Bucha thổi bùng tức giận
Sau những cáo buộc nhằm vào hành động của Nga tại thành phố Bucha, hàng loạt quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Moscow, bao gồm cả trục xuất quan chức cấp đại sứ.
Dư luận thế giới ngày 5/4 không chỉ dõi theo các động thái rút quân của Nga mà còn vào thành phố Bucha ở ngoại ô Kyiv - nơi xuất hiện những cáo buộc gây chấn động về những cái chết của ít nhất 300 dân thường sau khi quân đội Nga rút đi.
Phóng viên nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới, bao gồm Reuters và AP, đã nhìn thấy các thi thể dường như bị bắn ở cự ly gần, cũng như một ngôi mộ tập thể tại Bucha.
Theo phía Ukraine, số nạn nhân thiệt mạng lên tới hàng trăm. Kyiv cũng nghi ngờ các vụ việc tương tự còn xảy ra ở một số thành phố khác.
Điểm nóng Bucha
Các dấu hiệu ở Bucha cho thấy dân thường đã bị nhắm tới và giết hại một cách trực tiếp, bà Liz Throssell, Người phát ngôn cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, nói hôm 5/4, theo AFP. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/5 cũng sẽ có cuộc họp về vấn đề này.
Về phần mình, phía Nga gọi đây là “tin giả”, cho rằng vụ việc này do Ukraine dàn dựng nên nhằm "khiêu khích", phá vỡ các nỗ lực hòa đàm.
Trong chuyến thị sát tới Bucha, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kyiv sẽ khó hòa đàm với Nga sau vụ việc, CNN đưa tin. Ông cũng cảnh báo rằng Nga trì hoãn càng lâu các cuộc đàm phán với Ukraine thì tình hình càng trở nên tồi tệ.
Những cáo buộc nhằm vào Nga tại Bucha đang gây ra một làn sóng căng thẳng mới giữa Moscow và phương Tây. Mỹ và các nước châu Âu đang lên kế hoạch áp đặt thêm lệnh cấm vận lên Nga. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington sẽ hành động ngay trong tuần này.
Các biện pháp trừng phạt ngoại giao nhằm vào Nga cũng đang được các nước phương Tây siết chặt. Sau khi Lithuania trục xuất đại sứ Nga tại nước này hôm 4/4, nhiều nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Italy hay Đan Mạch cũng đã quyết định trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga liên quan tới cáo buộc tại Bucha.
Moscow đã tuyên bố sẽ có động thái đáp trả thích ứng.
Trong một động thái ngoại giao nhằm ủng hộ Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó chủ tịch EC Josep Borrell sẽ có chuyến thăm tới Kyiv trong tuần này để hội đàm với tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky.
Đây sẽ là chuyến thăm thứ hai của các lãnh đạo cấp nguyên thủ nước ngoài tới Kyiv kể từ sau khi chiến sự bùng nổ. Trước đó, hôm 15/3, thủ tướng ba quốc gia Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovenia cũng đã tới Kyiv bất chấp việc thành phố này đang bị quân Nga áp sát.
Hướng chiến lược mới của Nga
Trong những tuần trước, Kyiv luôn là điểm nóng hàng đầu trong bản đồ tình hình chiến sự tại Ukraine. Với hai “gọng kìm” ở phía tây bắc và phía đông, quân đội Nga gây áp lực đáng kể lên thủ đô của Ukraine.
Kịch bản Kyiv thất thủ đã được giới chức phương Tây tính đến ngay từ khi chiến sự bùng phát. Hôm 24/2 - ngày Tổng thống Nga Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào nước láng giềng phía đông - ba quan chức Mỹ thậm chí dự báo Kyiv có thể thất thủ “trong vài ngày”.
Dù vậy, kịch bản trên đã không xảy ra. Sau một tháng chiến sự, quân Nga đã rút đi, để lại vùng ngoại ô Kyiv bị tàn phá bởi bom đạn. Theo giới phân tích, những lực lượng từ Kyiv có thể tiếp tục được điều động tham chiến tại Ukraine, nhưng ở hướng ưu tiên mới của Nga: Donbas.
So sánh với bản đồ chiến sự một tuần trước, lực lượng Nga đã rút lui khỏi một khu vực rộng lớn ở miền Bắc Ukraine. Toàn bộ khu vực xung quanh thủ đô Kyiv đã trở về dưới sự kiểm soát của người Ukraine, trong khi áp lực lên các thành phố lớn khác như Chernihiv hay Sumy cũng đã giảm đáng kể.
Quan sát này phù hợp với tuyên bố “hoàn tất giai đoạn đầu của chiến dịch tại Ukraine” và “chuyển hướng tập trung vào vùng Donbas” được Moscow đưa ra cuối tháng 3.
Tính đến 5/4, các cuộc tấn công với quy mô thực sự lớn vào Donbas vẫn chưa được Nga tiến hành. Dù vậy, đây là điều có thể xảy ra trong tương lai gần, giới chức Ukraine cho biết.
“Chúng tôi thấy khí tài Nga đang tiến đến từ nhiều hướng. Họ mang theo binh lính và nhiên liệu. Chúng tôi hiểu rằng họ đang chuẩn bị cho bước đột phá lớn với quy mô toàn diện”, ông Sergiy Gaiday, Thống đốc tỉnh Luhansk của Ukraine, tuyên bố trên tài khoản Telegram cá nhân ngày 4/4.
Quan chức đứng đầu tỉnh Luhansk cũng nhận định các cuộc bắn phá vào khu vực do Ukraine kiểm soát đang ngày càng ác liệt. Ông động viên người dân trong tỉnh đi sơ tán trước cuộc tấn công.
Mariupol lâm nguy
Mariupol - thành phố cảng có vị trí chiến lược đang bị bao vây - cũng chưa thất thủ. “Các đơn vị phòng thủ của Ukraine ở Mariupol thể hiện tốt hơn những gì chúng tôi dự đoán trước đó”, các nhà quan sát của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Dù vậy, vòng vây tại Mariupol vẫn đang dần được siết chặt. Ngày 4/4, tướng Nga Mikhail Mizintsev một lần nữa gửi tối hậu thư yêu cầu lực lượng phòng thủ Mariupol đầu hàng.
Theo ông Mizintsev, các đơn vị quân đội Ukraine sẽ được đảm bảo mạng sống và có thể sơ tán về khu vực do Ukraine kiểm soát theo các hành lang được thống nhất từ trước, TASS đưa tin.
“Lực lượng Nga nhiều khả năng chiếm được Mariupol trong những ngày tới và có thể cố gắng triển khai các đợt tấn công mới từ thành phố về hướng tây bắc để chiếm tỉnh Donetsk”, ISW nhận định.
Bên cạnh mặt trận phía Đông, chiến sự cũng đang nổ ra ở mặt trận miền Nam Ukraine khi quân Nga cố gắng phòng thủ tỉnh Kherson trước các đợt phản công của quân đội Ukraine.
Các nhà phân tích tại ISW nhận định những đợt tấn công vào cuối tháng 3 - đầu tháng 4 của Nga tại tỉnh Kherson dường như có mục đích lấy lại các vị trí phòng thủ thuận lợi quanh thành phố Kherson, thay vì tiếp tục tấn công vào Mykolaiv.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bucha-thoi-bung-tuc-gian-post1307515.html