Bước chuyển chống dịch tại Mỹ: Giảm quy định cộng đồng, đề cao lựa chọn cá nhân

Bước dịch chuyển về đề cao lựa chọn của cá nhân đối với mũi vaccine tăng cường thứ hai hay quy định đeo khẩu trang phản ánh điểm đột phá trong phản ứng chống dịch tại Mỹ.

Người trên 50 tuổi tại Mỹ tự quyết định việc tiêm mũi tăng cường thứ hai hay không. Ảnh: Reuters

Người trên 50 tuổi tại Mỹ tự quyết định việc tiêm mũi tăng cường thứ hai hay không. Ảnh: Reuters

Trong giai đoạn mới nhất của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, giới chức liên bang và chính quyền bang ở Mỹ đang chuyển tới người dân một thông điệp: Mỗi cá nhân sẽ là người tự quyết định cho riêng mình đâu là cách phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.

Theo đó, giới chức y tế sẽ để người dân tự đánh giá xem liệu họ có cần tiêm mũi tăng cường hay không, có nên đeo khẩu trang hay không, hoặc cần cách ly bao lâu sau khi có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Công ty, doanh nghiệp, trường học và các thực thể khác sẽ giảm quy mô các hướng dẫn phòng bệnh cụ thể trong bối cảnh tất cả đều sẵn sàng cho việc trở lại nhịp sống bình thường.

Câu hỏi liệu người cao tuổi có cần tiềm mũi tăng cường thứ hai (mũi tiêm thứ 4) hay không là minh chứng mới nhất cho thấy chính quyền đã dịch chuyển đối sách từ cách tiếp cận cộng đồng rộng rãi sang lựa chọn của cá nhân. Người 50 tuổi trở lên có thể tiêm mũi tăng cường thứ hai sớm nhất là 4 tháng sau mũi tăng cường đầu tiên tuy nhiên ngành y tế không thúc ép làm việc này, không có ý ép buộc người đủ điều kiện phải tiêm.

Phản ứng này là bước dịch chuyển lớn so với hai năm trước đây – thời điểm chính quyền đối phó với đại dịch bằng cách đóng cửa các thành phố, hạn chế tụ tập đông người ở nơi công cộng, giữ giãn cách xã hội. Sau đó thì cả nước Mỹ rơi vào tình cảnh thiếu hụt biện pháp điều trị hiệu quả, thiếu vaccine, thiếu năng lực xét nghiệm diện rộng để phòng dịch.

Theo giới chuyên gia y tế công, những công cụ này hiện nay sẵn có và giúp tránh được các kết cục tồi tệ dù virus vẫn lây lan. Phản ứng chính sách giờ đây đi vào hướng để người dân tự cảm nhận vấn đề sức khỏe của mình, tự đánh giá được mức độ nguy cơ.

“Chúng ta có nhiều cách thức để bảo vệ bản thân ở thời điểm hiện tại. Mọi người sẽ lựa chọn các cấp độ bảo vệ khác nhau dựa trên khả năng chấp nhận nguy cơ cho chính mình, mong muốn né tránh COVID-19 ở mức độ nào. Hiện nay, vai trò của chính phủ nên là trang bị cho người dân cách sử dụng các công cụ đã có sẵn”, ông Leana Wen, giáo sư chuyên ngành chính sách và quản lý y tế tại Đại học George Washington, nhận định.

Giới chức Y tế Mỹ có kế hoạch để người dân tự xem xét thời hạn cách ly phù hợp sau khi có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ảnh: WSJ

Giới chức Y tế Mỹ có kế hoạch để người dân tự xem xét thời hạn cách ly phù hợp sau khi có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Ảnh: WSJ

Giai đoạn mới của tiến trình kiểm soát đại dịch gợi nhớ lại cuộc tranh cãi dai dẳng trong nhiều thập kỉ giữa giới chức chính quyền với giới chuyên gia y tế công về đâu là chiến lược tốt nhất để đẩy người dân thực hiện thắt đai an toàn, đội mũ bảo hiểm và tiêm vaccine. Theo Megan Ranney, chuyên gia tại Đại học Y khoa Cộng đồng thuộc Đại học Brown, lịch sử của y tế cộng đồng luôn là sự căng thẳng thường trực giữa cấp độ cá nhân với can thiệp cấp chính phủ và cộng đồng.

Giới chức hữu quan vẫn đang giám sát chặt chẽ virus SARS-CoV-2. Chính quyền bang và địa phương theo dõi dữ liệu mẫu nước thải, thống kê chặt số ca nhiễm, số ca phải nhập viện. Chính quyền liên bang có kế hoạch tiếp tục mua sắm vaccine, thuốc điều trị. Một số quy định hạn chế có thể sẽ được khôi phục trở lại nếu số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại.

Nhưng nhiều biện pháp khác đang được trả về phía cá nhân, để từng người tự quyết định, đó là về xét nghiệm hay là yêu cầu đeo khẩu trang. Về khẩu trang, đa phần các bang, giới chủ lao động đều để người dân quyết định có đeo hay không. Về xét nghiệm, các địa điểm xét nghiệm tập trung đã đóng cửa. Ngày càng có nhiều người chọn xét nghiệm tại nhà. Chính quyền liên bang cũng dừng việc chi trả xét nghiệm cho người không có bảo hiểm.

Khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đồng ý tiêm mũi tăng cường thứ hai cho người trên 50 tuổi vào cuối tháng 3 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) không hề đưa ra khuyến nghị tiêm chủng kiểu “tuyệt đổi ủng hộ” như từng làm với mũi tiêm tăng cường thứ nhất. Thay vào đó, giới chức y tế tuyên bố mỗi người sẽ tự quyết định có tiêm mũi này hay không.

Một số chuyên gia nhận định, đây là bước đi thông minh của nhà chức trách xét trong bối cảnh chưa có đầy đủ dữ liệu về hiệu lực của mũi tiêm tăng cường thứ hai. Nên để người dân tự quyết định, một phần là bởi giới chuyên gia y tế và quan chức liên bang đến lúc này vẫn chưa đồng thuận về mục đích tiêm vaccine, coi tiêm để giảm tình trạng bệnh nặng hay là để chặn lây nhiễm. Thêm vào đó, hiệu quả của liều tiêm tăng cường thứ hai không thể hiện rõ ràng như trong trường hợp tiêm mũi thứ hai của liều tiêm cơ bản hai liều và phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, miễn dịch của từng người.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo WSJ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/buoc-chuyen-chong-dich-tai-my-giam-quy-dinh-cong-dong-de-cao-lua-chon-ca-nhan-20220418154438430.htm