Bước đi phá vỡ truyền thống chính trường Mỹ của ông Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho đến nay vẫn chưa tiết lộ tên những nhà tài trợ cho nhóm chuyển giao quyền lực, một bước đi phá vỡ truyền thống lâu năm trên chính trường Mỹ.

Cho đến nay, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn chưa ký thỏa thuận với chính quyền Joe Biden đương nhiệm, trong đó áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt về hoạt động gây quỹ để đổi lấy khoản tiền 7,2 triệu USD từ ngân sách liên bang dành riêng cho quá trình chuyển giao quyền lực.

Khi né tránh thỏa thuận này, ông Trump có thể huy động số tiền không giới hạn từ các nhà tài trợ ẩn danh nhằm chi trả cho đội ngũ nhân viên, chi phí đi lại và không gian văn phòng cho nhóm chuyển giao quyền lực.

Theo New York Times, ông Trump là tổng thống đắc cử đầu tiên làm điều này, khiến một số chuyên gia e ngại. Những người tìm cách lấy lòng chính quyền mới giờ đây có cơ hội quyên góp trực tiếp cho ứng viên chiến thắng theo cách ẩn danh. Ngoài ra, công dân nước ngoài cũng được phép đóng góp cho nhóm.

“Khi số tiền được giữ kín, không rõ mọi người góp bao nhiêu, ai quyên góp và họ nhận lại được lợi ích gì”, Heath Brown - giáo sư về chính sách công, chuyên nghiên cứu về quá trình chuyển giao tổng thống - nhận định. “Phần lớn người Mỹ đều muốn biết ai đang chi trả những gì”.

Nhóm chuyển giao của ông Trump - do bà Linda McMahon và ông Howard Lutnick đứng đầu, cả hai đều được đề cử vào nội các - nhiều lần tuyên bố có ý định ký thỏa thuận với chính quyền Biden.

Song thời hạn ký kết đã trôi qua và đã hai tuần kể từ ngày bầu cử, nhóm chưa đạt được tiến triển nào. Nhà Trắng - có nghĩa vụ cung cấp thỏa thuận cho các ứng viên tổng thống theo Đạo luật chuyển giao tổng thống - tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ ông Trump.

Không nhận tiền liên bang

Hôm 21/11, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã gửi thư cho Nhà Trắng nêu mối lo ngại về việc nhóm chuyển giao của ông Trump không ký các thỏa thuận. Bà yêu cầu giải trình về cách chính quyền đương nhiệm làm việc với đội ngũ của tổng thống đắc cử.

Trong khi đó, Brian Hughes - phát ngôn viên nhóm chuyển giao của ông Trump - khẳng định họ đang làm việc chặt chẽ với Nhà Trắng để xây dựng thỏa thuận dựa trên Đạo luật chuyển giao tổng thống.

Nhóm chuyển giao của ông Trump - trước đây được gọi là Trump Vance 2025 Transition Inc. - không tiết lộ thông tin nào về số tiền gây quỹ mục tiêu, những người đã đóng góp vào quỹ và cách chi tiêu số tiền này. Cũng giống những nhóm tiền nhiệm, nhóm của ông Trump được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận “tiền ẩn danh” (dark money). Những tổ chức này thường không phải tiết lộ danh tính các nhà tài trợ, thậm chí với cả Sở Thuế vụ Mỹ (IRS).

Tuy nhiên, khác với đội ngũ năm 2024, các nhóm chuyển giao trước đó chấp nhận hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Quản lý Dịch vụ Công (GSA), cơ quan chịu trách nhiệm quản lý phần lớn quy trình chuyển giao. Đổi lại, họ phải tuân thủ các điều kiện mà những tổ chức phi lợi nhuận "tiền đen" khác không cần nghe theo, như giới hạn đóng góp cá nhân ở mức 5.000 USD và công khai danh tính nhà tài trợ.

 Linda McMahon - đồng Chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump - nhiều lần tuyên bố có kế hoạch ký thỏa thuận với Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.

Linda McMahon - đồng Chủ tịch nhóm chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump - nhiều lần tuyên bố có kế hoạch ký thỏa thuận với Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.

Khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống vào năm 2008, nhóm chuyển giao huy động được 4,5 triệu USD, trong đó mức tối đa là 5.000 USD cùng với cam kết từ chối tiền của tập đoàn, nghiệp đoàn lao động, ủy ban hành động chính trị, nhóm vận động hành lang,.... Gần 60.000 người đã tham gia, với số tiền đóng góp trung bình khoảng 75 USD.

Năm 2020, nhóm ông Biden đặt mục tiêu gây quỹ 7 triệu USD. Khi GSA bị ảnh hưởng bởi những tuyên bố sai sự thật về kết quả bầu cử của ông Trump, cơ quan này ngừng rót tiền hàng tuần liền. Tính tới ngày nhậm chức, đội ngũ ông Biden huy động được 22 triệu USD với 450 nhân viên.

