Bước chuyển mình của xuất bản sau 15 năm gia nhập Công ước Bern
15 năm sau Công ước Berne, xuất bản Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh đến ngạc nhiên, cập nhật tri thức, văn hóa, thúc đẩy khát vọng sáng tạo.
Người ta ví von rằng chuyện xây dựng luật bản quyền không khác gì đĩa mì spaghetti, loằng ngoằng, rối tinh, vặn xoắn, tít mù. Nhưng cũng như đĩa mì spaghetti thơm ngậy giờ đây được yêu thích khắp thế giới, Công ước Berne - dù mất tới 8 năm để "lên đĩa" - đã trở thành bộ luật được áp dụng rộng rãi và nhiều quốc gia cũng như những người sáng tạo trở nên "ấm no".
Quá trình ra đời Công ước Berne: "Rối như đĩa mì spaghetti”
Công ước Berne (Berne Convention) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật được 10 nước châu Âu cùng ký tại thành phố Bern của Thụy Sĩ năm 1886. Nội dung chính của Công ước là: những quốc gia nào tham gia công ước sẽ công nhận quyền tác giả của các tác phẩm xuất bản tại quốc gia khác cũng tham gia Công ước.
Từ năm 1878, theo sáng kiến của Hội nhà văn Pháp, một Hội nghị Văn chương Quốc tế do nhà văn Victor Hugo làm chủ tịch đã được tổ chức ở Paris, với sự tham dự của các nhà văn trong và ngoài nước, các đại sứ và bộ trưởng của nhiều nước từ châu Âu, châu Mỹ, thảo luận về vấn đề xây dựng một bộ luật quốc tế nhằm bảo vệ quyền sở hữu đối với các tác phẩm văn chương nghệ thuật.
Sau đó, các hội thảo quốc tế về công ước được tổ chức cứ mỗi năm một lần để lấy ý kiến. Tám năm sau, người ta mới đặt được lời kết thúc cho bộ luật quá ư phức tạp này.
Công ước Berne ra đời, có những sửa đổi nhưng vẫn được dùng cho đến ngày nay. Theo đó việc in ấn sao chép tự do các tác phẩm nước ngoài sẽ không được chấp nhận, mà phải được sự đồng ý của tác giả thông qua việc ký kết các hợp đồng với các điều khoản bảo hộ quyền lợi của tác giả mạnh mẽ nhất.
Việt Nam vào Công ước Berne: Không thể đặng đừng
Đến tận ngày 26/10/2004, Việt Nam mới chính thức có mặt, là thành viên thứ 156 (trên tổng số hiện nay là 175 - theo WIPO), khá muộn so với nhiều nước thế giới. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, vấn đề này cũng không đơn giản và có thể nhanh được như mong muốn. Đôi khi chúng ta hay kêu ca nhà nước chậm chạp, nhưng chính sách là vấn đề có tính hệ thống, không thể ngày một ngày hai mà xong.
Quá trình tham gia Công ước Berne là nỗ lực dài, không ngừng nghỉ của nhà quản lý và ngành xuất bản.
Hãy lấy mốc là Đổi Mới 1986. Trước 1986 nhận thức chung về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa cao, vấn đề tác quyền gần như chỉ hiểu một cách hạn hẹp trong phạm vi nhuận bút. Khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành nghị định số 142/HĐBT năm 1986 quy định về quyền tác giả, chúng ta mới có nhận thức mới mẻ về vấn đề bản quyền.
Tuy nhiên luật vẫn còn khá thô sơ so với châu Âu khi chỉ bảo hộ tác quyền về mặt pháp lý với các tác giả trong nước. Với các tác giả nước ngoài thì các nhà xuất bản (NXB) trong nước tự do dịch, in ấn, sao chép vô tội vạ, không hề xin phép và không trả phí tác quyền, người dịch tùy ý chêm câu cú ý tứ của mình vào, hoặc chỗ nào thấy không hay thì… cắt phéng đi!
Muốn hội nhập toàn cầu, Việt Nam không thể không bảo hộ quyền tác giả theo công ước quốc tế. Chưa kể việc sử dụng chất xám miễn phí từ nước ngoài cũng gây ra thói quen xấu là thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác trên phạm vi toàn xã hội, dẫn đến nguy cơ làm méo mó bản gốc, gian lận tác quyền, trái nguyên tắc đạo đức và làm giảm niềm hứng thú sáng tạo trong xã hội.
