Bước đi bất thường để tránh vỡ nợ của Pakistan

Tổng tư lệnh quân đội Pakistan đã có động thái bất thường khi liên lạc với Mỹ để yêu cầu họ hỗ trợ việc giải ngân khoản vay của IMF, khi nước này chìm trong lạm phát.

Theo nguồn tin của Nikkei Asia, người đàn ông quyền lực nhất Pakistan đã liên lạc với Washington để yêu cầu trợ giúp trong việc đảm bảo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sớm giải ngân một khoản vay. Điều này được cho là nhằm giúp nước này tránh vỡ nợ giữa lúc ngoại hối ngày càng cạn kiệt.

Tướng Qamar Javed Bajwa, Tổng chỉ huy quân đội Pakistan, đã điện đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman trong một động thái rất bất thường vào đầu tuần này, theo các nguồn tin từ cả Mỹ và Pakistan.

Khó giải ngân

Các nguồn tin cho biết ông Bajwa đã kêu gọi Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ thúc đẩy IMF cung cấp ngay lập tức gần 1,2 tỷ USD mà Pakistan sẽ nhận được theo một chương trình cho vay.

Mặc dù Pakistan có một nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm là Thủ tướng Shehbaz Sharif, ông lại không có nhiều uy tín hay vốn liếng chính trị bên ngoài Islamabad. Ông Sharif cũng phải đối mặt với áp lực dai dẳng từ đối thủ Imran Khan. Thay vào đó, các nhà quan sát cho rằng quyền lực nằm ở tướng Bajwa, 61 tuổi.

 Người dân băng qua cầu dành cho người đi bộ dưới nút giao thông ở Karachi (Pakistan). Ảnh: Bloomberg.

Người dân băng qua cầu dành cho người đi bộ dưới nút giao thông ở Karachi (Pakistan). Ảnh: Bloomberg.

Đội ngũ nhân viên của IMF đã chấp thuận khoản vay trên. Song giao dịch này sẽ chỉ được xử lý sau khi ban điều hành của IMF đưa ra phê duyệt cuối cùng.

IMF sẽ ngừng họp trong ba tuần tới và ban điều hành sẽ không được triệu tập cho đến cuối tháng 8. Một quan chức IMF giấu tên cho biết vẫn chưa xác định được ngày chính thức để thông báo về việc phê duyệt khoản vay cho Pakistan.

Tuy nhiên, đối với Islamabad, thời gian là điều cốt yếu.

Nếu không có dây cứu sinh ngay lập tức, nền kinh tế Pakistan, vốn bị lạm phát tàn phá, sẽ tiếp tục gặp thêm vấn đề. Đồng rupee đã giảm mạnh so với đồng USD, và quốc gia này chỉ còn lại chưa đến 9 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Hôm 28/7, S&P Global đã hạ triển vọng của Pakistan từ mức ổn định xuống tiêu cực.

Theo quan chức IMF, có sự khác biệt lớn giữa sự chấp thuận của cấp cán bộ và sự chấp thuận của ban quản trị. "Các cổ đông của chúng tôi, những quốc gia tham gia cuộc bỏ phiếu xem liệu họ có ủng hộ điều này hay không, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng", quan chức này cho biết.

"Đây là một sự khác biệt. Vì vậy, bước ràng buộc pháp lý này là sự phê duyệt của hội đồng quản trị, không phải là thỏa thuận ở cấp cán bộ”, vị này cho biết thêm.

Mỹ là cổ đông lớn nhất của IMF. Trong khi Washington đã bỏ phiếu ủng hộ cấp vốn cho Pakistan trong quá khứ, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai bày tỏ sự dè dặt về việc nước này sử dụng các khoản vay của IMF để trả lại cho Trung Quốc.

Lời kêu gọi của ông Bajwa được đưa ra sau các cuộc họp riêng giữa những quan chức cấp cao của Pakistan và Mỹ vào tháng 7.

Theo các nguồn tin, việc các cuộc họp đó không có nhiều tiến triển đã khiến tướng Bajwa tìm cách thu hút sự chú ý của Washington.

“Điều này phản ánh mối quan ngại của quân đội Pakistan về tình trạng của nền kinh tế”, Hussain Haqqani, cựu Đại sứ Pakistan tại Washington và hiện là giám đốc khu vực Nam - Trung Á tại Viện Hudson, cho biết.

Tại sao lại là tướng Bajwa?

Pakistan là một trong những quốc gia được cứu trợ nhiều nhất trên thế giới. Kể từ năm 1958, quốc gia này tham gia vào 22 chương trình của IMF, nhưng chỉ hoàn thành một chương trình. Đó là vào những năm 2000, khi đất nước này đang được chính quyền quân sự quản lý.

“Lý do khiến chương trình này của IMF bị trì hoãn là do Pakistan được ghi nhận là không giữ lời với IMF”, ông Haqqani nói.

 Tướng Qamar Javed Bajwa, Tổng chỉ huy quân đội Pakistan. Ảnh: AP.

Tướng Qamar Javed Bajwa, Tổng chỉ huy quân đội Pakistan. Ảnh: AP.

Khi đồng rupee tiếp tục chạm đáy, Pakistan thử nghiệm vũ khí hạt nhân và làm mất lòng tin của các nhà đầu tư, không rõ tướng Bajwa có thuyết phục được chính quyền Mỹ hay không.

Tuy nhiên, trong khi nhiều quan chức thừa nhận rằng tình hình tiền tệ và dự trữ ngoại hối là đáng lo ngại, họ cũng báo cáo tiến triển trong việc cấp tài chính của IMF.

“Nếu chính phủ có thể vượt qua tháng khó khăn này, sẽ có những cơ hội tốt để ổn định nền kinh tế, nhưng tháng 8 sẽ không dễ dàng”, một quan chức cho biết.

Trong khi đó, trước công chúng, thống đốc ngân hàng trung ương Pakistan khẳng định nỗi lo vỡ nợ đã bị thổi phồng quá mức. Thống đốc Murtaza Syed đã khẳng định trước báo chí rằng nhu cầu tài chính trong 12 tháng tới sẽ được đáp ứng.

Ông cũng nêu chi tiết rằng Islamabad đang đàm phán với Saudi Arabia và Trung Quốc - hai quốc gia mà tướng Bajwa đã đến thăm gần đây - để có nguồn tài chính bổ sung.

Thông thường, việc thuyết phục các nhà cho vay và nhà ngoại giao quốc tế về một gói cứu trợ kinh tế sẽ không thuộc về người đứng đầu quân đội của một quốc gia. Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, không có gì bình thường liên quan đến tình hình của Pakistan.

Các nhà quan sát gọi đất nước này là một "nền dân chủ lai" - chính thức được điều hành bởi nghị viện, nhưng các tướng lĩnh chịu trách nhiệm gánh vác những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia. Sự sắp xếp này đã tạo ra những lỗ hổng lớn trong quản trị và gây ra sự bất ổn trong những năm qua, đồng thời khiến quân đội trở thành thể chế quyền lực nhất của nước này.

Khi không trực tiếp điều hành Pakistan thông qua thiết quân luật, tình trạng khẩn cấp hay bãi bỏ hiến pháp, quân đội đã cố gắng quản lý gián tiếp thông qua sự sắp xếp hỗn hợp, hợp tác với các nhà dân chủ mất quyền lực. Điều này dường như để mô tả tình hình hiện tại ở Pakistan.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-di-bat-thuong-de-tranh-vo-no-cua-pakistan-post1340446.html