Bùng nổ xu hướng mua trước, trả tiền sau ở giới trẻ Mỹ

Các nền tảng mua trước, trả sau đang đang phát triển mạnh ở Mỹ. Xu hướng thanh toán này trở thành công cụ không thể thiếu với thế hệ người Mỹ trẻ tuổi mong muốn sở hữu xa xỉ phẩm.

Sau khi xem video về thương hiệu Jeffree Star vào tháng 10/2019, tất cả những gì Taylor Emmi (21 tuổi) mong muốn là sở hữu bộ mỹ phẩm từ thương hiệu đình đám này.

2 năm sau, thông qua Afterpay - nền tảng mua trước, trả tiền sau, Emmi có thể bỏ ra hàng nghìn USD để sở hữu bộ mỹ phẩm mà trước đây cô khó lòng mua được.

“Tôi thực sự yêu thích mỹ phẩm đến từ thương hiệu đó. Tuy nhiên, nếu không có Afterpay, tôi sẽ không bao giờ có được chúng”, Emmi nói.

 Nền tảng Afterpay cho phép người dùng mua trước, trả tiền sau. Ảnh: Chụp màn hình.

Nền tảng Afterpay cho phép người dùng mua trước, trả tiền sau. Ảnh: Chụp màn hình.

Dễ dàng sở hữu vật phẩm đắt tiền

Dữ liệu từ eMarketer chỉ ra gần 75% người dùng nền tảng thanh toán mua trước, trả tiền sau ở Mỹ thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 đến 1994) và thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2015).

Các chuyên gia ước tính trong năm nay, hơn 45 triệu người trên 14 tuổi sẽ sử dụng nền tảng thanh toán trả góp. Dự báo cho thấy mức tăng đáng kinh ngạc, tăng 81,2% so với số lượng người dùng trên các nền tảng này vào năm 2020.

“Giải pháp này cung cấp cho người tiêu dùng trẻ tuổi với thu nhập hạn chế có thể thanh toán linh hoạt, đặc biệt với các vật phẩm đắt tiền”, đại diện eMarketer nhận định.

Joseph Flowers - nhà sáng tạo nội dung toàn thời gian, 22 tuổi - cho biết nhiều người trẻ sử dụng tính năng trả góp vì muốn sở hữu quần áo hoặc đồ điện tử mới mà không đủ tiền.

Cũng vì thế, chàng trai 22 tuổi này thường xuyên cập nhật tủ quần áo mới lên các trang mạng xã hội, đồng thời sử dụng Afterpay khi hóa đơn đạt trên 300 USD.

“Thế hệ trẻ có sở thích mua sắm. Do đó, việc sử dụng thanh toán trả góp khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn khi không phải thanh toán tất cả cùng một lúc”, Flowers chia sẻ.

 Giới trẻ Mỹ dễ dàng sở hữu những vật phẩm đến từ thương hiệu nổi tiếng nhờ dịch vụ trả góp. Ảnh: Fashionista.

Giới trẻ Mỹ dễ dàng sở hữu những vật phẩm đến từ thương hiệu nổi tiếng nhờ dịch vụ trả góp. Ảnh: Fashionista.

Dù phương thức thanh toán trả góp đã tồn tại ở Mỹ nhiều năm qua, nhu cầu và sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các công ty thanh toán trả góp gần đây có dấu hiệu nóng lên.

Tuần vừa qua, công ty thanh toán kỹ thuật số Square cho biết sẽ mua lại Afterpay với thỏa thuận trị giá 29 tỷ USD. Tính đến ngày 30/6, Afterpay đã phục vụ hơn 16 triệu khách hàng và kết nối với khoảng 100.000 cơ sở kinh doanh.

Theo Bloomberg, Apple cũng được cho là hợp tác với PayBright của Affirm Holdings để triển khai chương trình thanh toán trả góp khi mua thiết bị Apple tại Canada. Dù mới được niêm yết hồi tháng 1, cổ phiếu của Affirm đã tăng 23% trong 3 tháng qua.

Trong vòng gọi vốn do SoftBank dẫn đầu, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến Klarna được định giá gần 46 tỷ USD và đã huy động được 639 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Dữ liệu phân tích của Adobe cho thấy trong 2 tháng đầu năm nay, các nền tảng cung cấp phương thức trả góp đã tăng 215% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi người tiêu dùng trả góp, họ thường chi tiêu nhiều hơn.

Phần lớn sự phát triển của các nền tảng thanh toán đều dựa vào sức quan tâm của giới trẻ Mỹ - nhóm người đang chuyển sang phương thức thanh toán trả góp thay vì sử dụng thẻ tín dụng truyền thống với lãi suất cao.

"Có vẻ rẻ hơn"

CNBC đã phỏng vấn 7 người dùng phương thức thanh toán trả góp thuộc thế hệ Z và Millennials. Đa số những người này đều bị thu hút bởi các nền tảng thanh toán vì tính thuận tiện của chúng.

Các nền tảng như Afterpay cho phép người dùng mua hàng giá trị lớn như mua một chiếc Macbook mà không cần trả trước toàn bộ số tiền. Sau đó, người dùng sẽ thanh toán thành 4 đợt trong khoảng 6 tuần.

Tài khoản của người dùng được liên kết với thẻ ghi nợ hoặc tài khoản ngân hàng - nơi các khoản thanh toán được thực hiện tự động. Đặc biệt, khi người dùng thanh toán nợ đúng hẹn nhiều lần, giới hạn chi tiêu của họ sẽ tăng lên.

Chuyên gia kinh tế học hành vi Sarah Newcomb thuộc công ty dịch vụ tài chính Morningstar cho rằng việc các nền tảng thanh toán trả sau chia nhỏ đợt thanh toán khiến người trẻ “cảm thấy chi phí có vẻ rẻ hơn”.

 Nền văn hóa chi tiêu xa xỉ trên các trang mạng xã hội góp phần thúc đẩy xu hướng mua trước, trả sau ở Mỹ. Ảnh: 9to5mac.

Nền văn hóa chi tiêu xa xỉ trên các trang mạng xã hội góp phần thúc đẩy xu hướng mua trước, trả sau ở Mỹ. Ảnh: 9to5mac.

Chiziterem Ogbonna (18 tuổi) thừa nhận rằng có sự xuất hiện của một nền văn hóa trên TikTok và mạng xã hội - nơi mọi người chi tiêu hoang phí và góp phần vào sự tăng trưởng của xu hướng mua trước, trả tiền sau.

Ngay cả Ogbonna cũng thường sử dụng nền tảng trả góp Klarna để mua quần áo khi các hóa đơn vượt 100 USD. Cô cho biết mình sẽ phải thanh toán 4 lần, mỗi lần trả 25 USD. “Nghe có vẻ rẻ hơn nhưng thật sự không phải vậy”, cô nhận xét.

Về phía Emmi, cô đã nhận được bài học lớn khi sử dụng Afterpay hoặc Klarna cho hầu hết giao dịch thanh toán. Khi dịch Covid-19 ập tới khiến Emmi mất việc, cô phải vật lộn để chi trả các hóa đơn trả góp của mình.

"Bạn nghĩ rằng bạn có thể dần dần trả các hóa đơn trả góp. Tuy nhiên, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để dành dụm cho việc thanh toán", Emmi khẳng định.

Linh Đỗ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bung-no-xu-huong-mua-truoc-tra-tien-sau-o-gioi-tre-my-post1248982.html