Bước chuyển từ việc hỗ trợ phụ nữ nghèo sinh con đúng chính sách
PTĐT - Những đứa trẻ của 'Nghị định 39' là cách nói vui của những người làm công tác dân số ở cơ sở khi chúng tôi tìm hiểu về quy định hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách theo Nghị định 39 của Chính phủ.
PTĐT - Những đứa trẻ của “Nghị định 39” là cách nói vui của những người làm công tác dân số ở cơ sở khi chúng tôi tìm hiểu về quy định hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách theo Nghị định 39 của Chính phủ. Mỗi đứa trẻ sinh ra tại bản động vùng cao trong gia đình nghèo dân tộc thiểu số cùng bản cam kết như lời động viên, nhắn nhủ về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ chúng trong việc thực hiện đúng chính sách dân số. Nhờ đó, nhiều gia đình đã dừng lại ở quy mô ít con để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.
Cam kết “kế hoạch hóa”
Chỉ còn ít ngày nữa, cháu Đinh Trọng Ngọc - con trai của vợ chồng anh Binh, chị Tân (dân tộc Mường) ở xóm Chiềng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn đón sinh nhật 5 tuổi. Cậu bé là con út trong gia đình có 3 anh, chị em. Anh trai của Ngọc bị bại não, nên đầu năm 2016, bố mẹ quyết định sinh thêm Ngọc mặc dù gia cảnh rất khó khăn. Số phận thật trớ trêu khi được 5 tháng tuổi, Ngọc bắt đầu đổ bệnh, tay chân yếu dần, cơ vận động kém phát triển khiến cho em không thể tự đi lại, vui đùa như bạn bè cùng trang lứa. Ôm đứa con thơ với ánh mắt hồn nhiên, đôi chân queo quắt trong lòng mà ruột gan chị Tân thắt lại. Đưa ánh mắt buồn qua ô cửa sổ của ngôi nhà sàn nằm ở lưng đồi hun hút gió lạnh lùa tứ phía, chị Tân trầm ngâm: “Cháu Ngọc là niềm hy vọng lớn lao của vợ chồng tôi. Sau khi sinh cháu được hơn 1 tháng thì cán bộ dân số xã đến tận nhà tuyên truyền, vận động nếu ký vào bản cam kết không sinh thêm con nữa thì sẽ được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Vợ chồng tôi đồng ý ngay vì nghĩ rằng cuộc sống vất vả, nuôi 3 đứa con trong đó có đứa bị bệnh không đói là may lắm rồi chứ đẻ nữa lấy gì mà ăn. Cái số gia đình tôi long đong, lận đận thôi thì đành chấp nhận mà vun vén, chăm sóc cho các cháu thôi”.
Mặc dù cũng sinh ra trong gia đình nghèo, nhưng Đinh Trung Hậu - con trai thứ 2 của vợ chồng chị Phùng Thị Thiệp ở khu Lau, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn vẫn may mắn hơn Đinh Trọng Ngọc bởi mới 26 tháng tuổi đã miệng nói chân đi. Bế đứa con nhỏ trên tay, chị Thiệp kể: “Vợ chồng em được bố mẹ cắt đất cho ở riêng từ khi cháu đầu được 1 tuổi. 7 năm ra ở riêng mà vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Chồng em đi làm thợ xây ở Thái Bình vài tháng mới đoảng về thăm nhà một lần”. Các gia đình dừng lại ở 2 con không chỉ đơn thuần là muốn nhận khoản tiền hỗ trợ 2 triệu đồng, mà hơn thế họ đã ý thức tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch nhằm vun đắp cuộc sống ngày một no đủ. Đơn cử như hộ chị Hà Thị Mão ở khu Vèo, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn sinh con một bề là gái cũng đã ký cam kết không sinh thêm con thứ 3. Là hộ cận nghèo ở khu, cố gắng lắm năm vừa qua, vợ chồng chị mới cất được ngôi nhà cấp 4 chưa quét vôi ve với một vài vật dụng sinh hoạt giản đơn. Do đó, dừng lại ở 2 con là quyết định đúng đắn để anh chị tập trung nuôi dưỡng con cái và vực dậy kinh tế, vươn lên thoát cận nghèo.
