Bừng sáng vùng quê cách mạng
Trong công cuộc mang ấm no về miền quê này, đảng viên là những người đi trước để 'làng nước theo sau'.
Năm nay đã 76 tuổi nhưng đảng viên Má A Sáng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Vừa lần giở cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Phú (nay sáp nhập với xã Suối Thầu thành xã Mường Bo, thị xã Sa Pa) trên tay, chốc chốc, ông dừng lại trước những dòng thông tin đặc biệt. Những trang sách như thước phim cũ được tua đi tua lại trong ông, gợi nhớ về một thời gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng. Hôm nay, cuộc sống của đồng bào trên miền quê cách mạng năm xưa ngày càng no ấm, đủ đầy.
Ông Má A Sáng với 55 năm tuổi Đảng, là đảng viên cao tuổi nhất của Chi bộ Mường Bo 2 nói riêng và là số ít đảng viên cao tuổi của Đảng bộ xã Mường Bo nói chung. Những lớp đảng viên trước ông phần lớn đã khuất núi, chỉ còn vài người hiện sức khỏe yếu, không còn minh mẫn. Trong dòng hồi ức của mình, ông Sáng nhớ về mảnh đất Thanh Phú của những năm 1990 trở về trước muôn vàn khó khăn. Ngày đó, đường từ xã ngược lên trung tâm huyện trắc trở, đi bộ đường mòn 5 - 6 tiếng đồng hồ mới tới nơi, vì thế, có khi vài tháng người dân mới đi một chuyến. Cuộc sống của đồng bào khi ấy đa phần là tự cung, tự cấp, quẩn quanh với đói nghèo, lạc hậu.
Trong công cuộc mang ấm no về miền quê này, đảng viên là những người đi trước để “làng nước theo sau”. Ông Sáng kể: Ngày trước, bà con chỉ biết cấy 1 vụ lúa, dù cố gắng nhưng vẫn bữa no, bữa đói. Sau này, khi địa phương có chủ trương đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đảng viên đi trước để bà con nhìn vào, tin tưởng và làm theo. Từ những thửa ruộng 1 vụ, các đảng viên tiên phong canh tác 2 vụ, luân canh, xen canh để đồng đất không nghỉ. Sau này, đảng viên tiếp tục đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mang lại năng suất, chất lượng cao hơn. Giờ đây, ngoài cây lúa, người dân còn trồng nhiều loại cây khác, với hơn 100 ha rau chuyên canh, 20 ha dưa hấu, hơn 10 ha cây ăn quả có múi, 5 ha bơ… Hết năm 2021, thu nhập bình quân của xã đạt 36,5 triệu đồng/người.
Trong số những mô hình kinh tế hiệu quả ở Mường Bo hôm nay có không ít tên đảng viên được nhắc đến như Lò A Thu với mô hình kinh doanh dịch vụ homestay; Lù Văn Thân với hoạt động dịch vụ thương mại; Lồ Thị Lý làm kinh tế giỏi từ trồng trọt, chăn nuôi…
Nhắc về vùng quê cách mạng Thanh Phú năm xưa, giờ là một phần của xã Mường Bo hôm nay là nhắc tới mảnh đất của những người con yêu nước trong kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc giải phóng quê hương, những người con của vùng đất này đã đóng góp bao công sức, cả mồ hôi, xương máu. Đó là chuyện về ông Tẩn Quầy Phẩu (tức Tẩn Quầy Phú), ông Chảo Chòi Xinh (tức Chảo Chòi Thanh) ở xã Mường Bo - 2 cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta, về sau đã bị địch sát hại. Hòa bình lập lại, xã Mường Bo được chia thành 5 xã: Thanh Phú, Nậm Sài, Nậm Cang, Bản Hồ, Suối Thầu. Tên gọi Thanh Phú ra đời từ sự tưởng nhớ công lao của ông Tẩn Quầy Phú và Chảo Chòi Thanh mà người dân dành cho. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất cách mạng năm xưa giờ mang trên mình sắc vóc mới, trở lại tên gọi Mường Bo sau quá trình sáp nhập.
Mãi cho đến hôm nay, tình yêu quê hương, đất nước ấy vẫn được các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc ở Mường Bo dưỡng nuôi, đắp bồi từ những việc làm thiết thực, như học Bác trong tăng gia, sản xuất, xây dựng đời sống mới, phát huy tốt vai trò nêu gương. Đó là mạch nguồn “nhựa sống”, kết thành nguồn nội lực to lớn để Mường Bo vượt qua khó khăn, vẽ nên diện mạo của một miền quê yên bình, trù phú. Từ sự chăm chỉ cấy cày, đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Mông, Kinh đã phủ lên đất những sắc màu no ấm, với những triền quế xanh rì chở che, bao bọc khắp bản làng. Nhịp sống mới đã về với Thanh Phú năm xưa và giờ là dáng vẻ của Mường Bo hôm nay. Trong sự đổi thay này có đóng góp không nhỏ của các thế hệ đảng viên đã và đang viết tiếp bài ca về tình yêu quê hương, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.
Ông Sèn A Thực, dân tộc Tày, đảng viên cao tuổi ở Chi bộ thôn Mường Bo 1 không giấu nổi mừng vui: Năm 2020, Mường Bo “về đích” nông thôn mới trong sự hân hoan, phấn khởi của đồng bào. Đối với riêng thôn Mường Bo 1, đảng viên và người dân nơi đây tiếp tục thi đua, thực hiện các tiêu chí để đạt thôn kiểu mẫu vào cuối năm 2022.
Trong trí nhớ của những đảng viên cao tuổi Má A Sáng, Sèn A Thực, thế hệ tầm tuổi các ông ở trong xã có mấy người biết chữ, số lượng đảng viên khi ấy cũng không nhiều. Rào cản về nhận thức, về trình độ văn hóa khiến công tác phát triển đảng viên nơi đây từng gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng giờ đây, Đảng bộ xã Mường Bo đã có 16 chi bộ, với hơn 300 đảng viên. Ông Hoàng Văn Phang, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bo cho hay, Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm kết nạp 15 đảng viên. Địa phương quyết tâm và tin tưởng sẽ thực hiện đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra bởi công tác tạo nguồn phát triển đảng viên những năm qua được quan tâm. Tín hiệu vui ngày càng hiển hiện rõ khi việc học hành của trẻ em nơi đây ngày càng được chăm lo, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần các cấp luôn đạt trên 95%; có trên 70% học sinh hoàn thành chương trình THPT tiếp tục học nghề, học chuyên nghiệp. Nhiều đoàn viên, thanh niên sau khi hoàn thành chương trình học tiếp tục trở về địa phương, tạo nguồn phát triển đảng viên.
Những trang sử hào hùng năm xưa giờ tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc nơi đây kế thừa, phát huy, vững niềm tin về ngày mai tươi sáng.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357872-bung-sang-vung-que-cach-mang