Được thông xe từ năm 2020, đường hầm Eysturoyartunnilin trị giá 166 triệu USD là khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất từng được thực hiện trên quần đảo Faroe. Theo CGTN, mạng lưới đường hầm và bùng binh được kỹ sư Tronsdur Patursson thiết kế giống hình dạng con sứa. Khu vực trung tâm nổi bật với các tác phẩm điêu khắc và hệ thống ánh sáng.
Hệ thống đường hầm dài 11 km giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ thủ đô Torshavn đến Runavik từ 1 giờ 14 phút xuống còn 16 phút. Điểm sâu nhất của đường hầm là 187 m so với mực nước biển. Teitur Samuelsen, Giám đốc điều hành của Estunlar - công ty xây dựng đường hầm thừa nhận đây là một dự án khó về mặt kỹ thuật.
Hệ thống đường hầm được xây dựng trong 3 năm. Để an toàn cho những người sử dụng, nhà thầu phải đảm bảo độ dốc lớn nhất không vượt quá 5%.
Các phương tiện giao thông đi qua tuyến đường này đều phải trả phí. Người dân địa phương có thể đăng ký theo gói giúp tiết kiệm chi phí. Với công trình này, 90% dân số trên quần đảo có thể di chuyển một cách dễ dàng hơn giữa các đảo.
Quần đảo Faroe là chuỗi 18 hòn đảo lớn nhỏ ở Bắc Đại Tây Dương. Hoạt động xây dựng đường hầm xuyên qua những ngọn núi dốc trên quần đảo đã diễn ra từ những năm 1960. Hiện, quần đảo sở hữu 19 đường hầm.
Hvalbiartunnilin là đường hầm lâu đời nhất trên quần đảo này. Tuyến đường được xây dựng từ năm 1961, với chiều dài 1.450 m cùng một làn xe. Do diện tích làn đường hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, chính quyền địa phương đã xây dựng lại và thông xe trong tháng 5. Trong hình là tuyến đường hầm trước khi được xây mới.
Hiện Đan Mạch đang xây dựng tuyến đường hầm vượt biển dài nhất thế giới nối nước này với Đức. Đường hầm có tên chính thức là Fehmarnbelt Fixed Link với chiều dài 18 km, là một trong những dự án xây dựng lớn nhất châu Âu với ngân sách lên đến 8,2 tỷ USD. Đường hầm sẽ là sự kết hợp đường bộ và đường sắt, bao gồm 2 đường ô tô 2 làn, được ngăn cách bởi lối đi cho người đi bộ và 2 đường ray.
Quỳnh Anh
Tổng hợp