Bùng nổ nhu cầu học tiếng Trung ở Trung Đông
Saudi Arabia, quốc gia Arab lớn nhất ở Trung Đông, vừa đưa tiếng Trung thành môn học bắt buộc trong tất cả trường trung học công lập và tư thục. Không chỉ ở Saudi Arabia, việc tiếng Trung được đưa vào giảng dạy chính thức trong các trường học ở khu vực Trung Đông là kết quả từ nỗ lực thúc đẩy văn hóa toàn cầu của Bắc Kinh.
Trên South China Morning Post, Ma Yongliang-người đã mở một trung tâm tiếng Trung ở Riyadh hồi tháng 10 năm ngoái và tháng trước mở thêm trung tâm thứ hai tại Jeddah cho hay, việc thông thạo tiếng Trung có ý nghĩa quan trọng trong kỷ nguyên mới: “Trung Quốc là một cường quốc mới nổi khó có thể bỏ qua, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phát triển thế giới và tái lập trật tự toàn cầu... Nếu bạn muốn giao dịch, hợp tác với Trung Quốc thì biết tiếng Trung là một kỹ năng thiết yếu”.
Với lợi thế là ngôn ngữ mẹ đẻ của khoảng 1,4 tỷ người, tiếng Trung trở thành ngôn ngữ phổ biến nhất hành tinh. Trung tâm của ông Ma ở Riyadh đã có khoảng 50 học viên đăng ký dài hạn, còn trung tâm mới mở ở Jeddah cũng đã có 20 học viên ghi danh.
Việc đưa tiếng Trung vào giảng dạy chính thức ở các trường học tại Saudi Arabia nằm trong thỏa thuận được ký kết năm 2019 trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thái tử Mohammed bin Salman. Thỏa thuận này đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy văn hóa toàn cầu của Trung Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đang giành một lợi thế quan trọng bằng cách phát huy “sức mạnh mềm” ở Trung Đông.
Jeffrey Gil, giảng viên cao cấp của Đại học Flinders ở Melbourne (Australia), tác giả cuốn sách “Sự trỗi dậy của tiếng Trung như một ngôn ngữ toàn cầu: Triển vọng và trở ngại”, lý giải rằng mối quan tâm đến việc học ngoại ngữ thường tỷ lệ thuận với các xu hướng địa chính trị.
Còn theo giáo sư Fan Hongda, Viện Nghiên cứu Trung Đông của Đại học quốc tế Thượng Hải, mối quan tâm học tiếng Trung ngày càng tăng phản ánh mối quan hệ ngoại giao đang bùng nổ giữa Trung Quốc và khu vực vốn là “sân sau” và từng chịu ảnh hưởng của Mỹ. Theo ông, dù cố ý hay không thì ngôn ngữ vẫn là một công cụ quyền lực mềm quan trọng có thể được sử dụng để tạo ra câu chuyện và hình ảnh tích cực về đất nước sở hữu ngôn ngữ đó.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên đưa tiếng Trung vào hệ thống giáo dục quốc gia. Theo số liệu từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Abu Dhabi, với sự giúp đỡ của Bắc Kinh, UAE đã bắt đầu chương trình dạy tiếng Trung tại 100 trường học vào năm 2019 và mở rộng tới 158 trường vào năm ngoái.
Năm 2020, Ai Cập đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc để chọn tiếng Trung làm môn ngoại ngữ hai ở cấp tiểu học và trung học. Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi-người có chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào tháng 2-đã thông qua luật bổ sung tiếng Trung vào danh sách các môn ngoại ngữ được dạy trong trường học trên cả nước.
South China Morning Post nhận định, ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông chưa bao giờ rõ ràng hơn thế. Tháng 12 năm ngoái, khi nước này còn chưa dỡ bỏ phong tỏa vì Covid-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Riyadh tham dự Hội nghị thượng đỉnh Arab-Trung Quốc cùng lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh. Ba tháng sau, Bắc Kinh khiến cả thế giới ngạc nhiên khi làm trung gian thành công cho một thỏa thuận giúp khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran. Tiếp đó là một loạt hoạt động nối lại quan hệ trong khu vực bị xung đột tàn phá, bao gồm cả việc làm ấm lại quan hệ ngoại giao giữa Iran với Morocco, Iran với Ai Cập, UAE với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ với Ai Cập... tất cả đều có bóng dáng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Điều đó phần nào có thể lý giải vì sao nhu cầu học tiếng Trung đang bùng nổ ở khu vực Trung Đông.