Bước đi cứng rắn của EU

Những phát ngôn thù hận và nội dung độc hại đang ngày một tràn lan trên các mạng xã hội (MXH), gây hoang mang dư luận và bất ổn trong xã hội. Trong bối cảnh này, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quy định mới đối với các MXH nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng trong môi trường mạng.

Mới đây, theo Reuters, lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra thông báo cho biết, Facebook, YouTube, Twitter và các MXH khác sẽ phải tuân thủ theo các quy định truyền phát thông tin chung của EU liên quan đến các phát ngôn thù hận và nội dung độc hại. Đây là nội dung của Chỉ thị Dịch vụ truyền thông nghe nhìn (sửa đổi) của EU.

Việc EU sửa đổi Chỉ thị Dịch vụ truyền thông nghe nhìn vốn được thông qua từ năm 2018 diễn ra trong bối cảnh các đài phát thanh, truyền hình tại châu Âu kiên quyết yêu cầu MXH cũng phải có nghĩa vụ giống như các công ty truyền thông truyền thống. Cụ thể, những công ty truyền thông trực tuyến cần bảo đảm rằng người dùng và trẻ em sẽ được bảo vệ trước những phát ngôn thù hận và nội dung độc hại. Theo EC, các MXH sẽ phải có biện pháp ngăn chặn những nội dung kích động bạo lực, thù hận, khủng bố, đồng thời chọn lọc kỹ lưỡng các chương trình dành cho trẻ em. Những yêu cầu này được áp dụng với tất cả các MXH với dịch vụ chủ yếu là cung cấp các nội dung nghe nhìn. Các quốc gia thành viên EU sẽ phải chốt danh sách những công ty truyền thông trực tuyến thuộc diện phải áp dụng quy định trước ngày 19-9 tới, thời điểm Chỉ thị Dịch vụ truyền thông nghe nhìn (sửa đổi) chính thức được triển khai. Hiện chưa rõ các công ty truyền thông trực tuyến sẽ phải đối mặt với mức phạt ra sao nếu vi phạm quy định của EU.

 Các mạng xã hội như Facebook sẽ phải tuân thủ theo các quy định truyền phát thông tin chung của EU. Ảnh: Reuters.

Các mạng xã hội như Facebook sẽ phải tuân thủ theo các quy định truyền phát thông tin chung của EU. Ảnh: Reuters.

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các MXH đang ngày càng thu hút đông đảo người dùng trên thế giới. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, người dùng có thể kết nối, trò chuyện, tiếp nhận thông tin nhanh chóng qua MXH. Do đó, không thể phủ nhận những tiện ích mà MXH mang lại cho đời sống con người. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại rằng các thế lực thù địch và băng nhóm tội phạm, khủng bố đã và đang biến MXH thành công cụ phục vụ cho mưu đồ đen tối của chúng. Các chuyên gia cho rằng, dù với bất kỳ hình thức nào thì việc đưa phát ngôn thù hận cũng nhằm mục đích kích động mâu thuẫn và bạo lực, gây bất ổn xã hội cũng như chia rẽ cộng đồng.

Hiện nay, trên các MXH như Facebook, YouTube ngày càng xuất hiện nhiều phát ngôn thù hận hay nội dung độc hại. Điều này gây ra những hệ lụy nguy hiểm khó lường cho xã hội. Tại “lục địa già”, một số nước thành viên EU cũng đã đưa ra luật riêng nhằm siết chặt kiểm duyệt nội dung trên MXH. Hồi tháng 5 vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua luật chống phát ngôn thù hận trên MXH. Theo đó, quốc gia đầu tàu EU này sẽ xử phạt nặng các MXH nếu không loại bỏ những phát ngôn thù hận về phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính cũng như phân biệt đối xử với người bị khuyết tật trong vòng 24 giờ sau khi tài khoản người dùng bị “gắn cờ” vi phạm. Đặc biệt, các nội dung khiêu dâm trẻ em và khủng bố phải được xóa bỏ trong vòng một giờ. Nếu không thực hiện đúng quy định này, các MXH có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1,25 triệu euro. Trong khi đó, từ đầu năm 2018, Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã thi hành Đạo luật thực thi mạng (NetzDG) vốn buộc các MXH có hơn 2 triệu người sử dụng nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật, gây thù hận. Các MXH có 24 giờ hoặc 7 ngày (tùy vào mức độ nghiêm trọng của phát ngôn) để xóa nội dung sau khi nhận được thông báo. Nếu vi phạm, các MXH sẽ phải nộp phạt từ 5 đến 500 triệu euro.

Quyết định yêu cầu các MXH tuân thủ quy định truyền phát thông tin chung liên quan đến các phát ngôn thù hận và nội dung độc hại của EU được coi là bước đi cần thiết của khối này giữa lúc dấy lên nhiều quan ngại về những nội dung đăng tải trên các MXH. Là đại diện cho lợi ích của các đài truyền hình ở các quốc gia EU, Hiệp hội Truyền hình thương mại châu Âu nhấn mạnh, quy định mới gắn thêm trách nhiệm mới cho các nền tảng trực tuyến. Về phần mình, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề kỹ thuật số của EC Margrethe Vestager nhận định, quy định mới sẽ trở thành công cụ bảo vệ người dùng trước các phát ngôn thù hận và thông tin độc hại.

Trước tình trạng phát ngôn gây thù hận và thông tin độc hại phổ biến trên MXH, bên cạnh trách nhiệm của người dùng và các biện pháp xử lý cứng rắn của Chính phủ các quốc gia, chính các công ty truyền thông trực tuyến cũng cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em trước thông tin xấu, độc.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/buoc-di-cung-ran-cua-eu-626531