Bước đi bất ngờ của Nga trên thị trường khí đốt
Tổng thống Vladimir Putin vừa tuyên bố, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới sẽ sớm yêu cầu một số nước phương Tây phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng tiền tệ của Nga, tức đồng rouble. Yêu cầu mới đặt ra rào cản mới đối với những người mua khí đốt châu Âu chủ yếu của xứ sở Bạch Dương.
Theo Reuters, châu Âu nhập khoảng 40% khí đốt từ Nga, phần lớn phải thanh toán 200 triệu đến 800 triệu euro (khoảng 880 triệu USD) hóa đơn mỗi ngày bằng đồng euro và USD. Và Tổng thống Putin đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương và các quan chức Chính phủ nước này trong vòng 1 tuần tìm ra cách chuyển thanh toán sang đồng tiền của Nga.
Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom cũng được lệnh sửa đổi các hợp đồng của mình để phù hợp với động thái trên. Được biết, Nga vẫn sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt theo các nguyên tắc định giá đã ký kết trong hợp đồng, chỉ có đơn vị tiền tệ thanh toán thay đổi.
Giải thích cho quyết định của mình, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết, “quyết định bất hợp pháp” của một số nước phương Tây nhằm đóng băng tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin của Moscow vào tiền tệ của họ. Do đó, những nước “không thân thiện” sẽ phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rouble.
Hồi đầu tháng, Nga công bố danh sách một loạt các quốc gia mà họ coi là “không thân thiện” vì đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Danh sách chủ yếu gồm Mỹ và đồng minh của Mỹ ở châu Âu lẫn châu Á.
Điều gì đằng sau thay đổi này?
Mỹ, Anh và Canada đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương và việc xuất khẩu năng lượng của Nga, giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế nước này để trừng phạt Moscow vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Tuy nhiên, châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga để sưởi ấm và sản xuất điện. Do đó các thành viên EU đang chia rẽ về việc liệu họ có thể trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga hay không.
Thực tế, điểm chuẩn hợp đồng tương lai khí đốt bán buôn của châu Âu, TTF, đã nhanh chóng leo lên top đầu với 44 USD/một triệu đơn vị nhiệt của Anh vào thứ Tư để phản ứng lại lời kêu gọi của Tổng thống Nga về việc thanh toán bằng đồng rouble. Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống Gascade cho thấy, dòng khí đốt hướng Đông qua đường ống Yamal-Europe từ Đức đến Ba Lan đã giảm mạnh.
Nếu Nga được trả tiền mua khí đốt bằng đồng rouble, họ có thể tránh được một số lệnh trừng phạt tài chính. Bởi gần như tất cả các hợp đồng mua khí đốt của Nga được tính bằng đồng euro hoặc USD.
Kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, đồng rouble đã giảm mạnh tới 85% so với USD. Nhưng sau đó, nó đã tăng trở lại và tăng vọt so với USD trong thời gian ngắn sau thông báo của người đứng đầu Điện Kremlin hôm thứ Tư. Cụ thể, đồng rouble nhanh chóng vọt lên mức cao nhất trong ba tuần, ở mức 95 rouble đổi 1 USD. Theo kênh RT, giá đồng rouble cũng tăng 3,5% so với tiền tệ của EU khi giao dịch ở mức 110,5 rouble đổi 1 euro.
Trước đó, đồng rouble giảm giá xuống mức thấp nhất lịch sử vào đầu tháng này khi các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây giáng vào nền kinh tế Nga. Khi đó, cần tới 132 rouble mới đổi được 1 USD và 147 rouble chỉ đổi được 1 euro vào ngày 7/3, trong khi hồi giữa tháng 2, tỉ giá hối đoái của đồng rouble là khoảng 75 rouble/USD và 85 rouble/euro.
Ngân hàng Trung ương Nga đã phải thực hiện một số biện pháp hỗ trợ tiền tệ, bao gồm tăng gấp đôi lãi suất lên 20% như một cách để lôi kéo mọi người giữ đồng rouble của họ trong ngân hàng.
Liệu Nga có khả năng chuyển đổi như thế nào ?
Theo giới chuyên gia pháp lý quốc tế, ít có khả năng Nga có thể đơn phương thay đổi các điều khoản của hợp đồng khí đốt đã tồn tại. “Hợp đồng được thực hiện giữa hai bên và nó thường được tính bằng USD hoặc euro. Vì vậy, nếu một bên đơn phương nói “'không, bạn sẽ trả tiền bằng cách này, thì sẽ không có hợp đồng”, ông Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện Chính sách công và quản trị tại Đại học Công nghệ Sydney nhận định.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thì cho rằng, Nga đã vi phạm hợp đồng ký kết khi đơn phương thay đổi đơn vị tiền tệ sử dụng trong giao dịch. Ba Lan và Hà Lan cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu khác như Bulgaria nói sẽ không gặp vấn đề gì khi thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rouble.
Phó Chủ tịch cấp cao của Rystad, ông Claudio Galimberti, cho biết Nga có thể tạo ra các hợp đồng mới yêu cầu thanh toán bằng đồng rouble, yêu cầu các Chính phủ giữ đồng rouble trong Ngân hàng Trung ương của họ hoặc mua chúng trên thị trường mở.
Thực tế, nhiều người đã tỏ ra bối rối với quyết định của Tổng thống Nga. Ông Timm Kehler, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp khí đốt Zukunft Gas của Đức chia sẻ với hãng tin DPA: “Chúng tôi rất bối rối khi nhận được thông báo rằng Nga muốn chúng tôi thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rouble. Chúng tôi không thể dự đoán vào lúc này những tác động cụ thể nào sẽ có đối với thương mại khí đốt”.
Trong tháng qua, Nga đã phải hứng chịu nhiều đợt trừng phạt quốc tế chưa từng có. Mỹ, EU và các đồng minh đã loại Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT, thời đóng băng khoảng 300 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại hối của nước này ở nước ngoài… Tuy nhiên, nhiều nước nói trên vẫn tiếp tục mua dầu khí Nga.