Bùi Thạc Chuyên: Thái Hòa là 1 trong những diễn viên giỏi nhất hiện nay

10 năm thai nghén, ấp ủ với tác phẩm 'Địa đạo', Bùi Thạc Chuyên mong sự chân thành, tâm huyết của ê-kíp làm phim về tình yêu quê hương, đất nước sẽ chạm được tới mọi người.

Phim chiến tranh cần đủ hấp dẫn để lôi kéo khán giả

- Cơ duyên nào đưa anh đến với dự án “Địa đạo”?

Cách đây nhiều năm, tôi may mắn được các cô chú từng chiến đấu năm xưa kể những câu chuyện thú vị về địa đạo Củ Chi.

Kịch bản phim được tôi viết từ 2014, đến 2016 thì hoàn thành. Nội dung tôi đã chỉnh sửa, thay đổi nhiều lần. Đó là câu chuyện về cuộc chiến phi đối xứng giữa một bên là quân đội Mỹ hùng mạnh, thiện chiến nhất thế giới, bên còn lại là những người du kích Củ Chi.

Chưa có phim nào thúc giục tôi mãnh liệt như thế, bất chấp mọi khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua được. Tôi tự hỏi sức mạnh đó là gì. Bắt tay vào làm phim, tôi cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc, của các thế hệ đi trước.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ 10 năm cho tác phẩm điện ảnh "Địa đạo".

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ 10 năm cho tác phẩm điện ảnh "Địa đạo".

- 10 năm ấp ủ giấc mơ cho một bộ phim, anh mong mỏi truyền tải điều gì qua tác phẩm?

Điện ảnh hay sân khấu, văn học lâu nay đã có nhiều cách kể khác nhau về đề tài lịch sử - chiến tranh, tôi cũng muốn kể theo cách của mình.

Tôi cảm nhận được khát khao cháy bỏng của các đồng nghiệp trong suốt quá trình thực hiện phim. Mọi người nỗ lực hết mình cho một tác phẩm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc.

Tôi muốn góp một góc nhìn lý giải sức mạnh của người Việt Nam trong cuộc chiến đã lùi xa gần 50 năm. Dẫu 50 năm chưa phải lâu lắm nhưng có lẽ các bạn trẻ không phải ai cũng đủ điều kiện để hiểu. Và, hòa bình không phải là thứ hiển nhiên hay miễn phí, mà phải đánh đổi, trả giá cực kỳ lớn.

- Với mức độ đầu tư "khủng" về bối cảnh, đoàn phim hẳn tiêu tốn không ít tiền bạc?

Phim về lịch sử, chiến tranh đòi hỏi chi phí lớn. Tác phẩm làm từ ngân sách xã hội hóa với sự góp vốn của các nhà đầu tư.

Quả thật, tiền không phải tất cả, nhưng nhiều thứ cần chi tiêu tốn kém. Trang phục và đạo cụ đều được chúng tôi chuẩn bị tỉ mỉ, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cô chú du kích để đảm bảo phù hợp.

Các bối cảnh trong phim đều phải phục dựng toàn bộ. Chúng tôi thuê 7ha rừng để dựng lại cảnh rừng cây bị đốt trụi, tan hoang bởi sự hủy diệt của quân đội Mỹ. Các đường hầm cũng được thiết kế có thể lắp ghép từ nhiều mảnh khác nhau, phù hợp cho việc quay phim.

Hiệu quả cháy nổ của bom mìn phải thuê kỹ sư, chuyên gia nước ngoài thực hiện vì chúng ta chưa làm chủ được công nghệ để đảm bảo độ an toàn cho diễn viên và tạo hiệu quả chân thực nhất.

Nam đạo diễn trao đổi với ê-kíp trên phim trường.

Nam đạo diễn trao đổi với ê-kíp trên phim trường.

- Đề tài lịch sử vốn không dễ thực hiện, chưa kể câu chuyện khán giả khó tiếp nhận, anh đủ tự tin chứ?

Khó khăn, vất vả với công sức đổ ra cho phim Địa đạo đến giờ tôi nghĩ là hoàn toàn xứng đáng.

Tất nhiên, với phim chiến tranh, ngoài đề cao tinh thần dân tộc, điều quan trọng nhất là phải đủ chân thực, hay, hấp dẫn để kéo khán giả, đặc biệt là người trẻ đến rạp. Tôi tin nếu phim giải được bài toán này, số đông sẽ ủng hộ.

Một bộ phim bên cạnh giá trị thẩm mỹ, nó cần phải đánh thức sự đồng cảm, đi vào đời sống của mọi người. Tôi mong “đứa con” này sớm được thành hình, ra mắt vào dịp kỷ niệm trọng đại của cả nước vào năm sau.

Thái Hòa là một trong những diễn viên xuất sắc nhất hiện nay

- Anh có mất thời gian làm việc hoặc đặt ra quy tắc nào với các diễn viên?

Diễn viên đóng vai du kích phải có ngoại hình phù hợp. Họ phải nhịn ăn, ép cân, tập quân sự bắn đạn thật trong gần 2 tháng. Súng dùng trong phim là súng thật nên họ phải học cách sử dụng thành thạo.

Tôi muốn diễn viên thể hiện được sự chân thực không chỉ về tạo hình mà còn ở tâm lý của con người sống trong thời chiến: gầy gộc, đói ăn nhưng đôi mắt luôn sáng rực.

Khi trao đổi với diễn viên, tôi cố gắng diễn giải để họ hiểu được con người trong chiến tranh khác thời bình. Mọi thứ từ tình yêu đến tình bạn đều ánh xạ qua lăng kính của sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc nên tâm lý không thể hời hợt được.

