Bụi tre nhà tôi nơi đất lành chim đậu
Hồi tôi còn nhỏ, ngay trước nhà tôi, bên bờ ao sừng sững một bụi tre rất cao to, phải đến gần trăm cây. Bụi tre cho tôi bóng mát mỗi trưa hè.
Cho dù trời nắng như thiêu như đốt, nhưng bên dưới lùm tre nhà tôi là “một vùng tiểu khí hậu”, mát chẳng khác gì Tam Đảo, Đà Lạt, Sầm Sơn; gió nồm Nam thổi hây hây, dễ chịu như trong phòng điều hòa nhiệt độ. Trưa hè, tôi vác chõng tre ra nằm dưới lùm tre, miệng nghêu ngao hát những ca khúc không bao giờ tôi thuộc trọn vẹn cả bài, rồi lăn đùng ra ngủ. Những đêm trăng sáng vằng vặc, tôi vác chõng tre ra nằm dưới lùm tre, thổi sáo, thổi cho tôi nghe, cho tôi vui, cho tôi tự sướng và có lẽ cho cả bà con làng xóm nữa. Trên trời - trăng trong, dưới đất gió thổi ngọn tre xào xạc, tiếng sáo du dương lan tỏa khắp làng cho tôi cảm giác, tôi đang ở “chốn bồng lai tiên cảnh”.
Chắc tại tre yêu tôi nhiều lắm, cho nên tre theo tôi ra tận Thủ đô. Có dịp đến thăm nhà tôi ở Hà Nội các bạn sẽ mục sở thị một bụi tre tọa lạc ngay bên cạnh nhà tôi. Tôi xem bụi tre “vô tiền khoáng hậu” này là “người bạn quê” tri kỷ của tôi. Bụi tre cho nhà tôi bóng mát mỗi trưa hè, che chở nhà tôi trước bất kỳ cơn giông bão nào, cho tôi được nghe chim trời líu lo giọng hót mỗi ban mai và đặc biệt bụi tre cho tôi cảm giác quê hương tuy xa mà gần. Chiều chiều, tôi nằm trên ghế bố xếp ngoài sân thượng đọc sách. Gió thổi nhè nhẹ, thỉnh thoảng mấy cành tre chui qua song sắt lại chạm nhẹ vào người tôi, như bảo tôi, tre làng đang ở bên tôi.
Tre gắn bó mật thiết và thân thiết với đời sống của dân làng tôi, là nguồn cung cấp hầu hết (nếu không muốn nói tất cả) đồ gia dụng có trong nhà tôi những năm kháng chiến chống Pháp, khi Thanh Hóa là “vùng tự do”, hoàn toàn tách biệt với Khu Ba bị giặc tạm chiếm. Nếu không có tre thì nhà tôi và bà con nông dân làng tôi chắc khó khăn vất vả lắm. Tôi không thể hình dung nổi, làng tôi, nhà tôi sống mà lại không có tre. Để chứng minh điều này, tôi xin kể ra đây những công dụng của tre và những đồ đạc, dụng cụ bằng tre đã có trong nhà tôi:
- Nhà tranh, tre, vách đất;
- Giường ngủ; chạn bếp, mâm tre;
- Chuồng gà, chuồng lợn, chuồng bò;
- Giàn bầu, giàn mướp, giàn su su, giàn trầu… bờ rào tre;
- Thúng, mủng, giần sàng, nong, nia;
- Rổ rá, dành, lạt buộc, rế lót nồi;
- Thuyền nan;
- Chõng tre;
- Cối xay lúa;
- Bừa, cào các loại;
- Đòn càn, đòn xóc, đòn gánh, sào phơi, giắng các loại, dây thừng;
- Cán cuốc, cán nạo, cán thuổng, cán kẹp;
- Nón lá;
- Cầu ao, cầu tiêu;
- Nơm úp cá, giỏ đựng cá, cần câu cặm, cần câu rá rô, cần câu cá ngạo, gọng vó, gọng te, trứm đơm tép;
- Gàu sòng, gàu dai;
- Đũa ăn cơm, đũa bếp. Theo tôi, đũa làm bằng tre già vẫn là vô địch mà không một loại đũa bằng chất liệu khác nào bì nổi. Đũa tre bền, chắc, dễ gắp thức ăn, dễ rửa, không ẩm mốc. Tôi gọi là “đũa sinh thái”. Đũa bếp làm bằng tre dễ đánh cơm, dễ xới cơm, dễ rửa sạch.
- Tăm tre. Đã trên 50 năm xa quê, nhưng hiện nay tre vẫn gắn bó mật thiết với tôi, tăm tre là một thí dụ như vậy. Đối với tôi, tăm tre là vật bất ly thân, lúc nào cũng kè kè trong người, cũng có sẵn trong túi, kể cả khi đi nước ngoài. Vì tăm tre tiện dụng, dẻo, dai, không bị gãy giữa chừng, khi răng tôi có nhiều ngóc ngách (tôi cực ghét tăm gỗ, hầu như không bao giờ tôi dùng tăm gỗ vì tăm gỗ dễ gãy làm tôi khó chịu, thậm chí bực mình). Lắm khi tôi còn mang tăm tre “thết đãi” các thực khách ngồi cùng mâm với tôi khi tiệc cưới, tiệc mừng sinh nhật, liên hoan, cỗ bàn… (trừ những cuộc chiêu đãi ngoại giao) đã sang “hồi kết”.