Cán bộ dân số xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn tuyên truyền cho gia đình đã được nhận hỗ trợ theo Nghị định 39 tuân thủ thực hiện đúng chính sách dân số.
Nâng cao chất lượng dân sốHỗ trợ phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách nhằm khuyến khích người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nhiều cặp vợ chồng đã nhận thức đầy đủ hơn lợi ích của việc dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Một số xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, nhờ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện cuộc sống. Mất gần một giờ đồng hồ di chuyển dọc tỉnh lộ 316, chúng tôi đến với xã đặc biệt khó khăn Yên Sơn, huyện Thanh Sơn - nơi có trên 85% là đồng bào dân tộc Dao, Mường sinh sống rải rác ở 12 khu, bản động vùng cao.Trước đây, người dân vùng này vẫn giữ quan niệm “đông con, đông của” nên phụ nữ thường đẻ nhiều. Tuy nhiên, họ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn đông con - nghèo đói. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cán bộ dân số xã cùng cộng tác viên dân số thôn, bản đã vận động người dân hiểu đúng chính sách dân số, tạo điều kiện cho gia đình sinh ít con phát triển sản xuất, tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. 65 phụ nữ ở xã đã được nhận hỗ trợ từ Nghị định 39. Trong khi nhiều địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng, thì năm 2020 ở Yên Sơn, số trẻ là con thứ 3 giảm đáng kể chỉ đếm trên đầu ngón tay.Điều đáng ghi nhận khi chúng tôi gặp gỡ các gia đình dân tộc thiểu số ký cam kết sinh con đúng chính sách đó là những lời khẳng định “chắc nịch” sẽ không sinh thêm con. Được đánh giá là địa phương thực hiện tốt Nghị định 39, từ năm 2015 đến nay, huyện Tân Sơn đã có 625 người thụ hưởng chính sách hỗ trợ này của Chính phủ.Bà Hồ Thị Kim Xuân - Giám đốc Trung tâm dân số huyện nhận định: “Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được triển khai thực hiện với những hình thức phù hợp, giúp đối tượng thụ hưởng nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ trong việc thực hiện đúng chính sách dân số. Nhờ đó, huyện đã kiểm soát tốt các chỉ tiêu về tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh. Chỉ riêng năm 2020, huyện có 2 xã là Tân Sơn và Vinh Tiền không có người sinh con thứ 3. Số khu không có người sinh con thứ 3 cũng liên tục tăng”.
Với đặc điểm là tỉnh trung du miền núi, Phú Thọ trở thành nơi quần tụ của 21 dân tộc anh em cùng chung sống. 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 1.634 người được hỗ trợ tương đương hơn 3,2 tỷ đồng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh cũng đã bố trí từ nguồn ngân sách địa phương hơn 1,7 tỷ đồng nhằm chi trả kịp thời cho người dân. Thông qua hoạt động này đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ... Với các địa phương, Nghị định 39 là cơ sở pháp lý để triển khai chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách nói riêng. Ngay từ những ngày đầu mới triển khai đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số và tác động lớn đến đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn khó khăn. Ông Hà Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm dân số huyện Thanh Sơn chia sẻ: “Thực tế trong quá trình rà soát lập danh sách người nhận hỗ trợ, nhiều gia đình từ chối không làm hồ sơ kê khai bởi họ sợ vi phạm cam kết vì vẫn muốn sinh thêm con. Điều đó đã gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động của những cán bộ dân số trên địa bàn”. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 13 phụ nữ đã nhận tiền hỗ trợ nhưng lại vi phạm chính sách dân số, trong đó có 7 người đã nộp trả lại tiền hỗ trợ, còn 6 người vẫn chưa thể thu hồi.Điều ý nghĩa nhất từ Nghị định 39 là đã giúp bà con dân tộc thiểu số vùng khó nâng cao nhận thức trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Và tương lai của những đứa trẻ vùng khó sinh ra trong gia đình ít con sẽ tươi sáng hơn khi được chăm sóc, học hành đến nơi đến chốn.