Đó cũng là thách thức của diễn viên. Tôi tin họ thích dạng nhân vật như thế để được trải nghiệm, phấn đấu làm nghề.

- Phim này đòi hỏi cao về thể lực, sức khỏe, anh rèn luyện cho các diễn viên thế nào?

Tôi hay nói đùa chưa có phim nào diễn viên bị bẩn như trong tác phẩm này. Các cảnh lặn sông, sống ở địa đạo, chui xuống bùn lầy… đều phải thật, không có chuyện tượng trưng hay ước lệ. .

Các diễn viên phải ghi hình từ 14 đến 16 tiếng mỗi ngày trong điều kiện không dễ dàng. Chúng tôi còn mời các chiến sĩ đặc công của Bộ Tư lệnh TPHCM hướng dẫn diễn viên tập luyện.

Phim được quay với súng thật đạn thật nên việc bị súng thúc vào mặt, rơi vào chân không hiếm. Nhiều diễn viên sau các cảnh đánh nhau cơ thể sưng đỏ, bầm tím, may mắn không ai gặp chấn thương nặng.

Thái Hòa lăn xả với vai diễn đội trưởng đội du kích.

Thái Hòa lăn xả với vai diễn đội trưởng đội du kích.

- "Địa đạo" gây chú ý khi công bố Thái Hòa góp mặt trong vai trò diễn viên chính, quá trình làm việc giữa anh và anh ấy ra sao?

Thái Hòa đóng đội trưởng đội du kích tên Bảy Theo - một nhân vật quan trọng, phải nhận 1 nhiệm vụ bất khả thi. Sự dằn vặt, đấu tranh bên trong nhân vật này rất lớn khi anh hiểu tất cả đồng đội sẽ không thoát khỏi cái chết.

Khi viết kịch bản, tôi không nhắm vai diễn cho bất cứ ai. Song khi Thái Hòa casting, tôi đã chọn anh vì hợp vai cả về độ tuổi lẫn tâm lý phức tạp của nhân vật.

Quá trình làm việc, Hòa chia sẻ với tôi góc nhìn riêng về cuộc sống, chiến tranh. Anh mang tài liệu của người thân từng góp mặt trong cuộc chiến để ê-kíp tham khảo. Điều hay ở Thái Hòa là anh không chỉ phát huy diễn xuất, mà còn đưa cảm xúc, tâm tư, trăn trở hòa quyện vào phim.

- Thái Hòa được mệnh danh là “ngôi sao phòng vé”, hẳn anh đặt sự kỳ vọng không nhỏ cho lần hợp tác này?

Tôi luôn đặt kỳ vọng Thái Hòa cao hơn so với người khác. Thực tế, Hòa khá lớn tuổi, không thể đòi hỏi sự dẻo dai, sức bền như diễn viên trẻ. Tôi khâm phục ý chí, sự lăn xả của Hòa. Có cảnh phải quay đi quay lại cả chục lần, anh ấy luôn vượt qua.

Thái Hòa đã thực sự ăn ngủ, sống cùng nhân vật. Anh trăn trở đến mức chỉ với một động tác tháo lắp súng thôi cũng có thể tập đi tập lại hàng nghìn lần. Nói thế để thấy nam diễn viên luôn cầu toàn, mong mọi thứ phải ở mức tốt nhất dù là chi tiết nhỏ nhất.

Thái Hòa theo đánh giá của tôi là một diễn viên giỏi. Anh là một trong những diễn viên xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ các đạo diễn sẽ hạnh phúc khi được làm việc với diễn viên giỏi như thế.

Đạo diễn không áp lực trước sức ép của các phim trên thị trường.

Đạo diễn không áp lực trước sức ép của các phim trên thị trường.

- “Địa đạo” ra mắt gần thời điểm phim “Lật mặt” của Lý Hải và các phim trên thị trường. Liệu điều này có gây sức ép với anh?

Tôi nghĩ không nên để bản thân chịu thêm áp lực. Trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất, còn vị trí đạo diễn chỉ làm phim cho hay là được. (Cười)

Quan điểm của tôi khi làm phim là cứ tập trung làm tốt việc của mình, còn Trời cho hoặc khán giả thương là điều đáng quý.

Tôi hy vọng bộ phim được làm một cách chân thành và ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước sẽ chạm được tới mọi người. Ở một khía cạnh nào đó, đây cũng là tấm lòng của cá nhân tôi và ê-kíp muốn dành tặng cho khán giả.

Phim kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Phim lấy bối cảnh năm 1967, thời điểm chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt. Đội du kích 21 người do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông trở thành mục tiêu tìm và diệt số 1 của quân đội Mỹ khi nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược mới đến ẩn náu tại căn cứ.

Các cuộc liên lạc vô tuyến điện từ với nhóm tình báo bị quân đội Mỹ phát hiện và định vị, lấy đi lợi thế duy nhất của đội du kích là sự vô hình trong hệ thống địa đạo rộng khắp, phức tạp và bí ẩn.

Bộ phim là những câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính, nhưng trên hết vẫn là nghĩa vụ và sự hy sinh vì Tổ quốc.

Ngoài Thái Hòa, phim quy tụ dàn diễn viên Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Hằng Lamoon, Hoàng Minh Triết, Nhật Ý... Tác phẩm sẽ ra mắt từ 4/4/2025 - dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Ảnh, clip: ĐPCC

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bui-thac-chuyen-giac-mo-10-nam-voi-dia-dao-mong-duoc-khan-gia-thuong-2316248.html