Bước chuyển trong thu phí vệ sinh môi trường

Qua tuyên truyền, phần lớn người dân đã nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thu gom, xử lý rác thải. Theo đó, tỷ lệ hộ dân nộp tiền vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng. Nhiều xã, thị trấn có 100% hộ dân tham gia dịch vụ này.

100% xã, thị trấn thu được phí VSMT

Từ năm 2020 trở về trước, dù UBND tỉnh đã có quy định về giá dịch vụ thu gom, xử lý rác thải, song do nhiều nguyên nhân việc triển khai dịch vụ này vẫn còn hạn chế, chủ yếu mới được thực hiện ở các khu đô thị, thị trấn, thị tứ. Một phần rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày vẫn do người dân tự xử lý.

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải; Quyết định 39/2021/QĐ-UBND tỉnh quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện, tạo bước chuyển biến trong công tác này.

Thu gom rác tại thôn Dũng Tiến, xã Hương Gián (Yên Dũng).

Thu gom rác tại thôn Dũng Tiến, xã Hương Gián (Yên Dũng).

Hiện các huyện, TP đã hoàn thành tỷ lệ thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 18/6/2021 (tăng 5 huyện so với năm 2021). 100% các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai thu tiền dịch vụ VSMT (tăng 35 xã so với năm 2021). Tỷ lệ thu tiền dịch vụ VSMT toàn tỉnh đạt 89,7%, tăng gần 10% so với năm 2021. Theo số liệu thống kê sơ bộ của các huyện, TP, năm 2022, toàn tỉnh thu được hơn 70 tỷ đồng tiền phí dịch vụ VSMT. Các địa phương có tỷ lệ thu đạt cao là TP Bắc Giang hơn 17,2 tỷ đồng, Hiệp Hòa hơn 10,6 tỷ đồng, Việt Yên hơn 10 tỷ đồng, Lạng Giang gần 10 tỷ đồng, Yên Dũng 9,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Hương Gián (Yên Dũng) thông tin: “Nếu như năm 2021, xã chỉ thu được hơn 600 triệu đồng phí VSMT thì năm 2022, số tiền này đã tăng lên gần 780 triệu đồng. Tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ đạt 100% số hộ sinh sống tại địa phương. Cùng với khoản tiền hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, có nguồn thu này, xã đã cân đối được thu - chi cho công tác thu gom đưa rác về khu xử lý. Hiện mỗi ngày, toàn xã phát sinh khoảng 5,2 tấn rác thải sinh hoạt, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 95%, đường thôn quê nhờ đó phong quang, sạch đẹp hơn".

Không riêng tại Hương Gián, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng, toàn huyện có 39.415 hộ ở 18 xã, thị trấn thì năm 2022, tỷ lệ thu tiền dịch vụ VSMT trung bình đạt 86% số hộ (mức thu từ 7 - 15 nghìn đồng/nhân khẩu). Trong số này có 11 xã, thị trấn có tỷ lệ thu đạt từ 95-100%.

Đưa dịch vụ vào nền nếp

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc thu phí dịch vụ vệ sinh đạt kết quả tích cực là do thời gian qua, UBND các huyện, TP đã quan tâm tuyên truyền, rà soát, đánh giá đúng thực trạng; từ đó xây dựng, ban hành bảng giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tế tại địa phương và quy định của tỉnh. Ý thức, nhận thức của người dân, trong đó có một bộ phận người dân miền núi, vùng sâu, xa đối với việc giữ gìn VSMT được nâng lên.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của các huyện, TP, năm 2022, toàn tỉnh thu được hơn 70 tỷ đồng tiền phí dịch vụ VSMT. Các địa phương có tỷ lệ thu đạt cao là TP Bắc Giang hơn 17,2 tỷ đồng, Hiệp Hòa hơn 10,6 tỷ đồng, Việt Yên hơn 10 tỷ đồng, Lạng Giang gần 10 tỷ đồng, Yên Dũng 9,3 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Ngọc, thôn Bồng 1, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) cho biết: “Toàn bộ rác thải từ quá trình sinh hoạt trước đây, gia đình tôi đều đưa ra góc vườn, để khô rồi đốt. Năm 2021, địa phương triển khai thu phí VSMT, tôi còn băn khoăn chưa tham gia. Nhưng theo dõi hoạt động của tổ thu gom rác một thời gian, thấy họ làm khá sạch, môi trường chung sạch hơn nên năm ngoái, tôi đã nộp khoản dịch vụ này để rác của gia đình được thu gom, xử lý đúng quy trình”.

Bà Bùi Thị Hương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cũng cho rằng, công tác thu phí dịch vụ VSMT trên địa bàn huyện đạt cao so giai đoạn trước là do huyện chú trọng làm tốt việc tuyên truyền, vận động hộ gia đình, người dân hiểu rõ về quy định này. Nhờ người dân đồng thuận ủng hộ, trong 2 năm 2021-2022, huyện đã xây dựng, lắp đặt được 10 lò đốt rác công nghệ cao đưa vào hoạt động hiệu quả. Thấy rõ sự chuyển biến trong công tác thu gom, xử lý rác thải, người dân cũng ý thức hơn trong việc nộp phí VSMT. Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn (nhất là ở những nơi có tỷ lệ thu tiền VSMT thấp) tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phấn đấu 100% hộ dân tham gia dịch vụ này.

Với mục tiêu toàn bộ rác thải sinh hoạt được phân loại, thu gom, xử lý triệt để, tại buổi kiểm điểm công tác này quý I/2023, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các sở, ngành UBND các huyện, TP hoàn thiện hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy, khu xử lý, lò đốt rác công nghệ cao. Đồng thời chỉ đạo Sở Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác thu, quản lý, sử dụng tiền thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá việc phân bổ, hạch toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đối với hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, kịp thời báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp chỉ đạo… bảo đảm không để phát sinh các điểm tồn lưu rác thải không đúng quy định. Cơ quan, đơn vị, địa phương nào thực hiện không tốt các nhiệm vụ trên thì người đứng đầu tổ chức, địa phương đó sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm.

Bài, ảnh: Tuấn Dương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/402679/buoc-chuyen-trong-thu-phi-ve-sinh-moi-truong.html