Bước chân không mỏi trong sự nghiệp 'trồng người' của 2 nữ giáo viên Hà Tĩnh
Với những cống hiến không mỏi mệt của mình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) Lê Thị Long và Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà Nguyễn Thanh Nga đã được Bộ GD&ĐT tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2020.
Nặng lòng với học sinh xã nghèo ven biển
33 năm giữ cương vị hiệu trưởng, nhưng đã có 28 năm gắn bó ở xã nghèo ven biển Kỳ Anh, cô giáo Lê Thị Long (SN 1966) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) vẫn luôn trăn trở với hành trình “gieo chữ” trên vùng đất còn nhiều gian khó này.
33 năm giữ cương vị hiệu trưởng nhưng đã có 28 năm cô Long gắn bó với xã biển nghèo Kỳ Lợi
Cô Long cho biết: “Nghề giáo là ước mơ từ bé của tôi và đến tận bây giờ sau bao nhiêu năm cống hiến tôi vẫn vẹn nguyên một niềm say mê ấy”.
Năm 1987, cô giáo Long về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) theo diện thu hút về các địa bàn “trắng” trường học. Sau 5 năm, cô được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Lợi cho đến nay.
Trường Mầm non Kỳ Lợi phải chia thành 6 điểm trường khác nhau, tuy vậy, cô Long luôn chèo lái công tác dạy và học của nhà trường đạt được nhiều thành tích.
Tại thời điểm mới về Kỳ Lợi, nhận công tác quản lý 7 lớp học mầm non với 7 giáo viên, trong điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn. Đặc biệt, 6/7 giáo viên lúc đó không có bằng cấp nghiệp vụ mầm non. Cô Long luôn trăn trở tìm cách để giúp cho cô trò vùng biển dạy và học tốt hơn.
Chính vì thế, bố trí cho các cô đi đào tạo nghiệp vụ chính quy, rồi hỗ trợ, vận động người dân đưa trẻ đến lớp đã được cô hiệu trưởng bắt đầu từ những ngày nhận nhiệm vụ ở ngôi trường mới.
Ước vọng của cô Long bây giờ là mong muốn các điểm trường được quy về một mối, để cô và trò có điều kiện dạy và học tốt hơn.
Nhớ những ngày phải men theo chân núi vượt hơn 22 km để đến điểm trường, cô Long chia sẻ: “Kỳ Lợi ngày ấy khó khăn lắm, người dân thu nhập bấp bênh từ nghề đánh cá, nhiều hộ còn đứt bữa. Tôi còn nhớ có những cháu đến lớp đói quá mà ngất xỉu, các cô phải thổi cơm để cho các cháu ăn chống đói. Đường đi đến trường vất vả, 7/7 cô giáo lúc đó cũng không hề có một đồng lương nào, vậy mà các cô luôn yêu trường, mến trẻ, vượt mọi khó khăn”.
Năm học này, nhà trường có tổng 582 em học sinh trên 6 điểm trường với 52 cán bộ quản lý và giáo viên
Đến năm 2002, khi có dự án xây trường khang trang cho cô trò thì cái khó khăn, vất vả tưởng chừng như đã được vơi bớt phần nào, nhưng đến năm 2010, Trường Mầm non Kỳ Lợi lại nằm trong vùng quy hoạch của Khu kinh tế Vũng Áng, địa bàn dân cư không ổn định, dân di dời tái định cư lên địa bàn của 4 xã, phường trong thị xã... Do đó, nhà trường buộc phải phân chia thành 6 điểm trường. Điểm trường phụ cách xa điểm trường chính nhất đến 25km, việc quản lý, chỉ đạo gặp rất nhiều khó khăn.
Cô Lê Thị Long tại Lễ tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2020
Tuy vậy, nhưng nhờ sự kiên trì chỉ đạo, quản lý của cô Long cùng với sự nhiệt tình, đoàn kết của cán bộ, giáo viên và nhân viên nên nhiều năm liền, nhà trường luôn đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến.
Riêng bản thân cô Lê Thị Long, từng được Giám đốc Sở GD&ĐT và Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh khen thưởng. Năm học 2018-2019 là năm thứ 5 liên tục, cô Long được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhiều thành tích đáng ghi nhận khác.