Năm 1999 Bộ Văn hóa - Thông tin đã đệ lên Chính phủ Tờ trình về việc tham gia Công ước Berne. Nhưng để gia nhập cần một quá trình chuẩn bị lâu dài, trong đó có sửa đổi luật trong nước, thì mới có thể thực hiện Công ước hiệu quả.
Việt Nam mất 5 năm kể từ khi có Tờ trình nói trên đến lúc chính thức gia nhập năm 2004, đó cũng không phải là quãng thời gian quá dài, nhất là với một đất nước mới trải qua chiến tranh và vận hành theo cơ chế tập trung bao cấp. Hẳn đấy cũng là một quá trình "rối như canh hẹ".
Bước chuyển mình của xuất bản Việt Nam sau Công ước Berne
Công ước Berne có thể nói đã khiến nền xuất bản Việt Nam có biến động lớn, đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc của các công ty xuất bản tư nhân. Rõ ràng việc chỉ in sách trong nước là không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, cho nên "mua bản quyền hay là chết"!
Các công ty như Trí Việt, Phương Nam, Nhã Nam, Alpha Books, Đông A, Thái Hà, Đinh Tị… nhanh chóng tổ chức nhân sự, mua bản quyền khắp thế giới các đầu sách từ văn học, khoa học, kỹ năng đến kinh tế, thiếu nhi, phù hợp với từng tiêu chí của mình. Nhờ thế mà xuất bản Việt Nam đã bắt kịp với nhịp độ của xuất bản thế giới. Nhiều đầu sách đã xuất bản trong nước chỉ vài tháng sau khi bản gốc ra mắt trên thế giới.
Rõ ràng việc chỉ in sách trong nước là không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, cho nên "mua bản quyền hay là chết"!
Hoạt động mua bán bản quyền với các tác giả trong nước cũng sôi nổi đa dạng, vị thế của tác giả được nâng cao rõ rệt. Xuất bản trong nước do đó ngày càng minh bạch hơn về bản quyền. Nhiều sự vi phạm đã bị kiện và phải bồi thường. Như NXB Giáo dục từ 2014 đã thực hiện trả tác quyền cho các tác giả có tác phẩm dùng trong sách giáo khoa, theo đề nghị của Hội Nhà văn Việt Nam.
Vì yếu tố cạnh tranh nên người ta buộc phải làm sách chuyên nghiệp hơn, biên tập kỹ hơn, hình thức mỹ thuật được đầu tư sinh động đa dạng với nhiều cách thể hiện mới mẻ để thu hút người mua. Dần dần các thương hiệu xuất bản được định hình trong đầu người đọc, không như trước đây khi mua sách người ta chỉ để ý tên tác giả chứ chẳng quan tâm đến nơi nào làm sách.
Công ước Berne là cuộc thanh lọc lớn đối với các NXB nhà nước. Ra khỏi bao cấp, nhiều NXB đã phải trải qua một cuộc thử thách gay gắt với cơ chế thị trường, nhưng Công ước Berne mới thật sự đẩy một loạt các NXB có cơ chế chậm chạp vào tình thế trở tay không kịp trước bài toán tổ chức nhân sự và bài toán kinh doanh.
Trong khi đó, khối tư nhân nhanh nhạy đã lập bộ phận bản quyền, nhanh chóng tìm hiểu các loại hợp đồng bản quyền, bắt tay với các đại lý bản quyền trên thế giới và chứng minh rằng mua bản quyền cũng "bình thường như cân đường hộp sữa".
Rốt cuộc trừ một số NXB nhanh nhẹn có thể đếm trên đầu ngón tay: Trẻ, Kim Đồng, Giáo dục, Phụ Nữ... đa số NXB lui về tuyến sau nhường sân đấu sôi động cho các đơn vị tư nhân, thu gọn hoạt động, vừa song song làm sách, vừa liên kết xuất bản với các công ty tư nhân.
Có NXB, doanh thu từ cấp giấy phép có khi chiếm một nửa hoặc thậm chí chiếm phần lớn. Một trong những chuyện có thật mà nghe như “truyền thuyết” là nhà xuất bản Văn hóa Thông tin từng phải cho thuê tầng một làm quán cơm, nhân viên không có lương cho nghỉ ở nhà, chỉ mình ông giám đốc đến ngồi… “bán” giấy phép!
