Bùi Hải An: Từ CEO công nghệ tới người cho đi
Ấn tượng của tôi là mỗi lần gặp nhau, An đều có một câu chuyện mới, một dự án mới hoặc một công cụ mới đang ứng dụng và sẵn lòng chia sẻ…
Biết nhau 20 năm, từ ngày còn là sinh viên, nhưng Bùi Hải An - nay là Phó tổng giám đốc Ngân hàng số Timo - chưa bao giờ làm tôi thôi ngạc nhiên với sự mới mẻ của tư duy, của những thứ anh bày ra, của năng lực xây dựng đội ngũ và cả mong muốn thực hành để trở thành một “người cho đi” như mô hình sách Cho và Nhận của Adam Grant.
Người học hoài
Tôi gặp An lần đầu khi đi tìm hiểu cuộc sống của sinh viên Việt Nam tại Singapore. An rộng lượng cho tôi ngủ nhờ phòng ký túc xá của mình, và câu chuyện về một chàng trai Tiền Giang sang học Đại học Quốc gia Singapore xa lạ và phồn hoa kèm theo đủ mong muốn, khát vọng kéo dài cả đêm…
Lần thứ hai, là khi đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang kết nối với “ban công kinh tế ra thế giới”, An làm tình nguyện viên dẫn đoàn đi tham quan sứ quán, thị trường chứng khoán Singapore với sự tự tin vượt trội so với một năm trước đó. Nhiều doanh nhân trong đoàn ngỏ ý mời An làm đại diện công ty mình tại Singapore, An đều khéo léo từ chối.
Lần thứ ba gặp An là khi anh tháp tùng Chủ tịch Hiệp hội Phong thủy thế giới tới Sài Gòn làm hội thảo. An làm phiên dịch, trợ lý và 1.001 việc không tên khác. Tôi thắc mắc: “Ủa An, em học kỹ sư công nghệ mà…”, “Dạ đúng rồi, nhưng làm thêm mấy việc, học thêm mấy thứ là đang làm giàu cho bản thân mà…”. Lúc đó, ông Võ Tá Hân, một chuyên gia tài chính người Việt rất có uy tín ở Singapore lập ra một tổ chức Vietnam2020 mà An là nòng cốt, đào tạo nhóm bạn trẻ tài năng này nhằm quay về đóng góp cho đất nước, hy vọng là năm 2020 sẽ tạo ra một sự thay đổi tích cực nào đó.
An về nước, cùng nhóm bạn Vietnam2020 thành lập TGM - một trong những công ty đầu tiên chuyên tâm về phát triển kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh. Hai mươi mấy tuổi, các chàng trai này hừng hực khí thế, gì cũng làm, từ hội thảo mấy ngàn người, đến biên dịch và xuất bản sách, đến cày cuốc xuyên đêm để ra cổng thông tin trắc nghiệm tính cách MBTI phiên bản tiếng Việt.
Thỉnh thoảng mấy bạn này có cãi nhau, An nhờ tôi đến ngồi nghe để góp ý, hoặc nhờ dẫn đến gặp chuyên gia Giản Tư Trung để hỏi vài điều về làm giáo dục ở những người đi trước.
Người làm hoài
Hồi Tổng thống Mỹ Barack Obama sang Việt Nam, ông có tổ chức một cuộc gặp gỡ dân công nghệ và khởi nghiệp. Bùi Hải An và Công ty Silicon Straits Saigon (SSS) của mình được chọn là đơn vị trao đổi với Tổng thống Mỹ.
An hơi run chút, nhưng kể thành công câu chuyện khát vọng kiến tạo một cộng đồng các chuyên gia xây dựng được những sản phẩm công nghệ của Việt Nam phục vụ thị trường quốc tế. Cụ thể, SSS từ bốn người đầu tiên đã dựng được team tới hơn 100 thành viên, trẻ măng và khát vọng như nhau, hay nhận thầu xây dựng một hệ thống bán lẻ lớn nhất nhì thế giới để thay cho một phần mềm 30 năm tuổi...
Tổng thống Mỹ về nước, và khi ông kết thúc nhiệm kỳ thì An cũng… tách SSS thành các team nhỏ theo đuổi các mục tiêu khác nhau. Lý do quan trọng, theo An, là SSS đã hoàn thành sứ mệnh và anh em cần tiến lên phía trước. Lúc này, An đã ấp ủ hàng loạt dự án khác, theo đúng kiểu của An: không cần quá to lớn vĩ đại, nhưng team thực chiến, sản phẩm thực tế và đúng nhu cầu thị trường.
