Bước chân ngắn cho tương lai dài

Con đường 7 cây số từ trung tâm xã tới thôn Nậm Chày vắt vẻo, chênh vênh lưng chừng núi, một bên là núi cao, một bên là vực sâu thẳm. Do trận mưa lớn ngày hôm trước khiến con đường như bị “xé toạc”, nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, lầy lội, trơn trượt. Chở tôi đi bằng chiếc xe máy vẫn còn bê bết bùn đất, thầy giáo Sầm Văn Tuyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Chày tâm sự: Hành trang không thể thiếu trong cốp xe máy của các thầy cô luôn có ủng và áo mưa vì thời tiết ở đây nắng mưa thất thường. Dường như hầu hết chặng đường xe luôn cài số 1, xả bớt hơi lốp để bám đường hơn.

Mặc dù là tay lái cứng, nhưng thầy Tuyến cũng ướt đẫm mồ hôi, tuy vậy những câu chuyện về hành trình “gieo chữ” của thầy, khiến con đường dường như ngắn lại, chẳng mấy chốc thôn Nậm Chày dưới chân núi Cha Sin Pao đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Thấp thoáng giữa tán rừng là những nóc nhà của các hộ đồng bào dân tộc Mông. Ven đường, lác đác những đứa nhỏ đang chơi đùa tranh thủ những ngày nghỉ hè còn lại. Hôm nay, anh Vù A Hải ở nhà trông 2 con, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. Năm học mới, 2 con của anh Hải chính thức xuống điểm trường chính học tập. “Cho con nhỏ đi học xa nhà, anh có lo không?” - tôi hỏi. “Ôi, cho con xuống điểm trường chính học tốt hơn nhiều chứ, bởi con có thêm nhiều bạn, nhờ vậy con cũng mạnh dạn hơn. Năm học trước, các con học tại điểm trường thôn, mang tiếng là gần nhà, nhưng vợ chồng mình đi nương cả ngày, có chăm được đâu, chúng tự đi học, tự chơi với nhau” - anh Hải trả lời.

Gập ghềnh đường từ thôn Nậm Chày ra trung tâm xã.

Gập ghềnh đường từ thôn Nậm Chày ra trung tâm xã.

Cũng như anh Hải, năm học này, anh Vàng A Sùng cho đứa con gái 9 tuổi xuống học lớp 3 tại điểm trường chính. Anh Sùng bảo: Mấy đứa trong thôn, đứa nào xuống trường chính học cũng “lớn nhanh như thổi”, được các thầy cô chăm sóc, có cơm ngon để ăn. Xa con, bố mẹ nào cũng lo lắng, nhưng nghĩ tới tương lai các con, được học tập trong môi trường tốt hơn nên chúng tôi cũng yên tâm, tất cả gửi gắm vào thầy cô.

Bí thư Chi bộ thôn Nậm Chày Vàng A Thanh tiếp lời: Đấy, tư tưởng người dân trong thôn thay đổi nhiều, chứ trước tôi và các thầy cô phải vận động nhiều lắm. Riêng năm học này, thôn có 15 học sinh lớp 3 sẽ xuống điểm trường chính học tập. Ở đây, dù còn nghèo, nhưng trẻ đến tuổi đều cho đi học hết, bây giờ 3 tuổi đã đưa đi mẫu giáo rồi. Phụ huynh ở đây dù bận rộn mấy cũng cố gắng đưa đón con mỗi tuần, nếu có việc đột xuất, họ đều nhờ người nhà, thầy cô đưa đón giúp.

Ngoài thôn Nậm Chày, năm học này còn có hơn 100 học sinh lớp 3 từ 6 thôn khác xuống điểm trường chính học tập như Hỏm Trên (cách trường chính 5 km) có 23 em, Pờ Sì Ngài (cách trường chính 4 km) có 15 em, Lán Bò (cách trường chính 6 km) có 25 em, Khâm Dưới (cách trường chính 7 km) có 10 em, Khâm Trên (cách trường chính 9 km) có 9 em và xa nhất là thôn Tà Moòng (cách trường chính 25 km) có 9 em.

Giống như người đi khai phá những vùng đất hoang, các thầy cô của Trường Tiểu học Nậm Chày vừa vận động người dân cho con đi học chữ, vừa dạy học sinh những thói quen sinh hoạt văn minh, biết ăn cơm bằng đũa, biết giữ gìn vệ sinh chung… Ở Nậm Chày, các em được hưởng các chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ nên bố mẹ các em chỉ cần chuẩn bị quần áo cho con tới trường, còn lại các thầy cô sẽ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ.

