Bước chuyển tích cực trong phát triển nông, lâm, thủy sản

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với cách làm và hướng đi phù hợp, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tiếp tục phát triển mạnh, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm trên một diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng cam của hộ dân bản Nà Pa, xã Mường Sang (Mộc Châu).

Mô hình trồng cam của hộ dân bản Nà Pa, xã Mường Sang (Mộc Châu).

Với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất hàng hóa, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượ̣ng cao; khảo nghiệm và đưa vào sản xuất bộ giống hợp lý có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng, gồm: 4 giống mía, 19 giống ngô, 5 giống lúa, 2 giống chè, 20 giống cây ăn quả các loại... Qua đó, đã tạo ra các sản phẩm khác biệt mang tính đặc trưng của từng vùng, có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cây công nghiệp, cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn quả đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Toàn tỉnh đã giảm diện tích cây lương thực trên đất dốc, phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp theo quan điểm đầu tư thâm canh, ổn định diện tích hiện có, cải tạo vườn cây già cỗi bằng những giống mới có năng suất, chất lượng cao, mở rộng diện tích theo quy hoạch ở những vùng có điều kiện, lợi thế; phát triển vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Ước đến năm 2020, toàn tỉnh có 39.802 ha cây công nghiệp, tăng 35% so với 2015, 80.515 ha cây ăn quả và cây sơn tra, tăng 411% so với năm 2015, sản lượng quả ước đạt 278.111 tấn, tăng 266% so với năm 2015.

Mô hình nuôi cá trắm đen của HTX vận tải Hợp Lực trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Mô hình nuôi cá trắm đen của HTX vận tải Hợp Lực trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường được tập trung thực hiện. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng và hình thành 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Mộc Châu - Vân Hồ, gồm: Vùng sản xuất rau an toàn, vùng chè, vùng sản xuất hoa. Mối liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học) tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả, đã tạo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Đến nay toàn tỉnh có 124 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 18 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 1 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài; có 466 doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 311 doanh nghiệp, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả, có tốc độ tăng trưởng khá toàn diện. Chương trình phát triển chăn nuôi đại gia súc đã có bước đột phá, trọng tâm là phát triển các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với vệ tinh là các hộ gia đình, tạo điều kiện cho nông dân từng bước tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Hiện, toàn tỉnh có 22 hợp tác xã chăn nuôi, 352 trang trại chăn nuôi, chủ yếu là trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ; đảm bảo cung cấp các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, diện tích, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đều tăng, do các hình thức nuôi trồng thủy sản chuyển đổi theo hướng đi vào chiều sâu thông qua việc ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.551 ha, sản lượng khai thác 6.577 tấn, thì đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt 2.792 ha, sản lượng khai thác ước đạt 8.826 tấn. Nhiều mô hình nuôi các loài thủy đặc sản có hiệu quả kinh tế cao đang được tiếp tục nhân rộng như mô hình nuôi cá bỗng, cá chiên, cá lăng, trắm đen, cá nheo, ba ba... và phát huy tiềm năng địa lý để phát triển cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi). Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh đã quản lý, phát triển rừng, tập trung trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, rừng đầu nguồn Sông Mã; bảo tồn và phát triển các khu rừng đặc dụng Xuân Nha, Sốp Cộp, Côpia, Tà Xùa; khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, tái sinh có kết hợp trồng bổ sung rừng sản xuất. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã trồng mới 9.787 ha; triển khai thực hiện chính sách thu phí môi trường rừng, phí dịch vụ môi trường rừng, trung bình hàng năm thu trên 100 tỷ đồng.

Với sự cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, lĩnh vực nông, lâm, nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 4,57%; giá trị thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đến năm 2020 ước đạt 38 triệu đồng, tăng 34,3% so với năm 2015; giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 121 triệu/ha, tăng 33,6% so với năm 2015.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/buoc-chuyen-tich-cuc-trong-phat-trien-nong-lam-thuy-san-27516