Bước chuyển về trọng tâm tấn công bằng UAV vào lãnh thổ Nga của Ukraine
Gần đây, Ukraine liên tục 'thổi lửa chiến tranh' vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhưng đáng chú ý hơn cả là việc máy bay không người lái (UAV) đã tấn công các mục tiêu là nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng dầu khí trên toàn nước Nga từ ngoài khơi Biển Baltic ở phía Tây Bắc đến Biển Đen ở phía Tây Nam.
Những cuộc tấn công vươn tầm xa dần
Nga hiện có khoảng 30 nhà máy lọc dầu lớn và 80 nhà máy lọc dầu nhỏ khác. Các nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Liên bang Nga được đặt tại các thành phố: Omsk, Kirishi (St. Petersburg), Ryazan, Kstovo (Nizhny Novgorod), Volgograd, Yaroslavl, Perm, Moscow, Tuapse. Những tin tức gần đây cho thấy, nhiều nhà máy trong số này đã nằm trong tầm tấn công của các máy bay không người lái. Đây là điều bất ngờ đối với Nga.
Cụ thể, vào ngày 9/2, máy bay không người lái đã tấn công cả hai nhà máy lọc dầu Ilsky và Afipsky ở vùng Krasnodar của Nga, nằm ở phía Đông Bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập năm 2014. Sự cố này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi một nhà máy lọc dầu khác ở Volgograd, lớn nhất ở miền Nam nước Nga, bị tấn công.
Trước đó vào hôm 29/1, một chiếc máy bay không người lái đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở thành phố Yaroslavl của Nga. Vào ngày 25/1, nhiều thiết bị quan trọng ở cơ sở lọc dầu gần Tuapse đã trúng đòn tấn công của máy bay không người lái. Chuyện khá tương tự đã xảy ra tại cảng dầu Ust-Luga của tập đoàn Novatek vào ngày 21/1 còn vào ngày 19/1, máy bay không người lái đã đánh trúng bồn chứa ở kho dầu ở Klintsy thuộc tỉnh Bryansk. Trước đó một hôm, máy bay không người lái cũng tấn công thành công Cảng dầu St. Petersburg của Nga.
Nếu xem xét kĩ sẽ thấy những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm các nhà máy lọc dầu và hạ tầng dầu khí của Nga đang phát triển theo hướng vươn tầm xa dần, ban đầu ở gần biên giới Ukraine, sau đó dần tiến sâu hơn nhiều trong lãnh thổ Nga. Bên cạnh đó, Ukraine thường không xác nhận hành động của mình ở bên ngoài biên giới. Nga cũng không chính thức thừa nhận máy bay không người lái là nguyên nhân của những sự cố này. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đã xác định là có can dự của phía Ukraine trong các cuộc tấn công xảy ra thường xuyên vào thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine gần đến mốc hai năm.
Xem video máy bay không người lái tấn công gây hỏa hoạn ở nhà máy lọc dầu Ilsky của Nga hôm 9/2. Nguồn: X
Mục đích gây đa tổn thương
Giáo sư Sergey Radchenko thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp Johns Hopkins cho rằng khi máy bay không người lái hướng mục tiêu tới là các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng dầu khí trên toàn nước Nga rõ ràng mục đích của nó là nhằm gây tổn thương. Việc tấn công các mục tiêu này ít gây sự chú ý hơn, nhưng lại mang tới tác động chiến lược cao hơn.
Xem xét lịch sử sẽ thấy các cuộc tấn công vào giếng dầu, nhà máy lọc dầu và kho chứa dầu tỏ ra rất thành công và góp phần lớn vào sự sụp đổ chung của nền kinh tế Đức vào cuối Thế chiến thứ hai. Theo Bộ trưởng Vũ khí Đức khi đó, ông Albert Speer, Đức đã bị đánh bại vào ngày 12/5/1944, khi quân Đồng minh ném bom trên quy mô lớn, phá hủy 90% các nhà máy sản xuất nhiên liệu tổng hợp.