Trong năm 2016, ông Trump chọn cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie làm người điều hành quá trình chuyển giao quyền lực. Song hai người bất đồng và ông Trump sa thải ông Christie ngay sau cuộc bầu cử, thay thế bằng “phó tướng” Mike Pence.

Nhóm ông Trump khi đó cũng ký thỏa thuận với GSA, với khoảng 120 nhân viên và gây quỹ được 6,5 triệu USD. Tổng thống đắc cử dùng Trump Tower để phỏng vấn các ứng viên. Báo cáo cho thấy nhóm đã chi 258.000 USD cho “tiền thuê nhà và tiện ích” nhưng không nêu rõ trả cho ai, cùng 1,8 triệu USD phí luật sư, phần lớn giải ngân sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức.

Năm 2024, chiến dịch tranh cử của ông Trump và các nhóm ủng hộ huy động được hơn một tỷ USD, trong đó có hơn 100 triệu USD từ 3 tỷ phú Timothy Mellon, Elon Musk và Miriam Adelson.

Bước đi không thể lường trước

Tuy nhiên, cơ hội để tranh giành sự ưu ái thông qua các khoản đóng góp lớn không kết thúc trong ngày bầu cử. Mục tiêu truyền thống hậu chiến dịch là Ủy ban nhậm chức tổng thống, một tổ chức độc lập với chiến dịch tranh cử và quá trình chuyển giao quyền lực.

Năm 2016, ông Trump huy động được 107 triệu USD cho lễ nhậm chức, trong đó có 30 khoản đóng góp, mỗi khoản 1 triệu USD. Sau đó, tổng chưởng lý Đặc khu Columbia khởi kiện, cáo buộc Ủy ban sử dụng sai mục đích quỹ, như trả giá quá cao cho khách sạn ông Trump ở Washington. Vụ kiện được giải quyết với khoản dàn xếp trị giá 750.000 USD.

Cũng giống chiến dịch tranh cử, các khoản đóng góp cho quỹ nhậm chức do Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) giám sát, trong đó yêu cầu Ủy ban nhậm chức phải nộp danh sách chi tiết nhà tài trợ. Quy định cũng cấm nhận tiền từ công dân nước ngoài.

Tuy nhiên, quỹ chuyển giao quyền lực không nằm trong sự kiểm soát của FEC. Ngoài ra, IRS cũng cho phép các tổ chức phi lợi nhuận liên quan nhận đóng góp từ người nước ngoài mà không cần công khai danh tính.

Max Stier - Chủ tịch tổ chức Partnership for Public Service - nhận định các quy định công khai thông tin nhằm ngăn các nhà tài trợ lợi dụng quỹ chuyển giao để lấy lòng chính quyền mới trước khi chính thức nhậm chức.

 Ông Howard Lutnick - lãnh đạo nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump - được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại. Ảnh: New York Times.

Ông Howard Lutnick - lãnh đạo nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump - được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại. Ảnh: New York Times.

Do nhóm chuyển giao của ông Trump chưa ký thỏa thuận riêng biệt với Bộ Tư pháp Mỹ, nên Cục Điều tra Liên bang (FBI) không thể kiểm tra lý lịch để cấp quyền tiếp cận an ninh cho một số ứng viên. Kết quả là, các ứng viên được cho là đang thẩm tra bởi công ty tư nhân, dẫn tới khả năng cơ quan thực thi pháp luật liên bang có thể không bao giờ xem xét đầy đủ những người được ông Trump bổ nhiệm.

Đội ngũ của ông Trump cũng chưa ký thỏa thuận với Nhà Trắng, trong đó quy định cách các nhân sự tiếp cận cơ quan liên bang và thông tin mật trước ngày nhậm chức 20/1/2025. Thỏa thuận này phụ thuộc vào việc đội ngũ chuyển giao đệ trình và công khai một bản kế hoạch đạo đức phù hợp với luật liên bang để tránh xung đột lợi ích.

Các chuyên gia nhận định giới lập pháp dường như không lường trước được việc một ứng viên tổng thống có thể từ chối hàng triệu USD từ chính phủ liên bang và từ chối công khai quy tắc đạo đức.

Trên lý thuyết, IRS có thể kiểm toán quá trình chuyển giao quyền lực của ông Trump và yêu cầu cung cấp thông tin về nhà tài trợ. Song ngay cả khi nắm trong tay bản danh sách, họ cũng sẽ không công khai.

“Xét đến tính nhạy cảm về mặt chính trị của tổ chức này, tôi cho rằng họ sẽ không bị kiểm toán”, Brian Galle - giáo sư luật tại Đại học Georgetown - nhận định.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/buoc-di-pha-vo-truyen-thong-chinh-truong-my-cua-ong-trump-post1513570.html