Bùng nổ sản xuất chip gây 'sốt' bất động sản ở Đài Loan

Giá nhà ở Đài Loan đang tăng nóng cùng với kế hoạch mở rộng công suất của các nhà sản xuất chip quan trọng nhất thế giới, bao gồm TSMC. Các kỹ sư được trả lương cao tại các nhà sản xuất chip lớn ở hòn đảo này đã lái thị trường bất động sản đi ngược xu hướng suy thoái toàn cầu.

Các khu chung cư ở thành phố Tân Trúc, một trung tâm sản xuất công nghệ nằm ở phía bắc Đài Loan. Ảnh: Bloomberg

Các khu chung cư ở thành phố Tân Trúc, một trung tâm sản xuất công nghệ nằm ở phía bắc Đài Loan. Ảnh: Bloomberg

Không nơi nào tác động kinh tế của ngành công nghiệp chip đối với thị trường nhà ở rõ ràng hơn ở thành phố Tân Trúc, trung tâm công nghệ chính của Đài Loan, nằm cách Đài Bắc 30 phút đường sắt cao tốc về phía nam. Các khu chung cư cao cấp đang được xây dựng gần Công viên Khoa học, khu công nghiệp ở phía bắc thành phố, nơi đặt trụ sở của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, TSMC và các công ty bán dẫn khác.

Theo dữ liệu từ nhà môi giới bất động sản Sinyi Realty, giá nhà ở Tân Trúc tăng 99% trong 5 năm qua, gần gấp ba lần so với tốc độ tăng giá nhà trung bình của Đài Loan. Các lo ngại về suy thoái toàn cầu cùng với làn sóng sa thải trong ngành công nghệ ở Mỹ và những nơi khác không làm hạ nhiệt cơn sốt bất động sản ở hòn đảo này. Trong 3 tháng cuối năm 2022, giá nhà ở Tân Trúc tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Để so sánh, giá nhà ở San Francisco, một trung tâm công nghệ ở Mỹ, giảm 6,7% trong cùng kỳ.

Giá cả nhà đắt đỏ là một vấn đề đau đầu đối với chính quyền Đài Loan, vốn đã phải vật lộn trong nhiều năm để kiềm chế thị trường bất động sản trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục. Ngân hàng trung ương Đài Loan cảnh báo giá nhà cao làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo ở Đài Loan. Cơn bùng nổ bất động sản đang lan xuống miền nam Đài Loan, nơi giá nhà thường rẻ hơn, càng làm gia tăng sự bất mãn của công chúng.

Theo Cục Thống kê Đài Loan, một kỹ sư mới bắt đầu làm việc tại TSMC hoặc một đối thủ cạnh tranh kiếm được khoảng 1 -2 triệu Đài tệ (33.000-66.000 đô la) mỗi năm, gấp khoảng 2-4 lần mức lương trung bình ở Đài Loan. Sự giàu có ở Tân Trúc được phô trương qua những khu mua sắm cao cấp và các nhà hàng gắn sao Michelin. Vào cuối tuần, người mua sắm ở Tân Trúc đổ xô đến các phòng trưng bày xe của Tesla hoặc BMW hoặc đi xem các dự án phát triển nhà ở mới.

“Tôi đã đi xem các bất động sản từ năm 2013 khi tôi mới bắt đầu làm việc ở Tân Trúc. Bốn năm trước, tôi nghĩ rằng giá nhà vẫn còn quá cao nên không mua. Bây giờ giá nhà ở đây đã tăng gần gấp ba”, Johnny Chung, 33 tuổi, cựu kỹ sư của TSMC, hiện là giám đốc kỹ thuật của nhà sản xuất hóa chất DuPont de Nemours, nói.

Chung, người đã mua một căn hộ trước khi bán với giá 1,3 triệu Đài tệ, cho biết săn lùng nhà cửa là một thú tiêu khiển phổ biến ở Tân Trúc vì thành phố khan hiếm các dịch vụ giải trí. “Các kỹ sư của Tân Trúc có rất nhiều tiền nhưng không có nơi nào để tiêu”, anh nói.

Trong khi chính phủ ở các nơi khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Hàn Quốc, tìm cách kích thích thị trường bất động sản do giá giảm mạnh, thì chính quyền Đài Loan lại làm điều ngược ngược lại. Hồi tháng 1, cơ quan lập pháp của Đài Loan đã thông qua Đạo luật bình đẳng hóa quyền sử dụng đất để hạn chế đầu cơ và kim hãm giá nhà. Luật này, có thể có hiệu lực vào nửa đầu năm 2023, cấm bán lại những ngôi nhà đã mua ở giai đoạn dự án chưa hoàn thành và lan truyền thông tin sai lệch để “thổi” giá nhà.

Sarah Lin, 27 tuổi, nhân viên của một trung tâm mua sắm lớn nhất ở Tân Trúc, nói: “Việc mua bất động sản mới ở Tân Trúc giờ đây giống như giấc mơ viển vông đối với chúng tôi, những người không phải là kỹ sư tại Công viên Khoa học”.

Cơn bùng nổ bất động sản hiện đang lan rộng ra bên ngoài Tân Trúc cùng với kế hoạch mở rộng công suất của TSMC và các công ty sản xuất chip khác. Cao Hùng và Đài Nam ở phía nam Đài Loan là hai thành phố có giá nhà tăng mạnh nhất sau Tân Trúc. Trong vài năm qua, cả hai thành phố này chứng kiến làn sóng đổ bộ của các công ty công nghệ và nhà máy nhờ các chính sách hỗ trợ của chính quyền.

“Trước đây, khi chúng ta nói về tình trạng giá nhà tăng chóng mặt, tất cả đều nói về Đài Bắc”, Henry Chin, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á- Thái Bình Dương của hãng tư vấn bất động sản CBRE Group, nói. Nhưng hiện tại, các trung tâm sản xuất mới thành lập của TSMC tại Đài Nam và Cao Hùng đang thúc đẩy giới nhà đầu tư chuyển xuống phía nam để tìm kiếm cơ hội, ông cho biết thêm.

Giá nhà ở Đài Nam đã tăng gần 9% trong quí cuối năm 2022 trong khi giá nhà ở Cao Hùng tăng 14%, theo Sinyi Realty.

TSMC đã nâng cao công suất tại Đài Nam kể từ năm 2020 và bắt đầu sản xuất hàng loạt chip cao cấp, có kích cỡ 3 và 5 nanometer tại các nhà máy ở đây, giúp tạo ra thêm 9.000 việc làm. Điều đó đã thu hút các công ty khác cũng mở rộng hoạt động tại Công viên Khoa học Nam Đài Loan ở Đài Nam với tham vọng tái tạo thành công của Công viên Khoa học ở Tân Trúc. Theo báo cáo nghiên cứu của Hsin Yuan Business Rehouse, kế hoạch mở rộng công suất của TSMC dự kiến tạo ra thêm 18.000 việc làm, chỉ riêng ở Đài Nam, gấp đôi dân số đang làm việc hiện tại ở thành phố này.

Tony Lin, 33 tuổi, người gốc Đài Nam, làm việc trong lĩnh vực quảng cáo ở Đài Bắc, cho dự định làm việc chăm chỉ trong 5-7 năm, tiết kiệm một số tiền, sau đó trở về quê hương mua một căn nhà và bắt đầu kết hôn. Nhưng hiện tại, anh cho biết anh có thể anh không đủ tài chính để mua nhà ở Đài Nam.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bung-no-san-xuat-chip-gay-sot-bat-dong-san-o-dai-loan/