng định trang trại nuôi lợn của ông Công có gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng việc giải quyết còn chưa dứt điểm bởi tình trạng xả thải gây ô nhiễm sông Đồng Thụa vẫn diễn ra. Cơ quan chức năng cần quyết liệt kiểm tra, giám sát để chấm dứt việc xả thải không bảo đảm quy định vào nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/buc-xuc-vi-trai-lon-xa-ben-gay-o-nhiem-190814