Bước chân vui trên đường Mùng 2 tháng 9

'Ngày ấy, khi con đường được mở rộng, chỉnh trang và lấy ngày Quốc khánh để đặt tên, không riêng người dân sinh sống hai bên đường mà của cả thị trấn Phú Bài bấy giờ hết sức vui mừng...

... Đây là một trong những con đường đầu tiên ngoài không gian thành phố Huế được đặt tên, mà lại là tên đặc biệt, thật đáng tự hào”, ông Phan Văn Được, người dân Phú Bài (thị xã Hương Thủy, TT-Huế), xúc động nhắc về đường Mùng Hai Tháng Chín (2-9) mà người địa phương còn gọi là đường “Tết Độc lập”, đường “Quốc khánh”.

Tự hào tên đường “Tết Độc lập”

Từ sân bay Phú Bài theo Quốc lộ 1 ngược lên Huế, đến trung tâm thị xã Hương Thủy có một nhánh rẽ nối sang đường tránh Huế được đặt cái tên khiến dân địa phương bao năm nay luôn lấy làm vinh dự, tự hào. Đó là đường 2-9.

Đã 16 năm trôi qua, ông Phan Văn Được (ngụ phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) vẫn nhớ như in mốc thời gian đường 2-9 chạy qua "lõi" thị trấn (nay là phường) chính thức có tên trong hệ thống đường phố của tỉnh TT-Huế. “Đó là năm 2007, tên đường 2-9 được UBND tỉnh chính thức ra quyết định đặt tên. Rồi biển tên đường được dựng lên trang trọng, nhà nhà được đánh số. Thật phấn khởi và tự hào”, ông Được nhớ lại.

Nhưng cũng theo ông Được, đường 2-9 có tên như vậy thực ra đã từ hàng chục năm trước đó. Trước cả khi UBND tỉnh TT-Huế quyết định chính thức về tên gọi vào năm 2007.

Một góc sầm uất của đường 2-9. Ảnh: Ngọc Văn

Một góc sầm uất của đường 2-9. Ảnh: Ngọc Văn

Ông Được kể, những năm đầu đất nước vừa giải phóng, đường 2-9 lúc đó chỉ là con đường làng có tên là Ngã Ba Cây Dứa, hai bên dân cư thưa thớt. “Ban đầu đường có tên như vậy. Ngay ở điểm rẽ từ Quốc lộ 1 vào là một ngã ba hoang sơ. Thời gian sau, thị trấn đặt tên đường là 2-9, rồi tỉnh công nhận tên chính thức vào năm 2007, một cái tên rất đặc biệt”, ông Được bồi hồi.

Tìm hiểu về lịch sử đường 2-9 ở Hương Thủy, tôi gặp cơ quan quản lý văn hóa địa phương và tra cứu hệ thống dữ liệu về tên đường phố tại TT-Huế. Có rất ít thông tin, tư liệu về tiểu sử, lịch sử đường 2-9 ở Phú Bài được ghi chép lại.

Trong mục Dư địa chí thuộc Cổng Thông tin Điện tử tỉnh cũng chỉ ghi mấy dòng: “Vị trí con đường có điểm đầu ở sau kho lương thực, điểm cuối là đường tránh Huế. Sự kiện lịch sử gắn liền với con đường: Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Thông tin trong hồ sơ về đường 2-9 lưu trữ tại Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Hương Thủy cũng chỉ vậy, kèm Quyết định và “Danh sách đặt tên đường phố thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy đợt 1 năm 2007” của UBND tỉnh, với 33 đường phố được đặt tên.

Người dân sống hai bên đường 2-9 chấp hành tốt quy định pháp luật, luôn ý thức về bảo vệ môi trường xanh, sạch, sáng cho tuyến phố. Ảnh: Ngọc Văn

Người dân sống hai bên đường 2-9 chấp hành tốt quy định pháp luật, luôn ý thức về bảo vệ môi trường xanh, sạch, sáng cho tuyến phố. Ảnh: Ngọc Văn

Vẹn điều mong mỏi

Nghe dân kể đường 2-9 ở Phú Bài từng có tên như vậy trước khi tỉnh ra quyết định chính thức, tôi tìm gặp một vị lãnh đạo thị trấn Phú Bài những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Đó là ông Lê Hữu Tòng - cán bộ quân đội từ miền Bắc vào công tác, chỉ huy, chiến đấu tại chiến trường Hương Thủy thời kháng chiến chống Mỹ, sau chọn nơi đây làm quê hương thứ hai.

Ngày ấy, tuy là huyện lỵ Hương Phú (cũ), nhưng Phú Bài vẫn là thị trấn của những con đường đất, trừ tuyến Quốc lộ 1 ngang qua. Thị trấn thành lập năm 1983, trở thành đô thị tuyến huyện sớm nhất của cả tỉnh, nhưng còn đó những ngổn ngang khó khăn thời hậu chiến, đặc biệt là giao thông đi lại.

“Đấy là điều mà anh em cán bộ lãnh đạo thị trấn Phú Bài lúc bấy giờ luôn đau đáu, trăn trở. Thế rồi nhiều con đường của thị trấn được mở mới, mở rộng từ vận động hiến đất, hiến ngày công và sự đồng tâm hiệp lực của tập thể cán bộ, lãnh đạo, nhân dân địa phương. Trong đó, có đường 2-9 ngày nay”, ông Tòng nhớ lại.

Về lại Hương Thủy trước lễ Quốc khánh năm nay, nhắc đường “Tết Độc lập”, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hương Thủy Đỗ Xuân Giao hồ hởi: Đường 2-9 (cùng đường Nguyễn Huy Tưởng) sắp được đầu tư thi công mở rộng thêm nhánh phía đông từ đoạn giao đường Nguyễn Tất Thành (Quốc lộ 1) về đường Sóng Hồng, với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng. Vậy là điều mong mỏi qua hàng chục năm của cán bộ, nhân dân phường Phú Bài và thị xã Hương Thủy sắp thành hiện thực. Theo ông Giao, đây sẽ là trục liên thông quan trọng nối các tuyến đường vành đai phía tây và phía đông của thị xã Hương Thủy, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nghe hỏi tiểu sử đường 2-9, người cựu binh già 77 tuổi trở nên sôi nổi… “Thời đó, đường sá thị trấn không có tên là điều hết sức bất tiện trong liên hệ đi lại, giao dịch thư từ, công văn, giấy tờ của cơ quan nhà nước lẫn người dân. Từ thực tế đó, chính quyền thị trấn quyết định đặt tên một số đường chính trên địa bàn vào những năm 90”, ông Tòng chia sẻ.

Qua nhiều cuộc họp, thảo luận, lấy ý kiến, lãnh đạo thị trấn Phú Bài quyết định chọn tên 2-9, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, 3-2 đặt cho 4 con đường lớn trên địa bàn. Đây là quyết định chưa từng có ở cấp xã, thị trấn của TT-Huế lúc đó. Đến nay, chỉ mỗi đường 2-9 được giữ tên, số còn lại đổi tên mới vì trùng tên ở thành phố Huế và vì những lý do khác. Đường 2-9 dài hơn 1,5 km, gồm hai nhánh đông và tây qua trung tâm phường Phú Bài ngày nay.

NGỌC VĂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/buoc-chan-vui-tren-duong-mung-2-thang-9-post1564024.tpo