Bùng nổ tranh cãi về tiêu chí chấm giải mới Phim xuất sắc Oscar
Theo quy định mới, Phim xuất sắc Oscar phải ít nhất một trong diễn viên chính hoặc thứ chính phải là người châu Á, gốc Phi, Trung Đông hay thuộc các dân tộc thiểu số.
Ngày 8/9, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đưa ra bốn tiêu chí chấm giải Phim xuất sắc Oscar, gồm: A dành cho diễn viên và nội dung phim, B đề cập đến nhà sản xuất, đạo diễn, giám sát kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng và người làm tạo hình nhân vật như thợ trang điểm, tạo mẫu tóc. Tiêu chí C dành cho thực tập sinh trong đoàn phim, D là về người phát hành.
Để được tranh giải, tác phẩm phải đáp ứng hai trong bốn tiêu chí. Bộ tiêu chí có hiệu lực vào Oscar lần 96 (năm 2024), là điều kiện phụ đánh giá các đề cử giải năm 2022 - 2023. Các tác phẩm tranh Oscar 2021 sẽ không bị ảnh hưởng.
Cụ thể, 30% diễn viên, tình tiết phim phải có hai trong bốn phân loại: phụ nữ, LGBTQ+, người từ nhiều sắc tộc và người khuyết tật. Ngoài ra, ít nhất một trong diễn viên chính hoặc thứ chính phải là người châu Á, gốc Phi, Trung Đông hay thuộc các dân tộc thiểu số. Đội ngũ sản xuất phim cũng phải đáp ứng yêu cầu này.
Theo New York Times, bộ tiêu chí (Academy Inclusion Standards) là bước khởi đầu trong chiến dịch Academy Aperture 2025 - thúc đẩy sự đa dạng giới, sắc tộc trong ngành công nghiệp điện ảnh.
New York Times đánh giá, Oscar đưa ra tiêu chí mới về đa dạng sắc tộc, giới tính nhằm xoa dịu tranh cãi về cách chấm giải trước đây. Vào năm 2015, đề cử diễn viên xuất sắc đều là người da trắng, mặc dù có phim về người da màu - Selam (tranh giải Phim hay nhất).
Sau đó, Oscar bị tẩy chay, nữ luật sư April Reign lập ra hastag #OscarsSoWhite, tạo diễn đàn cho khán giả góp tiếng nói bất bình. Vì vậy, Viện Hàn lâm đưa ra mục tiêu tăng gấp đôi số thành viên là phụ nữ, người thuộc các chủng tộc ít người vào năm 2016.
Hồi tháng 6, viện mời 819 nghệ sĩ từ 68 quốc gia làm thành viên, trong đó, có phân nửa là phụ nữ. Nhưng kết quả không như mong đợi, số người da màu, phụ nữ chiếm ít, chỉ một phần ba trong ban chấm giải. Vì thế, tiêu chuẩn mới lập ra để tăng sự đa dạng dân tộc, giới tính trên màn ảnh và nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực điện ảnh.
Theo trang web của Viện Hàn lâm, Academy Inclusion Standards thể hiện nỗ lực của Oscar - mở rộng tầm nhìn, nhìn nhận những tài năng chưa được khám phá. Ban tổ chức không áp đặt cách làm phim mà định nghĩa lại Phim xuất sắc là như thế nào. Với bốn tiêu chí, Oscar khẳng định giải thưởng này là công sức của một tập thể, không phải của riêng đạo diễn.
Nhà sản xuất DeVon Franklin và chủ tịch hãng phim Paramount Pictures - Jim Gianopulos chịu trách nhiệm thực hiện tiêu chuẩn trong một năm. Ban tổ chức học hỏi từ giải thưởng của Viện phim Anh BAFTA - tiên phong đề ra tiêu chí về đa dạng chủng tộc trên phim ảnh.
Tờ Time nhận định loạt tiêu chí mới sẽ khuyến khích người làm phim tự tin thể hiện tiếng nói. Nhà sản xuất Axel Kuschevatzky đánh giá phim nước ngoài có cơ hội tranh giải cao hơn, giúp Oscar thu hút khán giả bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Có Viện Hàn lâm ủng hộ, người đầu tư sẽ có lòng tin vào những tác phẩm độc lập, khai thác chủ đề gai góc, nhạy cảm.
"Đây là chiến thắng của những người yếu thế, chưa được trân trọng. Chúng ta đã chiến thắng nhờ sự đồng lòng của các bạn với hastag #OscarsSoWhite", April Reign - lãnh đạo phong trào phản đối Oscar năm 2015 viết trên Twitter.
Mặt khác, Time cũng cho rằng quy định chấm giải mới của Oscar có phần lỏng lẻo. Trong tương lai, những bộ phim chỉ cần quan tâm tiêu chí nhân sự là B,C,D. Vì thế, bộ tiêu chuẩn không thật sự kiểm soát nội dung hay tạo áp lực cho những nhà làm phim ở Hollywood.
Phi Khanh
(tổng hợp)