An hay học các báo cáo xu hướng công nghệ và thị trường, đi uống bia với An toàn bị nghe những phân tích về cơ hội của những làn sóng mới, bí mật thành công của những người tiên phong “bật nút” những công nghệ có tính ứng dụng cao…
An dựng team mới, làm ra Công ty MSV Tech, chuyên xử lý việc tự động hóa các thao tác thủ công của hệ thống bán lẻ. Làm một hồi thì khách hàng lớn nhất của MSV là chuỗi cửa hàng tiện lợi 7- Eleven ngỏ ý… mua lại công ty này luôn để gia tăng sức cạnh tranh về công nghệ của mình. An vừa làm cố vấn cho 7-Eleven, vừa “ủ mưu” món khác.
Món khác này bắt đầu từ những nhu cầu quá lớn của thị trường: ứng dụng công nghệ trong quản trị nhân sự, bao gồm chấm công, tương tác, tưởng thưởng và kết nối với các phúc lợi khác. Mà dính tới khái niệm “các phúc lợi khác” lại liên quan tới nhu cầu điểm thưởng, khách hàng thường xuyên… có thể trao đổi lẫn nhau giữa nhiều nhà cung cấp. Thế là An làm ra O2 Financial để đầu tư cho hai công ty thành viên tự chạy, còn mình lo làm chiến lược với lo đi… kiếm vốn. Kiếm một hồi, thì dính vô ngành tài chính điện tử và ngân hàng số lúc nào không hay.
Hóa ra làm ngân hàng số đối với An không phải là để làm giàu, mà là dùng sức mạnh của công nghệ để tiếp tục “cho đi” ở số lượng lớn. An chia sẻ lý do đầu quân vào Ngân hàng số Timo và hiện là phó tổng giám đốc phụ trách sản phẩm và khách hàng bởi An muốn giúp các bạn trẻ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, từ đó không bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần mà còn có thể bắt đầu tiết kiệm và đầu tư từ sớm.
Thông qua Timo, An cùng đội ngũ thiết kế những sản phẩm tài chính, và quan trọng hơn là những công cụ như “Hũ chi tiêu” hoặc “Tiết kiệm mục tiêu” để giúp và “dạy” người dùng cách phân chia thu nhập một cách hợp lý, theo dõi chi tiêu và quan trọng hơn “stay on top” (luôn nắm rõ) khả năng tài chính của mình và hành trình đến được tự do tài chính như thế nào.
Và người cho hoài
Trong tập sách bán chạy nhất Give and Take của Adam Grant, có một phát hiện rất lạ: những giver - người cho đi lại luôn là người thắng cuộc ở những cuộc đua đường dài chứ không phải là những người giỏi tính toán thiệt hơn. Và Bùi Hải An đang thực hành để trở thành một “người cho đi” tốt hơn…
Cho và Nhận là quyển sách đặc biệt của Adam Grant. Từ thực tiễn giảng dạy của mình, Adam Grant - khi ấy đang là giáo sư trẻ nhất của ngôi trường Wharton danh giá - đã kiểm chứng nguyên nhân mang lại thành công cũng như dẫn đến thất bại của mỗi người. Anh đã phân chia ra ba nhóm người chính: những người chỉ biết đến lợi ích bản thân, những người luôn hết lòng vì người khác và những người dung hòa.
Trong khi những người chỉ biết ra sức giành lấy phần có lợi nhất, những người dung hòa hướng đến việc trao đổi lợi ích, thì những người luôn hết lòng vì người khác lại luôn cố gắng giúp đỡ mọi người mà không cần bất cứ sự đền đáp nào. Đây cũng chính là chìa khóa mang lại thành công cho họ.
Quan niệm của An về cho đi thông qua chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn của mình, là không bao giờ được hời hợt. Không phải chỉ đưa ra một câu nói nghe có vẻ chân lý là coi như giúp được người khác, mà phải thực sự hiểu được hoàn cảnh, câu chuyện của đối phương thì mới giúp “đúng” được. Cho đi, phải xuất phát từ lắng nghe, và từ đó cùng đồng hành để thật sự đem lại sự thay đổi tích cực.
Công việc của An cũng nhiều áp lực, hoặc vô cùng nhiều áp lực, nên chúng tôi hay đi uống bia tán dóc cho đỡ mệt. Những lúc hơi say, An hay nói về hạnh phúc. Hạnh phúc đối với An là khi thấy được những nỗ lực của mình giúp cho mọi thứ xung quanh được tốt hơn mỗi ngày. Từ đó, lựa chọn sẽ làm gì khi đứng trước các quyết định quan trọng luôn trở nên dễ dàng hơn nhiều.
“Luôn hướng tới những thay đổi tích cực mỗi ngày. Đầu tiên là cho bản thân mình, những người xung quanh, các cộng sự và xa hơn là xã hội. Đó là lý do tôi lựa chọn xây dựng các công ty với mục tiêu đầu tiên là tạo ra môi trường làm việc và phát triển cho các bạn, đồng thời xây dựng nên những sản phẩm, dịch vụ có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho khách hàng và đối tác của mình” - An nói nốt trong lúc đón xe ôm công nghệ để về nhà, vì sợ… vợ la!
Bài: Bung Trần - Ảnh: TLNV