Vừa dạy học, vừa chăm học sinh bán trú, nên đòi hỏi mỗi thầy cô giáo phải khéo léo, dịu dàng, kiên nhẫn. Vì mới lên 9, lên 10, lần đầu xa nhà nên những ngày mới xuống trường, dường như ngày nào cũng có vài em khóc vì nhớ nhà. Các thầy cô lại “đóng vai” là bố, là mẹ để dỗ dành các em. Có những đêm, thầy cô phải chia nhau thức chăm sóc, đắp khăn ấm lên trán, bón từng thìa cháo cho những em bị sốt. Ngoài nhiệm vụ dạy học trên lớp, cuối giờ sáng, hết tiết dạy, thầy cô lại vào bếp nấu nướng, chia từng phần ăn cho các em. Sau khi các em ăn, dọn dẹp xong, thầy cô mới lo cho mình. Buổi chiều, giáo viên tổ chức ôn bài, phụ đạo, nhân viên kế toán và y tế cùng một số thầy cô giáo, học sinh chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Buổi tối, các em tập trung về lớp sinh hoạt, ôn bài, củng cố kiến thức. Khi các em tròn giấc thì thầy giáo, cô giáo trực bán trú mới về phòng, soạn trang giáo án mới chuẩn bị cho tiết dạy ngày mai.

Ở đây, các thầy cô vừa nỗ lực chăm sóc, dạy dỗ trẻ, vừa cố gắng học tiếng địa phương, tập quán của người dân để dễ trao đổi với phụ huynh. Nhiều thầy cô còn cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc để hiểu hơn về cuộc sống của bà con. Thầy giáo Nguyễn Văn Điện, ở tỉnh Yên Bái, công tác tại Trường Tiểu học Nậm Chày đã được gần chục năm chia sẻ: Nếu không vì trách nhiệm và tâm huyết với nghề thì tôi đã không bám trụ lại đây lâu đến vậy. Ở đây, các thầy cô không nề hà việc gì cả, từ chải đầu, tết tóc, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Tình yêu, tình thương dành cho học trò đã chiến thắng mọi khó khăn, thử thách.

Tôi còn được nghe câu chuyện thầy cô nhà trường đưa học sinh lớp 1 của 7 hộ gia đình thôn Lán Bò về điểm trường chính từ năm 2017. Đây là nhóm hộ sống biệt lập, cách trung tâm thôn 7 km. Thương các em nhỏ đi học vất vả, nếu học tập tại điểm trường lẻ sẽ không đảm bảo nên các thầy cô đã quyết định đón các em về trường chính chăm sóc, dạy dỗ. “Đưa các con ra trường chính chắc chắn môi trường học tập tốt hơn, nhưng các thầy cô sẽ phải vất vả nhiều hơn. Với những giáo viên vùng cao, lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng đã giúp chúng tôi trụ vững và cống hiến cho sự nghiệp trồng người” - thầy Tuyến trải lòng.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh lớp 3, 4, 5 bắt buộc phải được học môn Tiếng Anh, Tin học. Khi học ở điểm trường lẻ trong một lớp học ghép, rõ ràng việc tổ chức dạy và học sẽ không thuận lợi, chất lượng cũng không đảm bảo. Bản thân các em cũng thiệt thòi vì không được tham gia các hoạt động tập thể, không được học các môn năng khiếu, không có nhiều tiết học kỹ năng… Sự thiếu hụt này sẽ là một khoảng trống rất lớn khi các em lên trung học cơ sở.

Giữa trưa nắng chang chang, trên sân Trường Tiểu học Nậm Chày, những người thợ xây vẫn miệt mài với công trình nhà mái vòm, nhà vệ sinh, nhà tắm cho học sinh bán trú để bàn giao trước dịp khai giảng. Ngoài ra, nhà trường còn dựng tạm 3 phòng bán trú để đủ điều kiện đón hơn 100 học sinh lớp 3 về điểm trường chính. Chứng kiến sự nhộn nhịp của thầy cô trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, dọn vệ sinh sân trường và sửa sang lại những gian nhà bán trú để đón các em, khiến chúng tôi quên đi bao mệt nhọc của chặng đường vừa qua.

Chuẩn bị cơ sở vật chất đón học sinh về học tại trường chính.

Chuẩn bị cơ sở vật chất đón học sinh về học tại trường chính.

Thầy Tuyến giới thiệu thêm: Hiện, nhà trường có 2 giáo viên dạy Tiếng Anh, có phòng Tin học với hệ thống máy chiếu, máy tính phục vụ 2 học sinh/máy, tất cả các lớp học đều lắp đặt ti vi 50 inch đảm bảo cho các tiết học kết nối. Để thực hiện tốt việc đưa học sinh ra học bán trú, nhà trường đã tích cực tuyên truyền đến các bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản về việc đưa học sinh lớp 3 ra học bán trú thông qua các buổi họp và giao ban tại UBND xã. Các thầy cô đã tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về kế hoạch đưa học sinh lớp 3 ra trung tâm học và ở bán trú thông qua phiên họp phụ huynh cuối năm và các buổi họp thôn. Để học sinh làm quen với môi trường mới, chúng tôi xếp các em ngồi xen kẽ với các bạn cùng lớp và tổ chức thêm nhiều trò chơi tập thể để các em nhanh chóng hòa nhập.

Chia tay các thầy cô và học sinh nhà trường, câu hát “hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần...” của học sinh đang tập luyện cho lễ khai giảng vang lên. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành của những người thầy, người cô, hành trình “tìm con chữ” của những em nhỏ vùng cao Nậm Chày sẽ được rút ngắn và bớt nhọc nhằn hơn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359926-buoc-chan-ngan-cho-tuong-lai-dai