Bùng nổ dịch vụ truyền hình trực tuyến: Xu hướng và đòi hỏi từ thực tế
Với sự bùng nổ của dịch vụ truyền hình trực tuyến theo đăng ký, số lượng phim mà công chúng Việt Nam có thể tiếp cận sẽ vô cùng lớn, khó kiểm soát về nội dung. Điều này đòi hỏi Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải có những quy định quản lý hiệu quả, phù hợp thực tế.
Xu hướng phát triển mạnh mẽ của dịch vụ truyền hình trực tuyến đòi hỏi phải có biện pháp quản lý phù hợp.
Xu hướng mới
Theo thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ đầu tháng 10-2021, 14 kênh truyền hình nước ngoài sẽ dừng phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Trong số đó có một số kênh được khán giả yêu thích như: Fox Movies, Fox Family Movies, Fox Action Movies, Disney Channel... Mặc dù chưa có thông tin chính thức song theo dự đoán, các kênh này có thể chuyển sang hình thức dịch vụ truyền hình trực tuyến theo đăng ký giống như Netflix.
Rõ ràng, phát hành phim dưới dạng truyền hình trực tuyến theo đăng ký đang là xu hướng của thế giới. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối năm 2020, truyền hình trả tiền qua internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 1 triệu thuê bao tại Việt Nam, doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Nếu có thêm sự tham gia của các “đại gia” sản xuất và phát hành nội dung mới như kể trên, con số này sẽ còn tăng lên đáng kể trong thời gian tới.
Sự bùng nổ của kênh phát hành phim trực tuyến thông qua các nền tảng xuyên biên giới đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, trong đó có vấn đề quản lý nội dung. Tại diễn đàn Quốc hội vào tháng 11-2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn như việc đưa những bộ phim phản ánh sai trái lịch sử chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; có nội dung bạo lực, khiêu dâm... Thực tế này cho thấy, việc quản lý nội dung phim trên các nền tảng truyền hình trực tuyến xuyên biên giới, cũng như phát hành phim trên không gian mạng nói chung, là hết sức cần thiết.
Tiền kiểm hợp lý, tăng cường hậu kiểm
Thời gian qua, vấn đề quản lý phim phát hành trên mạng internet được các nhà quản lý, chuyên gia bàn thảo khá kỹ trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), và vấn đề này tiếp tục được “làm nóng” tại hội thảo trực tuyến “Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây.
Đặc biệt, sáng 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về nội dung này trong Luật Điện ảnh (sửa đổi). Việc đưa nội dung này vào Luật Điện ảnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết để “lấp đầy khoảng trống pháp lý”, như ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) từng nhận định: “Quy định về phổ biến phim trên không gian mạng còn có khoảng trống. Luật Điện ảnh và các luật liên quan dẫn chiếu đều không tìm ra quy định này”.
Tuy nhiên, quản lý như thế nào cho phù hợp với xu hướng và thực tế tại Việt Nam lại là câu hỏi không dễ trả lời. Hai phương án tiền kiểm và hậu kiểm được đưa ra bàn thảo, trong đó nhiều ý kiến nghiêng hơn về việc để doanh nghiệp phát hành tự chịu trách nhiệm thẩm định, phân loại phim.
Theo đó, phim phát hành trên không gian mạng chỉ cần đảm bảo không vi phạm các điều cấm, phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim theo quy định và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (Điều 19). Với số lượng phim khổng lồ trên mạng, phương án các đơn vị cung cấp dịch vụ tự phân loại phim được đánh giá là phù hợp với thực tế và xu thế phát triển.
“Vấn đề chính là công tác thanh tra, kiểm soát, hậu kiểm của chúng ta phải được quan tâm, đổi mới, chuyên nghiệp hóa sâu và nâng cao chất lượng" - ông Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhận định.
Nhằm tránh để lọt những phim vi phạm pháp luật, không phù hợp với văn hóa Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu ý kiến cần phải kết hợp tiền kiểm hợp lý và nhấn mạnh hậu kiểm là chủ yếu.
Rõ ràng xu hướng phát triển các kho phim trực tuyến đang mở ra cho công chúng Việt cơ hội tiếp cận kho phim khổng lồ của thế giới, nhưng cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý cũng như các biện pháp đi kèm nhằm đảm bảo cho người dân được tiếp cận, thưởng thức các tác phẩm hấp dẫn, an toàn, lành mạnh.