Người “thắp lửa” phong trào giáo dục ở Thạch Hà
27 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, trong đó có 22 năm làm công tác quản lý, cô Nguyễn Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà thực sự là tấm gương về sự tâm huyết, dám nghĩ dám làm, năng động trong đổi mới giáo dục.
Cô Nguyễn Thanh Nga, một trong 2 nhà giáo của Hà Tĩnh vừa được Bộ GD&ĐT vinh danh giáo viên tiêu biểu năm 2020
Biết cô đã nhiều năm, nhưng những lần gặp gỡ giữa chúng tôi hầu như chỉ thoáng qua trong những chuyến đi về cơ sở. Bởi cô là con người của công việc, rất hiếm có thời gian rảnh rỗi...
Cô Nga chia sẻ: “Ban ngày thường xuyên nắm tình hình từng trường học, cấp học, tối về lại trăn trở, suy nghĩ để tìm những giải pháp, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học, cải thiện cơ sở vật chất trường lớp. Cứ như thế, công việc cuốn hút tôi hầu như không có ngày nghỉ”.
Thạch Hà là huyện đầu tiên thực hiện chương trình cho trẻ 5 tuổi làm quen với chữ cái
Với suy nghĩ, đội ngũ cán bộ, giáo viên là yếu tố then chốt quyết định chất lượng, và đổi mới giáo dục phải lấy học sinh làm trung tâm, thời gian qua, cô Nga đã luôn trăn trở để tạo phong trào thi đua trong mỗi cán bộ, giáo viên. Cùng với việc tham mưu các chính sách góp phần nâng cao vị thế cho nhà giáo, thì việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ giáo viên, tạo mối đoàn kết và sự công bằng trong công tác đánh giá xếp loại, khen thưởng cũng đã tạo động lực cho các trường phấn đấu.
Cô Nga đã về từng trường, gặp gỡ từng giáo viên để động viên thực hiện các phong trào. Năm học 2020-2021, lần đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, cô Nga đã thành lập nhiều đoàn công tác, cùng với lãnh đạo huyện, chính quyền địa phương, phụ huynh, đến nhiều lớp 1 trên địa bàn toàn huyện để tặng hoa, dự giờ động viên cô trò. Mỗi chủ nhiệm lớp 1 được tặng 1 quyển nhật ký để ghi lại hoạt động giáo dục của lớp trong từng tuần. Sự quan tâm ấy đã tiếp thêm “lửa” cho mỗi cán bộ, giáo viên ở Thạch Hà, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trên lĩnh vực tổ chức, trong nhiều năm, cô Nga đã tham mưu UBND huyện dừng bổ nhiệm cán bộ khi có hiệu trưởng về hưu. Đây chính là yếu tố để chủ trương sáp nhập trường ở Thạch Hà trở nên nhẹ nhàng bởi bài toán về dôi dư cán bộ được giải quyết.
Từ sự đầu tư nguồn lực, các trường học Thạch Hà có cơ sở vật chất khang trang
Ấn tượng của đồng nghiệp về người “thủ lĩnh” ngành Giáo dục Thạch Hà còn ở sự kiên trì, các giải pháp huy động nguồn lực củng cố cơ sở vật chất. Thầy Lê Văn Phương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Thạch Hà cho biết: “Trong 5 năm trở lại đây, giáo dục Thạch Hà đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố cơ sở vật chất trường lớp, đặc biệt năm học 2019 - 2020 nguồn lực đầu tư là 171 tỷ đồng”.
Trường lớp được đầu tư khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy học, sân chơi bãi tập là động lực để các thầy cô giáo càng gắn bó thân thiết với nghề, là niềm vui, sức hấp dẫn học sinh trong mỗi buổi đến trường. Không phụ sự quan tâm của các cấp chính quyền, tâm huyết của người cán bộ đầu tàu, trong 2 năm học gần đây (2018-2019 và 2019-2020), GD&ĐT Thạch Hà đã vươn lên, trở thành đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh.
Với những đóng góp không mệt mỏi của mình, cô giáo Lê Thị Long và Nguyễn Thanh Nga vừa vinh dự được đứng trong hàng ngũ 183 giáo viên tiêu biểu của cả nước được Bộ GD&ĐT tôn vinh “nhà giáo tiêu biểu” năm 2020.