Còn một thứ của tre mà tôi rất thích, đó là nộm măng tre mà làng tôi gọi là “nham măng tre”. Măng tre vừa mới nhú lên một đoạn ngắn chừng 30cm, đem làm nộm, trộn với vừng lạc mẹ tôi trồng thì đây phải là “món khoái khẩu và tốn rượu” bậc nhất. Hồi còn ở làng, tôi rất thích món nham măng tre này. Tháng 12 năm 1970, khi tôi đi du học ở Ba Lan về, món đầu tiên mà tôi đề nghị mẹ làm cho tôi ăn chính là món “nham măng tre”. Chiều ý con trai, ngay lập tức, mẹ tôi chạy ra bụi tre ngoài bờ ao chọn củ măng to nhất, béo nhất, ngon nhất vào làm món nham. Nhà sẵn vừng sẵn lạc cho nên món nham măng tre mẹ tôi làm bữa đó giòn, thơm, bùi, cực ngon, tôi ăn liền một mạch và mãn nguyện.
Mẹ ơi, dưới suối vàng mẹ có hay, con vẫn còn nhớ món nham măng tre mẹ làm cho con ăn bữa đó đến tận bây giờ.
Có lẽ bụi tre nhà tôi là nơi thanh bình, “đất lành” cho nên chim chóc hay rủ nhau về đây làm tổ. Tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm khó quên của tôi với đôi chim chào mào làm tổ trong bụi tre trước nhà tôi. Nói chung tôi rất thích chào mào, vì chào mào đít đỏ có cái mào độc đáo, nom rất dễ thương. Hai má chào mào có mảng lông trắng và ngay phía trên mảng lông trắng này là mảng lông màu đỏ nhỏ hơn khiến cho con chim càng đẹp, càng duyên dáng, càng đáng yêu. Giọng hót của chim chào mào nghe rất vui tai, âm điệu của giọng hót lập đi lập lại này khiến tôi liên tưởng con chào mào muốn khẳng định: “thích, ta mới yêu!, thích, ta mới yêu!…”. Nghe “đôi vợ chồng” chào mào, xây tổ ấm trong bụi tre nhà tôi, bạn “tâm giao”của tôi, líu lo giọng hót mỗi ban mai, khi tôi vừa ngủ dậy, tôi có cảm giác đó là bài ca “chào ngày mới” mà các “bạn chim” của tôi muốn tặng tôi.
Tôi lấy làm thích thú mỗi khi ngồi trước nhà quan sát con chào mào trống ve vãn con chào mào mái trên cành tre. Nó si tình một cách ngộ nghĩnh, nom rất đáng yêu. Con đực cúi đầu, đuôi nhâm nhấp và cánh rũ xuống ra chiều đang hưng phấn, đang ham muốn. Hình như nó đang vẫy gọi con mái, bảo rằng: Lại đây với “anh”, “em” yêu, hai chúng mình “đạp mái!”.
Quan sát, tôi thấy tổ chim chào mào hình chiếc cốc kết bằng cành cây nhỏ, rễ cây, lá cây khô... Chim non nằm trong tổ được chim bố và chim mẹ chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Chim mẹ đi kiếm mồi thì chim bố túc trực ngay bên tổ để bảo vệ con và ngược lại. Tình mẫu tử của chim chào mào chẳng khác gì con người. Nhìn con chim chào mào mẹ mớm mồi cho con chim chào mào non cổ giương cao, miệng há to, ta hoàn toàn có thể khẳng định điều này.
Chào mào cho tôi ấn tượng đẹp còn là vì tên gọi của loài chim này cũng là tên gọi của chiếc mũ vải đội đầu của các đội viên đội thiếu nhi làng tôi, trong đó có tôi, mỗi khi đi cắm trại: “mũ chào mào”. Thích lắm, mỗi chúng tôi tựa hồ “một chú chào mào non” nói được tiếng người.
Hiện nay, nhà hàng xóm của tôi ở phố Thái Hà, Hà Nội có nuôi mấy lồng chim chào mào. Sáng sáng, nghe chim hót, tôi lại thấy nhớ nhà, nhớ làng, nhớ “vợ chồng” đôi chim chào mào làm tổ trong bụi tre nhà tôi năm nào.
Tiếng chim chào mào bên nhà hàng xóm cũng đã cho tôi cái tứ làm bài thơ Tiếng chim bên hàng xóm, nỗi niềm của tôi đối với những con chim bị nhốt trong lồng:
Cứ mỗi buổi ban mai
Tiếng chim bên hàng xóm
Trong chiếc lồng sơn son
Hót nỉ non gọi bạn
Còn đâu bầu trời rộng
Còn đâu rừng mênh mông
Còn đâu suối và sông
Trong cái lồng chật hẹp
Dù nhà sang cửa đẹp
Chẳng phải đi kiếm mồi
Sao sánh nổi cuộc đời
Sải cánh nơi rừng núi
Thảng thốt mỗi ban mai
Nhớ đàn chim lại hót
Ước gì tôi có phép
Sang, tháo lồng, chim bay.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bui-tre-nha-toi-noi-dat-lanh-chim-dau-n168017.html