Bước đệm cho những kỳ vọng mới
Thị trường chứng khoán năm 2023 duy trì sự ổn định, an toàn và tiếp tục thể hiện được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước như căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực, dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ, tăng trưởng kinh tế thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm…, song với sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ có hiệu quả các bộ, ngành và sự đồng lòng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường chứng khoán năm 2023 vẫn duy trì sự ổn định, an toàn và tiếp tục thể hiện được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, thu hút sự tham gia tích cực của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cụ thể, thị trường tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tính đến hết phiên giao dịch cuối cùng của năm (ngày 29/12/2023), chỉ số VN-Index tăng 12,2% so với đầu năm 2022. Tổng giá trị vốn hóa thị trường tăng 11% so với cuối năm 2022, tương đương 60,5% GDP ước tính năm 2022.
Có thể điểm đến một số dấu ấn nổi bật của ngành chứng khoán trong năm 2023. Thứ nhất, công tác hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý được thực hiện theo đúng chương trình đề ra; các quy định tại Luật Chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn được rà soát tổng thể nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm được đẩy mạnh trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp.
Thứ ba, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nỗ lực tìm kiếm, triển khai các giải pháp trước mắt và dài hạn để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market).
Thứ tư, cơ quan quản lý khá kịp thời trong việc thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán nhằm tăng cường minh bạch cho thị trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, “điểm sáng” của cơ quan quản lý trong năm 2023 là trật tự kỷ cương, kỷ luật của thị trường được giữ vững và tăng cường. Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm trên thị trường đã được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả chung cho sự minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Bước sang năm 2024, ngành chứng khoán sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm rà soát các quy định về Luật Chứng khoán để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới; đồng thời, tiếp tục rà soát để sửa đổi Nghị định 155, các thông tư hướng dẫn và các quy định pháp luật có liên quan. Công tác thanh tra, giám sát tiếp tục được đẩy mạnh nhằm giữ nghiêm trật tự, kỷ cương kỷ luật thị trường, xử lý nghiêm các sai phạm, hỗ trợ thị trường chứng khoán hoạt động ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn nữa.
Việc nâng hạng thị trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ động, phối hợp với các bộ, ban, ngành, các đơn vị liên quan để thị trường sớm được nâng hạng. Ngành chứng khoán cũng chú trọng đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hiệu quả hơn nữa cho công tác quản lý, điều hành trên thị trường.
Hơn 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam đã cho thấy nhiều ảnh hưởng tích cực với hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Nhiều doanh nghiệp có quy mô lợi nhuận tăng gấp chục lần so với khi bắt đầu niêm yết, tên tuổi vươn tầm khu vực và thế giới.
Trong công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thu hút đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… Một nhiệm vụ trọng tâm khác là quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán.
Có thể thấy, năm 2024, ngành chứng khoán sẽ phải giải quyết những bài toán lớn. Nhưng chỉ có bằng cách này, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có thể phát huy tiềm năng của mình, tăng trưởng bền vững và đóng góp vào sự hồi phục của nền kinh tế.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ Tài chính và sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, cùng sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán năm 2023 hoạt động ổn định, an toàn, tiếp tục thể hiện được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, thu hút sự tham gia tích cực của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thị trường được đánh giá là thị trường tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, trong năm 2023, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của thị trường được giữ vững; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, góp phần làm cho thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, lành mạnh, hoạt động hiệu quả.
Bước sang năm 2024, trên tinh thần “Đoàn kết - Chủ động - Đổi mới - Quyết liệt - Hiệu quả”, bám sát thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Bộ Tài chính, tôi tin tưởng với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành chứng khoán, của các thành viên thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, các cơ quan thông tấn báo chí, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20 - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030; số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài; tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/buoc-dem-cho-nhung-ky-vong-moi-post336892.html