Bước đi mới nhằm thắt chặt quan hệ giữa Nga và Cuba
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel đang có chuyến thăm Nga, bắt đầu từ hôm qua (27/10) và kéo dài tới ngày 30/10.
Đây là bước đi mới nhằm thắt chặt quan hệ giữa Nga và Cuba, trong bối cảnh cả hai quốc gia này đang chịu nhiều sức ép từ phía Mỹ.
Tính chất đặc biệt trong mối quan hệ giữa Nga và Cuba
Dù cách xa nhau về địa lý nhưng Cuba và Nga là những đồng minh thân thiết từ thời Chiến tranh Lạnh. Hai bên luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả đối thoại chính trị về các vấn đề quốc tế. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cả Nga và Cuba đều đang phải chịu những biện pháp trừng phạt của Mỹ, khiến hai nước xích lại gần nhau hơn. Nga phản đối chính sách cấm vận kinh tế kéo dài vô lý suốt 6 thập kỷ qua của Mỹ đối với Cuba, khiến nước này gặp vô vàn khó khăn và bị kìm hãm phát triển. Về phần mình, Cuba lên án các biện pháp trừng phạt sai trái của Mỹ và một số thành viên NATO nhằm vào Nga.
Sau thời gian bị gián đoạn vào những năm 90 của thế kỷ trước do những lý do khách quan, Nga và Cuba bắt đầu nối lại quan hệ từ những năm 2000, các chuyến thăm cấp cao được tổ chức. Năm 2014, Tổng thống Putin và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Raul Castro đã ký văn kiện về hợp tác trong lĩnh vực an ninh, năng lượng, công nghiệp, văn hóa và y tế. Kể từ đó hai nước tích cực phát triển các mối quan hệ kinh tế - thương mại. Quan trọng hơn nữa, hợp tác với Nga, Cuba nhận được sự đảm bảo về nguồn cung năng lượng, bởi Nga là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới. Những dự án hợp tác kinh tế với Havana phần nào giúp Nga trụ vững trước làn sóng cấm vận kinh tế từ Mỹ và phương Tây, sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định quan hệ Nga - Cuba là mối quan hệ của “những người bạn, người đồng minh thật sự, trước sau như một, không phụ thuộc hoàn cảnh”. Những chuyến thăm lẫn nhau liên tục ở cấp cao cho thấy, hai bên đang tiếp tục khẳng định sự chia sẻ, thông cảm và tiếp nối mối quan hệ truyền thống hữu nghị đã được thiết lập, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Kỳ vọng chuyến thăm của Chủ tịch Cuba tới Nga
Điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel trong chuyến thăm Nga lần này là thành phố Saint Peterburg. Tại đây, trong ngày hôm nay (28/10), ông sẽ có cuộc gặp với Thống đốc thành phố Saint.Peterburg A.Beglov và hội đàm về thúc đẩy hợp tác giữa Cuba với thành phố này, trong đó có lĩnh vực du lịch.
Theo chương trình, ngày mai (29/10), Chủ tịch Cuba mới bắt đầu thăm thủ đô Moscow và hội đàm với Tổng thống Nga. Như vậy, chuyến thăm lần này của người đứng đầu Cuba sẽ không chỉ nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thúc đẩy hợp tác toàn diện với Nga ở cấp độ quốc gia, mà còn mở rộng hợp tác với cấp địa phương của Nga.
Cạnh tranh chiến lược Nga- Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh
Mỹ Latinh là một khu vực đông dân số, diện tích rộng, tài nguyên thiên nhiên phong phú và sở hữu đường bờ biển dài. Trong những năm trước đây, khu vực này vốn được coi là “sân sau” của Mỹ. Tuy nhiên trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vị thế của Mỹ ở Mỹ Latinh đang dần suy giảm. Trong khi đó, Nga đã bắt đầu chú ý đến khu vực này và đang gia tăng hợp tác với Mỹ Latinh. Theo một số nhà phân tích, Mỹ đang thua Nga trong cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực này. Bởi Mỹ thực hiện hàng loạt hành động thù địch tại một số quốc gia Mỹ Latinh không nghe theo lệnh của Washington. Những kịch bản cũ vẫn đang được lặp lại, đó là phong tỏa, trừng phạt, cấm vận…, Cuba là điển hình phải hứng chịu suốt mấy chục năm nay. Thời gian vừa qua, các biện pháp này được Mỹ tiếp tục áp dụng với Venezuela nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Maduro.
Trong khi đó, Nga luôn tìm cách hợp tác, hỗ trợ các nước Mỹ Latinh cả về kinh tế lẫn quân sự, đảm bảo tính hợp pháp và chính nghĩa cho các chính quyền ở những nơi Mỹ muốn lật đổ. Năm 2014, Tổng thống Nga Putin đã có chuyến thăm một loạt các nước Mỹ Latinh, gồm Cuba, Arhentina, Nicaragua, Brazil, nhằm tăng cường hợp tác về kinh tế-thương mại, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, kỹ thuật-quân sự.
Trong bối cảnh Nga bị áp đặt trừng phạt bởi Mỹ và phương Tây, thì hợp tác với các nước Mỹ la tinh, giúp giảm bớt các rủi ro, đồng thời gia tăng uy tín của Nga trên trường quốc tế. Các nước này cũng ủng hộ quan điểm của Nga về vấn đề Crimea. Mặt khác, trong khi phải chịu các trừng phạt của Mỹ và diễn biến phức tạp của các cuộc cách mạng màu, thì hợp tác với Nga, các nước Mỹ la tinh cũng nhận được sự trợ giúp của Nga cả về kinh tế lẫn quân sự.
Những tháng qua, liên minh gồm Nga, Cuba và Iran nỗ lực hợp tác để chống lại áp lực kinh tế và ngoại giao của Mỹ đối với chính quyền Tổng thống Maduro. Nga không chỉ đầu tư vào ngành khai thác dầu của Venezuela, mà còn là nhà cung cấp vũ khí cho nước này với các hợp đồng trị giá 12 tỷ USD. Giống như ở Syria, Nga đang duy trì sự can dự vào Venezuela để giúp chế độ của Tổng thống Maduro không bị lật đổ.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, trước sự suy giảm vai trò của các lực lượng cánh tả ở một số nước Mỹ Latinh và sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu thân Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã không bỏ lỡ cơ hội. Năm 2018, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Argentina thành lập một căn cứ quân sự của Mỹ tại nước này. Tại Brazil, Mỹ cũng nhận được đồng ý cho Mỹ tiến tới sử dụng căn cứ không quân tại Brazil. Sau hơn hai thập niên, Mỹ đã trở lại châu Mỹ Latinh, bằng cách thiết lập các căn cứ quân sự và hậu thuẫn cho các chính quyền cực hữu, theo phương châm dân túy thuần túy, bài ngoại, và có thái độ phân biệt chủng tộc rất gay gắt. Vì vậy, cạnh tranh chiến lược Nga-Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh chắc hẳn sẽ còn nhiều diễn biến./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/buoc-di-moi-nham-that-chat-quan-he-giua-nga-va-cuba-971899.vov