'Bứng' chợ tự phát khỏi trung tâm thành phố
TPHCM có hàng trăm chợ tự phát lớn nhỏ nằm rải rác khắp các quận, huyện. Kế hoạch giải tỏa chợ tự phát được thành phố triển khai từ rất nhiều năm, song không phải địa phương nào cũng thực hiện có hiệu quả. Tính đến nay, quận 1 là một trong những địa phương hiếm hoi giải tỏa thành công nhiều chợ tự phát tồn tại hàng chục năm trên địa bàn.
Trả lại diện mạo đẹp cho khu trung tâm
Cách khu phố Tây sầm uất một con đường (Trần Hưng Đạo), chợ tự phát Cô Giang (phường Cầu Ông Lãnh và phường Cô Giang) là một “thế giới” khác hẳn, ồn ào và nhếch nhác. Vài tháng trước đây, hàng trăm quầy, sạp còn chen nhau bung ra vỉa hè, lòng đường Cô Giang (từ đường Nguyễn Thái Học đến đường Hồ Hảo Hớn) và đường Đề Thám (từ đường Trần Hưng Đạo đến gần đường Võ Văn Kiệt), không chỉ làm thu hẹp lòng đường mà còn làm mặt đường xói lở vì quanh năm hứng chịu nước thải của các hàng quán.
Có hơn 10 năm sinh sống ở khu Cô Bắc - Cô Giang, bà Nguyễn Thị Nhung vốn quen với cảnh sáng mở mắt ra là thấy sự ồn ào và hỗn loạn từ các phương tiện giao thông đặc trưng của chợ tự phát. Sau thời gian chuyển đi nơi khác sinh sống, gần đây trở lại nơi ở cũ, bà không khỏi ngạc nhiên với sự đổi thay khó tin được của khu vực này. “Bữa nay đường sá thoáng đãng, đẹp lắm. Quận 1 dẹp được chợ này, diện mạo cả khu cũng sáng sủa hơn”, bà Nhung phấn khởi.
Là người dân sinh sống từ thời chợ Cô Giang mới hình thành, dù bước ra cửa là mua được thực phẩm trong ngày nhưng bà Nguyễn Mỹ Hạnh (ngụ đường Cô Bắc) vẫn thấy không hài lòng với việc chợ tự phát mọc lên giữa phố, lúc nào cũng nghe mùi tanh nồng của cá, tôm, các loại rau củ hư hỏng và cả nước thải, rác rến ngập ngụa. Bà Hạnh chia sẻ: “So với khu trung tâm thì vỉa hè, đường sá ở đây khá rộng rãi, nhưng phải đến chiều mới thấy, bởi từ sáng tới quá giờ trưa, hàng trăm quầy rau, thịt, cá, xe đẩy hàng rong tràn xuống lòng đường cả mét. Giờ đi chợ xa hơn, cư dân chúng tôi cũng chấp nhận vì môi trường sống sạch sẽ, yên tĩnh hơn trước”.
Tương tự, một năm nay, hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng (phường Bến Thành) cũng đã có diện mạo khác hẳn. Sáng sớm, bước ra hẻm tưới giàn leo ở cổng nhà rồi khởi động vài động tác thể dục, ông Trần Vũ Duy cho biết trước đây, ngay tại vị trí ông đứng là quầy bán cá sống. Khi đó, mỗi tháng ông cũng nhận được chút tiền thuê chỗ ngồi của tiểu thương nhưng cuộc sống rất bí bách.
“Nội chuyện đi đâu phải dùng đến xe đã rất vất vả chứ không mơ có ngày được thảnh thơi tưới cây, tập thể dục ngay trước cổng nhà. Vậy mà giờ cô nhìn xem, hàng chục quầy sạp của chợ tự phát ở đây đã dọn đi, trả lại sự sạch sẽ cho con hẻm vốn bị chiếm dụng hơn 20 năm qua, cũng là trả lại sự bình yên cho chúng tôi”, ông Duy hồ hởi khoe.
Hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân
Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết chợ Cô Giang hình thành từ năm 1994, có 349 hộ tiểu thương, hoạt động kinh doanh ở hai bên lề đường Cô Giang, Đề Thám từ 5 giờ đến 13 giờ. Chợ này không có nhà lồng, sạp chợ, không có hệ thống xử lý rác, nước thải… đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, giao thông tại khu vực.
Hiện quận 1 chỉ còn chợ Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé) chưa giải tỏa được như kế hoạch. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết do còn vướng kế hoạch hỗ trợ khi giải tỏa chợ này. Quận 1 đã trình phương án hỗ trợ mới nhất và đang chờ UBND TPHCM phê duyệt để tiến hành giải tỏa.
Trước thực trạng trên, năm 2003, UBND quận 1 có chủ trương quy hoạch chợ lề đường Cô Giang theo hướng co cụm, dần tiến đến giải tỏa. Thông tin này cũng thường xuyên được báo cho người dân. Đến năm 2017, UBND quận 1 tiến hành các thủ tục nhằm giải tỏa dứt điểm tình trạng kinh doanh tại khu vực này.
“Một khu chợ tồn tại đã hơn 25 năm với hàng trăm hộ kinh doanh, việc tuyên truyền, vận động và thủ tục giải quyết không đơn giản nên các ban ngành ở phường, quận mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ngay khi Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị 19 về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, UBND quận 1 đặt mục tiêu đến 1-10-2019 chợ Cô Giang phải ngưng hoạt động”, ông Lưu Trung Hòa cho hay.
Đến nay, 100% các hộ kinh doanh đều đã ngưng hoạt động. UBND quận 1 đã hỗ trợ các hộ với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng, nhiều hộ còn được quận hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề để ổn định cuộc sống.
UBND quận 1 cũng thông tin, cuối năm 2018, toàn bộ 81 hộ kinh doanh tại chợ hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng đều ngưng hoạt động. Trợ giúp các hộ ổn định cuộc sống, quận đã cấp 4 hộ với số tiền 35 triệu đồng/hộ để chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ 67 hộ khác số tiền 20 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, UBND quận 1 cũng rà soát, giới thiệu 35 điểm kinh doanh còn trống tại chợ Tân Định và chợ Đa Kao cho các tiểu thương chợ hẻm 41 Nguyễn Văn Tráng lựa chọn, đăng ký thuê nếu có nhu cầu tiếp tục kinh doanh. Trước đó, năm 2009, quận 1 cũng đã giải tỏa thành công chợ Nancy trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho) với 169 hộ kinh doanh.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bung-cho-tu-phat-khoi-trung-tam-thanh-pho-637128.html