Ở thời hiện đại, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đầu tiên vào một nhà máy lọc dầu được biết đến xảy ra vào ngày 14/9/2019, do phong trào Houthi ở Yemen thực hiện. Đó là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào nhà máy chế biến dầu sơ cấp lớn nhất thế giới ở Abqaiq thuộc miền Đông Saudi Arabia và một nhà máy lọc dầu tại mỏ dầu Khurais. Cuộc tấn công khiến sản lượng dầu của Saudi Arabia tạm thời giảm một nửa (từ 9,8 triệu thùng xuống 4,1 triệu thùng), tương đương 5% sản lượng dầu toàn cầu, đồng thời làm gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, đẩy giá dầu toàn cầu tăng đột biến, trong đó giá dầu Brent tăng cao nhất kể từ năm 1991.
Đối với Nga, theo nhiều ước tính khác nhau, thị phần của Nga trong lượng xuất khẩu dầu toàn cầu là khoảng 11%, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nước này. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết doanh thu xuất khẩu dầu khí của Nga chiếm 45% ngân sách liên bang vào năm 2021. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt với dầu mỏ Nga, bao gồm việc áp trần giá, nhưng thay vì sang phương Tây, dầu Nga đã chuyển hướng, đến với các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ... Và theo Giáo sư Radchenko, xuất khẩu dầu đóng góp "đáng kể" vào thu nhập của Nga, cho phép nước này sử dụng số tiền đó để nhập khẩu hàng hóa và hỗ trợ nỗ lực chiến tranh.
Nếu căn cứ vào việc Nga ngày càng leo thang tấn công Ukraine, các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây chống lại nền kinh tế Nga xem ra không đủ hiệu quả. Nhưng khi Ukraine đã dần dần có thể đưa máy bay không người lái "ngày càng xa hơn vào bên trong nước Nga", tấn công các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng dầu khí có thể khiến Nga phải suy nghĩ kỹ về hành động của mình ở bên kia biên giới.
Xem video máy bay không người lái tấn công gây hỏa hoạn ở nhà máy lọc dầu Lukoil ở Volgograd của Nga hôm 3/2. Nguồn: X
Sergey Vakulenko, cựu giám đốc chiến lược tại Gazprom Neft, một công ty con của công ty năng lượng lớn hơn của Nga tin rằng vụ tấn công của máy bay không người lái vào cảng dầu Ust-Luga của tập đoàn Novatek không còn bó hẹp trong việc gây ra sự gián đoạn tạm thời trong hoạt động sản xuất tại một cơ sở đơn nhất, mà có thể báo hiệu một vấn đề lớn hơn đối với Nga. Trong một phân tích gần đây được công bố trực tuyến, Vakulenko lý luận rằng nếu các máy bay không người lái có thể bay tới Ust-Luga, nơi nằm cách biên giới Ukraine hàng trăm km, thì khoảng 18 nhà máy lọc dầu của Nga có nguy cơ trở thành mục tiêu. Điều đáng nói là 18 nhà máy lọc dầu này chiếm hơn 50% sản lượng lọc dầu của Nga.
Theo Vakulenko, những chiếc máy bay không người lái được sử dụng trong các cuộc tấn công có thể nhỏ, nhưng chúng vẫn có thể gây ra phiền toái lớn. Vì với một chút may mắn, chúng có thể làm hỏng không chỉ đường ống mà còn cả máy nén, van, bộ điều khiển... Vấn đề đối với Nga là trong bối cảnh đang bị trừng phạt, các thiết bị đó rất khó thay thế.
Một vấn đề nữa là bảo vệ cũng không hề dễ. Nga có diện tích rộng lớn, cho nên việc trang bị đầy đủ hệ thống phòng không hoặc các nhóm hỏa lực cơ động ở các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng dầu khí là không thực tế. Vì thế, các cuộc tấn công, đặc biệt là sử dụng máy bay không người lái tương đối rẻ tiền nhằm vào các doanh nghiệp dầu khí, có thể tiếp tục là phản ứng bất đối xứng của Ukraine đối với người Nga.