Xuất bản khuấy động đời sống
Có thể điểm qua một vài hiện tượng nổi bật của xuất bản sau 1986, để thấy các nhà làm sách đã nhanh nhạy thế nào và sách có thể khuấy động đời sống ra sao.
Doraemon vào Việt Nam năm 1992, không chỉ “cứu sống” NXB Kim Đồng, mà còn tạo nên một hiện tượng chưa từng có trong làng xuất bản, đến nay đã thành một thứ cần phải đọc khi đi qua tuổi thơ của trẻ em Việt Nam. Harry Porter là một hiện tượng văn hóa toàn cầu, và ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản năm 2005 - là một trong mười sự kiện văn hóa của năm, bán hơn nửa triệu bản, tạo nên không khí nhà nhà người người tìm đọc.
Các kỳ tích thời đương đại, tạm tính trong khoảng mười năm trở lại đây có các tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh (NXB Trẻ), Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư (NXB Trẻ), Trên đường băng - Tony Buổi sáng (NXB Trẻ), Nhà giả kim - Paulo Coelho (Nhã Nam), Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Rosie Nguyễn (Nhã Nam), Tôi tài giỏi, bạn cũng thế - Adam Khoo (First News)... Trong những cái tên này thì Nguyễn Nhật Ánh đứng đầu bảng với hơn mười đầu sách bán chạy, cứ ra cuốn nào là “hot” cuốn đó. (Tiếc là hiện nay Việt Nam chưa có sách triệu bản, trừ sách giáo khoa).
Công ước Berne là cuộc thanh lọc lớn đối với các nhà xuất bản nhà nước. Ra khỏi bao cấp, nhiều nhà xuất bản đã phải trải qua một cuộc thử thách gay gắt với cơ chế thị trường
Thị trường xuất bản sôi động với hàng trăm nhà xuất bản, công ty xuất bản và phát hành sách tất nhiên sẽ khiến cho cơ hội ra sách của người viết bung nở, thúc đẩy cảm hứng sáng tạo.
Một đơn vị này không nhận in tác phẩm của bạn? Hãy đưa nó qua một nơi khác và một nơi khác nữa, cứ thế cho đến khi nó được chấp nhận. Bạn cũng có thể chỉ xin giấy phép qua một nhà xuất bản nào đó, rồi tự biên tập, thiết kế, in ấn, phát hành - như một nhà xuất bản độc lập.
Trường hợp cuốn truyện tranh Long Thần Tướng của nhóm tác giả Phong Dương Comics, thực sự là một hiện tượng độc đáo của xuất bản trong nước. Họ chỉ xin giấy phép qua một nhà xuất bản, còn lại các khâu tự làm. Họ tiến hành gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) và thu được hàng trăm triệu để sản xuất, thông qua mấy mức đóng quỹ, trong đó mức cao nhất là 6 triệu đồng và người đóng quỹ sẽ được… xuất hiện là nhân vật phụ ở đâu đó trong cuốn truyện! Bộ truyện rất thành công, năm 2016 được Bộ ngoại giao Nhật Bản trao giải Bạc giải thưởng International Manga Award lần thứ 9, NXB Amok của Tây Ban Nha đã mua bản quyền để phát hành tại Tây Ban Nha và các nước Mỹ Latin.
Tính sôi động của nền xuất bản còn thể hiện ở việc các chủng loại sách xuất hiện đa dạng phong phú; đặc biệt dòng phi hư cấu phát triển mạnh với nhật ký, du ký, bình luận xã hội, tạp bút, tiểu luận, sách tranh, sách kể chuyện với ảnh... Có vẻ như cái gì cũng có thể thành sách được. Điển hình, cuốn Thương nhớ thời bao cấp, là các câu nói cửa miệng thời bao cấp cùng tranh minh họa rất thanh công. Sách thiếu nhi sẽ xuất hiện nhiều sách tương tác, sách 3D, sách zigzag…
15 năm sau Công ước Berne, một chặng đường không dài, nhưng có thể nói xuất bản Việt Nam phát triển với tộc độ nhanh đến ngạc nhiên. Đến nay, không thể không ghi nhận rằng nền xuất bản đã làm được nhiều điều, đó là cập nhật các giá trị tri thức, văn hóa thế giới cho người đọc trong nước, thúc đẩy lòng yêu sách của xã hội, và cuối cùng thúc đẩy khát vọng sáng tạo của chính những người viết.