Bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Việc ứng dụng và thực hiện hiệu quả thủ tục hành chính trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Những năm qua, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, người dân đã dần hình thành thói quen, chủ động lựa chọn phương thức trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính.

Công chức Bộ phận "một cửa" UBND phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính cho người dân

Công chức Bộ phận "một cửa" UBND phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính cho người dân

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là hình thức thực hiện các giao dịch điện tử giữa các doanh nghiệp, tổ chức, công dân với nhà nước, phổ biến là thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

Hiện nay, hệ thống của tỉnh đã triển khai cung cấp 1.827 DVCTT (bao gồm cả DVCTT của Công ty Điện lực), trong đó 998 DVCTT toàn trình và 542 DVCTT một phần, còn 287 DVC ở mức cung cấp thông tin tra cứu; đã tích hợp 1.073 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để phục vụ cá nhân, tổ chức nộp, giải quyết hồ sơ, trong đó có 295 DVCTT một phần và 778 DVCTT toàn trình.

Là một trong những đơn vị cấp huyện tích cực trong việc triển khai DVCTT, UBND huyện Văn Lãng đã có nhiều giải pháp đồng bộ. Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận trên 23.000 hồ sơ TTHC, trong đó, tiếp nhận trực tuyến gần 21.000 hồ sơ, đạt 97,95%, vượt 12,95% chỉ tiêu.

Bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng và ban hành kế hoạch chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” tăng cường thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC trên DVCTT, hướng dẫn người dân tạo tài khoản và quy trình nộp hồ sơ. Đồng thời, chúng tôi cũng quan tâm, bố trí trang bị đầy đủ cơ sở vật chất tại bộ phận “một cửa” cấp huyện, chỉ đạo UBND xã thường xuyên nâng cấp trang thiết bị bộ phận “một cửa” cấp xã.

Không riêng UBND huyện Văn Lãng, việc triển khai ứng dụng DVCTT trong thực hiện TTHC đã được 100% các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước trong tỉnh quan tâm, chú trọng. Theo đó, chính quyền từ tỉnh đến xã đã chỉ đạo sát sao, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bằng nhiều hình thức đa dạng như: qua loa truyền thanh; qua tờ rơi, tập gấp... Đặc biệt, mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng, 1 tổ hướng dẫn người dân thực hiện TTHC, dịch vụ bưu chính công ích, DVCTT tại bộ phận “một cửa”...

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng chú trọng trang bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện. Các thiết bị phụ trợ như: máy in, máy photo, máy quét, thiết bị mạng được trang bị cơ bản; 100% cơ quan, đơn vị toàn tỉnh được trang bị đầy đủ máy tính. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) được duy trì hoạt động ổn định, kết nối thành công đến 42 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trong đó có 24 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương. Đặc biệt, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh vận hành hiệu quả, triển khai đồng bộ, thống nhất đến 228 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo sự thống nhất về cơ sở dữ liệu trong thực hiện TTHC giúp thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Người dân dần thay đổi thói quen

Nếu như trước đây, việc thực hiện TTHC trực tuyến của người dân còn thụ động, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận còn thấp, cơ quan hành chính nhà nước thường xuyên phải tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân sử dụng thì hai năm trở lại đây, cá nhân, tổ chức khi thực hiện các TTHC đều ưu tiên lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chỉ tính riêng năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 448.000 hồ sơ TTHC, trong đó hơn 400.000 hồ sơ TTHC được tiếp nhận trực tuyến, chiếm trên 89,3%, tăng 7,7% so với năm 2023; 100% số lượng hồ sơ này được giải quyết đúng và trước hạn.

Trước đây, xuất phát vì tâm lý e ngại sợ mất giấy tờ trong quá trình xử lý, thêm vào đó là hạn chế về công nghệ thông tin nên chị Chu Thị Kiều, thôn Hợp Nhất, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng vẫn chưa sử dụng phương thức trực tuyến để nộp hồ sơ. Khi có nhu cầu thực hiện các TTHC, chị Kiều thường đến trực tiếp Bộ phận “một cửa” UBND xã nộp hồ sơ theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, sau vài lần được công chức hướng dẫn tỉ mỉ, nhận thấy được tiện lợi của DVCTT mang lại chị Kiều đã nộp hồ sơ trực tuyến thành công. Chị Kiều cho biết: Cuối năm 2024, tôi có nhu cầu làm một số giấy tờ liên quan tới lĩnh vực đất đai, tôi đã thực hiện nộp hồ sơ qua DVCTT trên thiết bị di động có kết nối mạng. Chỉ cần thông qua một số thao tác được hướng dẫn là đã nộp được hồ sơ rất tiện lợi.

Cũng giống như chị Kiều, anh Hoàng Quốc Toản, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn mặc dù còn khá trẻ, thành thạo về công nghệ thông tin nhưng trước đây anh vẫn khá hoài nghi với việc nộp hồ sơ TTHC qua DVCTT vì các bước thực hiện phức tạp. Tuy nhiên, sau khi một số người bạn của anh đã thực hiện và tỏ ra hài lòng, anh Toản mới dần thay đổi suy nghĩ. Anh Toản chia sẻ: Sử dụng DVCTT để nộp hồ sơ TTHC không khó như tôi vẫn nghĩ. Thay vì muốn thực hiện TTHC phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thì nay, với phương thức DVCTT, mọi việc liên quan đến TTHC có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị; đồng thời, có thể theo dõi được tình trạng giải quyết hồ sơ.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự nỗ lực, vào cuộc của các cấp, ngành, việc triển khai DVCTT đã đạt được kết quả tích cực, đặc biệt người dân đã chủ động lựa chọn trực tuyến là phương thức chính khi thực hiện TTHC. Đây là tín hiệu tích cực, đáng mừng, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong việc hình thành thói quen sử dụng DVCTT cho người dân, tạo hiệu quả trong phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện TTHC qua DVCTT, trong đó, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thuc-hien-thu-tuc-hanh-chinh-truc-tuyen-nguoi-dan-chu-dong-tao-ket-qua-tich-cuc-5038630.html