Bước đột phá trong cải cách tư pháp của Tòa án

Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Sơn La đã tổ chức các phiên tòa trực tuyến, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Nỗ lực triển khai

Theo Nghị quyết số 33, Tòa án nhân dân (TAND) được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Phiên tòa trực tuyến do TAND tỉnh Sơn La tổ chức với điểm cầu Trung tâm tại TAND tỉnh.

Phiên tòa trực tuyến do TAND tỉnh Sơn La tổ chức với điểm cầu Trung tâm tại TAND tỉnh.

TAND hai cấp tỉnh Sơn La đã khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tận dụng hệ thống truyền hình trực tuyến phiên tòa có sẵn, phối hợp chặt chẽ với VNPT Sơn La, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ sở giam giữ và cơ quan có liên quan tổ chức xét xử các phiên tòa trực tuyến.

Ngày 25/3, TAND tỉnh Sơn La lần đầu tiên tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Vì Văn Cường có hành vi tàng trữ trái phép 43,619 gam ma túy tại nhà ở bản Chiềng Pằn, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu. Phiên tòa diễn ra tại 2 điểm cầu, gồm: TAND tỉnh (điểm cầu trung tâm) và Trại tạm giam Công an tỉnh (điểm cầu thành phần). Phiên tòa được truyền hình trực tuyến đến Ban Nội chính Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và 12 TAND cấp huyện để giám sát và rút kinh nghiệm. Tại phiên tòa, kiểm sát viên đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo đúng quy định, tích cực tham gia xét hỏi để làm rõ nội dung vụ án. Bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt. Căn cứ các tài liệu vụ án, lời khai nhận của bị cáo và đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Vì Văn Cường 16 năm, 6 tháng tù về tội mua bán trái phép chất ma túy theo điểm b, khoản 3, Điều 251, Bộ Luật Hình sự.

Phiên tòa trực tuyến do TAND tỉnh Sơn La tổ chức với điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Phiên tòa trực tuyến do TAND tỉnh Sơn La tổ chức với điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

Rút kinh nghiệm từ phiên tòa trực tuyến đầu tiên, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết, trong năm đầu triển khai thực hiện, TAND tỉnh đã triển khai 12 phiên tòa trực tuyến; TAND cấp huyện tổ chức 160 phiên tòa trực tuyến, vượt chỉ tiêu TAND tối cao giao.

Ông Nguyễn Minh Hải, Chánh án TAND tỉnh, thông tin: Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến hoàn toàn đúng quy định của pháp luật tố tụng, bảo đảm tiến độ xét xử của Tòa án; toàn bộ diễn biến phiên tòa được ghi âm, ghi hình bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử; tạo điều kiện thuận lợi và giảm rất nhiều chi phí cho người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa; phù hợp với định hướng cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay. Việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án, bảo đảm tư pháp không chậm trễ và tiết kiệm chi phí xã hội trong quá trình giải quyết các vụ án.

Hiệu quả bước đầu

Năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Viện Kiểm sát cùng cấp và các cơ sở giam giữ, các cơ quan, đơn vị có liên quan khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tận dụng hệ thống truyền hình trực tuyến phiên tòa tổ chức tốt 191 phiên tòa xét xử trực tuyến (cấp tỉnh 7 phiên tòa; cấp huyện 184 phiên tòa, tăng 62 vụ so với năm 2022).

Kiểm sát viên Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng 9, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, chia sẻ: Việc xét xử trực tuyến đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong ứng dụng số hóa và công nghệ thông tin vào xét xử; tiết kiệm thời gian, chi phí tố tụng cho đương sự. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, toàn bộ diễn biến phiên tòa được ghi âm, ghi hình, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp.

Cán bộ TAND tỉnh Sơn La kiểm tra hệ thống đường truyền trước khi tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Cán bộ TAND tỉnh Sơn La kiểm tra hệ thống đường truyền trước khi tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được TAND cấp huyện tích cực triển khai. Tại TAND huyện Mộc Châu, từ năm 2023 đến nay đã tổ chức 35 phiên tòa xét xử trực tuyến. Ông Lương Long Bình, Chánh án TAND huyện Mộc Châu, cho biết: Các phiên tòa được tổ chức trực tuyến với 2 điểm cầu, gồm: Điểm cầu trung tâm TAND huyện và điểm cầu thành phần là nhà tạm giữ Công an huyện. TAND huyện cũng đã lựa chọn một số phiên tòa xét xử trực tuyến là phiên tòa rút kinh nghiệm, từ đó rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng của thẩm phán, thư ký tại phiên tòa, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức TAND huyện ngày càng trưởng thành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phiên tòa trực tuyến do TAND huyện Mộc Châu tổ chức.

Phiên tòa trực tuyến do TAND huyện Mộc Châu tổ chức.

Triển khai thực hiện phiên tòa trực tuyến, TAND huyện Phù Yên cũng như các đơn vị TAND cấp huyện khác trong tỉnh đều gặp khó khăn do chưa sắp xếp, bố trí được phòng xử án trực tuyến. TAND huyện Phù Yên đã khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất; cân đối kinh phí mua sắm thêm một số thiết bị cần thiết; phối hợp với nhà mạng, cán bộ kỹ thuật của TAND tỉnh, Công an huyện để khảo sát, nghiên cứu phương án và lắp đặt thiết bị tại điểm cầu thành phần tại Nhà tạm giữ công an huyện để triển khai thành công tác phiên tòa trực tuyến. Đặc biệt, trong tháng 10/2023, TAND huyện Phù Yên đã phối hợp với TAND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến xét xử vụ án hình sự với điểm cầu trung tâm là TAND huyện Xuyên Mộc, điểm cầu thành phần là TAND huyện Phù Yên. Vụ án có bị cáo là phạm nhân đang chấp hành án tại Trại Giam Yên Hạ, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên. Việc xét xử trực tuyến giúp cho TAND huyện Xuyên Mộc không phải trích xuất bị cáo về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xét xử, giảm chi phí tố tụng, đảm bảo an toàn và kịp thời trong công tác xét xử; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị Tòa án.

Nâng cao chất lượng công tác xét xử

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội; tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, nhất là các phiên tòa rút kinh nghiệm được truyền hình trực tuyến và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Ngày 24/5, TAND tỉnh Sơn La tổ chức phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Phiên tòa được được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Trụ sở TAND tỉnh Sơn La, điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La. Đặc biệt, phiên tòa được trực tuyến đến TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND hai cấp của 28 tỉnh thuộc địa hạt thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại Hà Nội và các TAND cấp huyện thuộc tỉnh Sơn La. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, tại điểm cầu trung tâm, TAND tỉnh Sơn La đã tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm dưới hình thức trực tuyến.

TAND tỉnh Sơn La tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm tổ chức phiên tòa trực tuyến.

TAND tỉnh Sơn La tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Ông Quản Hữu Chiến, Phó Chánh án TAND tỉnh, đánh giá: Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến rút kinh nghiệm là giải pháp đột phá, hữu hiệu để tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, chất lượng tranh tụng, xét xử; góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần giữ ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án hình sự phức tạp. Đồng thời, nâng cao nhận thức và hành động cho đội ngũ công chức ngành tòa án; nâng cao kỹ năng điều hành của thẩm phán, phù hợp với xu hướng hiện nay, để tiến tới xây dựng tòa án thông minh, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phap-luat/buoc-dot-pha-trong-cai-cach-tu-phap-cua-toa-an-kNCilA8IR.html