Bùng nổ taxi điện mini giá siêu rẻ

Ô tô điện mini đang được nhiều hãng taxi lựa chọn nhờ chi phí đầu tư thấp, vận hành tiết kiệm và khả năng thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, do kích thước nhỏ, loại xe này cũng bộc lộ một số hạn chế.

Nhiều hãng taxi chọn ô tô điện

Sự xuất hiện của phân khúc ô tô điện mini với hai cái tên đầu tiên gia nhập thị trường là Wuling Mini EV và VinFast VF 3 nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng. Không chỉ thu hút khách hàng cá nhân, nhiều doanh nghiệp taxi bắt đầu lựa chọn loại xe này để kinh doanh dịch vụ vận tải.

Đội xe taxi điện mini của Let's Go Taxi tại Phú Yên.

Đội xe taxi điện mini của Let's Go Taxi tại Phú Yên.

Đơn cử có Let's Go Taxi, thương hiệu của Công ty CP Let's Go An Bình. Tháng 5/2024, hãng tung ra dịch vụ taxi điện giá rẻ tại Tuy Hòa (Phú Yên), sử dụng dòng xe Mini EV. Đầu tháng 8, công ty thông báo mua 600 chiếc VF 3 nhằm phục vụ chiến lược phát triển tại Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên.

TOGO cũng là một trong những hãng sớm tham gia vào lĩnh vực vận chuyển bằng xe điện giá rẻ. Chỉ ít ngày sau khi chính thức thành lập đầu tháng 6, công ty mua 2.000 chiếc Mini EV để kinh doanh tại TP.HCM và các địa phương khác. Tháng 7 vừa qua, TOGO tiếp tục công bố ký thỏa thuận mua dàn xe VF 3 từ VinFast.

Mới đây, hãng Taxi 123 Bắc Ninh cũng đã đưa VinFast VF 3 vào hoạt động trên địa bàn Bắc Ninh và các vùng lân cận. Cùng đó là thông báo tuyển dụng tài xế với tỷ lệ ăn chia hấp dẫn như hưởng tới 60% tổng doanh thu, nhận khoán xe chỉ 290.000 đồng/ngày, đảm bảo thu nhập từ 10 - 18 triệu đồng/tháng.

Xanh SM, hãng taxi thuần điện hiện chiếm gần 20% thị phần trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, cũng đang rục rịch đưa đội xe VinFast VF 3 vào khai thác.

Anh Nguyễn Quyền, một tài xế Xanh SM Bike tại Hà Nội cho biết, hãng đang có chương trình hỗ trợ chuyển đổi sang VF 3 để chạy dịch vụ dành riêng cho các tài xế xe máy. Các tài xế Xanh SM Bike chỉ cần trả trước 24 triệu đồng và trả góp trong 3 năm với lãi suất cố định 5%/năm.

Giá cước rẻ bằng một nửa

Một trong những lợi thế cạnh tranh của dịch vụ vận chuyển bằng ô tô điện mini là giá cước thấp hơn đáng kể so với taxi truyền thống.

Như Let's Go Taxi hiện áp dụng mức cước 8.000 đồng/km cho cả km đầu tiên (giá mở cửa) và các km tiếp theo, chỉ bằng phân nửa so với mức giá cước trung bình của taxi truyền thống tại Phú Yên (16.000 đồng/km).

Trong khi đó, giá cước cho xe điện VinFast VF 3 của Taxi 123 Bắc Ninh là 9.000 đồng/km (đi một chiều) và 5.800 đồng/km (đi khứ hồi). Tham khảo một số hãng taxi truyền thống tại Bắc Ninh, giá cước cho 25km đầu tiên dao động từ 11.500 - 14.500 đồng/km.

Bên cạnh vận chuyển khách theo từng cuốc xe, một số hãng còn dùng ô tô điện mini để cung cấp các dịch vụ đưa đón trọn gói, giao hàng hay cho thuê xe tự lái.

Đơn cử TOGO với dịch vụ đưa đón trẻ tới trường, đưa đón công sở, đưa đón cá nhân/gia đình. Giá cước trọn gói từ 3 triệu đến gần 19 triệu đồng/tháng, tùy theo loại dịch vụ, quãng đường di chuyển và số tiếng phục vụ mỗi ngày. Theo tính toán từ hãng, giá cước quy đổi cho các dịch vụ này chỉ khoảng từ 5.200 - 6.500 đồng/km.

Theo ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT Công ty taxi Én Vàng - doanh nghiệp đang có 600 taxi điện tại Hải Phòng, dự kiến đầu năm 2025 đơn vị sẽ đưa hơn 100 chiếc VF 3 vào kinh doanh taxi nhằm phủ kín các phân khúc. Mục tiêu là cung cấp cho khách hàng một dịch vụ "siêu tiết kiệm nội đô".

Phù hợp với những chuyến đi ngắn

Có giá cước rẻ và góp phần bảo vệ môi trường, tuy nhiên taxi điện mini cũng tồn tại những hạn chế.

Ô tô điện mini VinFast VF 3 được dùng làm xe taxi tại Bắc Ninh.

Ô tô điện mini VinFast VF 3 được dùng làm xe taxi tại Bắc Ninh.

Từng sử dụng dịch vụ này, anh Nguyễn Văn Nghiên (Bắc Ninh) nhận xét, do kích cỡ nhỏ nên không gian bên trong sẽ chật chội nếu chở nhiều người, việc ra/vào hàng ghế sau bất tiện vì xe chỉ có 2 cửa và phải gập ghế trước. Tuy nhiên, nếu chỉ đi một mình thì tiện lợi, tiết kiệm chi phí.

Theo anh Trần Văn Hùng, tài xế taxi điện tại Hà Nội, ô tô điện mini dùng làm taxi khó đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng: "Quãng đường đi được mỗi lần sạc đầy ngắn, cốp xe rất nhỏ nên sẽ mất những cuốc khách đi đường dài hoặc lên sân bay".

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các mẫu ô tô điện mini như Wuling Mini EV hay VinFast VF 3 đều đã được cấp chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, do đó đủ điều kiện tham gia giao thông tại Việt Nam và kinh doanh taxi. Tuy nhiên sẽ có những hạn chế về không gian, tính năng, hay số lượng khách và hàng hóa có thể chở.

Hạn chế lớn nhất của ô tô điện mini khi dùng làm taxi là phạm vi di chuyển ngắn, nếu chạy đường dài sẽ cần thêm cả thời gian sạc.

Đổi lại, taxi điện mini có những lợi thế như không phát thải ra môi trường, giá xe rẻ và chi phí vận hành thấp giúp giảm giá cước, cũng như giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh hơn.

Lãnh đạo Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Bắc Ninh) cho biết, các xe điện mini đều có giấy xuất xưởng, được cấp kiểm định phương tiện, đủ điều kiện lưu hành và kinh doanh vận tải taxi theo quy định hiện hành. Đây là xu thế mới, cần được khuyến khích và nhân rộng.

Theo số liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có khoảng 75.000 xe taxi và chạy dịch vụ các loại. Riêng ô tô thuần điện chiếm xấp xỉ 40% với gần 30.000 chiếc, chủ yếu là các dòng xe VinFast.

Lộ trình chuyển đổi xanh theo Quyết định 876/QĐ-TTg cũng nêu rõ: Từ năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện và năng lượng xanh (NLX), trước khi 100% phương tiện giao thông đường bộ chuyển sang dùng điện và NLX vào năm 2050.

Thương Nguyễn

Tứ Đức

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/bung-no-taxi-dien-mini-gia-sieu-re-192241107222717901.htm